25

Th6

THỦ TỤC THÀNH LẬP HỘ KINH DOANH THEO LUẬT HIỆN HÀNH

Hộ kinh doanh cá thể là mô hình kinh doanh đơn giản và phổ biến tại Việt Nam. Trong bài viết này Luật 3S sẽ hướng dẫn bạn chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể và những lưu ý quan trọng cần biết để tránh rủi ro khi xin giấy phép đăng ký hộ kinh doanh.

1.  Hộ kinh doanh là gì?

Điều 79 Nghị định 01/2021 NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp định nghĩa về hộ kinh doanh như sau: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”.

2.Đối tượng được thành lập hộ kinh doanh

Căn cứ theo điều 80 Nghị định 01/2021:

Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp. Tuy nhiên nếu kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, những đối tượng nêu trên vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định.(Căn cứ khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 82 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này

– Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

4. Thủ tục đăng ký Hộ kinh doanh

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể được quy định cụ thể tại Điều 87 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

* Thành phần hồ sơ

Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) (01 bản chính)

Giấy tờ pháp lý (CCCD/CMND/Hộ chiếu) của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (01 bản sao y chứng thực)

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (01 bản chính)

– Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh (trong trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện) (01 bản chính). Lưu ý: Một số nơi yêu cầu Văn bản uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh phải được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật

– Hợp đồng thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh (01 bản sao y chứng thực/ photo). Lưu ý: Theo quy định pháp luật thì không bắt buộc phải có giấy tờ này, nhưng một số địa phương yêu cầu loại giấy tờ này, nếu chủ hộ có hợp đồng thì cứ mang theo để cung cấp, trong trường hợp không có thì giải trình Luật không bắt buộc nộp Hợp đồng thuê nhà khi đăng ký kinh doanh để cán bộ địa phương hiểu rõ và không yêu cầu người dân nộp giấy tờ khác ngoài luật quy định.

Lưu ý: Một số địa phương cán bộ yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Hộ kinh doanh có thể giải trình rằng theo quy định của Luật không bắt buộc phải nộp sổ hộ khẩu khi đăng ký Hộ kinh doanh, do đó yêu cầu nộp sổ hộ khẩu của cán bộ là không đúng quy định pháp luật và không cần thiết, người dân có quyền từ chối thực hiện bổ sung giấy tờ này.

* Nơi nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, Chủ hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình hoặc người được uỷ quyền thực hiên thủ tục đăng ký kinh doanh, đến nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi đặt trụ sở chính của Hộ kinh doanh.

Lưu ý: Khi đi nộp hồ sơ nhớ mang theo Bản gốc giấy tờ tuỳ thân để đối chiếu khi cần.

* Thời gian làm thủ tục

Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

* Lệ phí:

Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.

5. Một số lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh

***Đặt tên Hộ kinh doanh:

Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Cụm từ “Hộ kinh doanh”;

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

***Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

1.Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

2.Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

***Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh

1.Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3.Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

4.Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

5.Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan