TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 01 NĂM 2021
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 01 năm 2021
Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6% đến 7%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5 % khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021. Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trọng thái bình thường mới; Thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn. Triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi; Chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam. Nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối thông qua các Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo[1].
Những nhận định tích cực từ cộng đồng quốc tế cũng như các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc bước đầu triển khai có hiệu quả các chính sách mới liên quan đến doanh nghiệp và gia nhập thị trường như: (1) Luật Doanh nghiệp 2021; (2) Nghị định số 122/2020/NĐ-CP tích hợp trực tuyến 4 quy trình gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 01 quy trình thông qua việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước; (3) Nghị định số 01/2020/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, được Chính phủ ban hành đầu năm 2021, giúp cho việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp không bị gián đoạn, đồng thời mở ra những hy vọng cho hoạt động phát triển doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn rất dai dẳng, thể hiện ở sự giảm sút của số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và sự gia tăng mạnh của số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Tháng 01 năm 2021 có 10.091 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 01/2021 đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2021 là 395.063 tỷ đồng (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 155.084 tỷ đồng (tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2020) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 239.979 tỷ đồng (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020) với 4.015 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của người dân đối với sự phục hồi của kinh tế nước ta cũng như hiệu quả ban đầu của các chính sách mới đã tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2021 là 115.897 lao động, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 204 doanh nghiệp (tăng 102%); Khai khoáng có 58 doanh nghiệp (tăng 87,1%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 3.366 doanh nghiệp (tăng 65,2%); Kinh doanh bất động sản có 600 doanh nghiệp (tăng 33%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 81 doanh nghiệp (tăng 50%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 174 doanh nghiệp (tăng 18,4%) và Xây dựng có 1.220 doanh nghiệp (tăng 14,6%).
Sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời ngành nghề xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 20,8%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 15,3%); Giáo dục và đào tạo (giảm 1%).
Bảng 1 – Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 01/2021
phân theo ngành, lĩnh vực
STT | NGÀNH NGHỀ | SỐ LƯỢNG | VỐN | LAO ĐỘNG |
1 | Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy | 3.366 | 16.810 | 14.662 |
2 | Công nghiệp chế biến, chế tạo | 1.265 | 20.757 | 70.573 |
3 | Dịch vụ lưu trú và ăn uống | 396 | 4.443 | 2.007 |
4 | Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác | 520 | 6.336 | 2.643 |
5 | Giáo dục và đào tạo | 299 | 1.236 | 1.491 |
6 | Hoạt động dịch vụ khác | 104 | 274 | 489 |
7 | Khai khoáng | 58 | 917 | 416 |
8 | Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác | 874 | 5.907 | 4.204 |
9 | Kinh doanh bất động sản | 600 | 49.190 | 3.625 |
10 | Nghệ thuật, vui chơi và giải trí | 72 | 512 | 426 |
11 | Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản | 174 | 3.718 | 1.259 |
12 | Sản xuất phân phối, điện, nước, gas | 204 | 14.021 | 1.684 |
13 | Thông tin và truyền thông | 110 | 5.223 | 642 |
14 | Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm | 289 | 1.524 | 1.406 |
15 | Vận tải kho bãi | 459 | 3.019 | 2.371 |
16 | Xây dựng | 1.220 | 16.844 | 6.584 |
17 | Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội | 81 | 4.352 | 1.415 |
– Phân theo địa bàn:
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 3.501 doanh nghiệp (chiếm 34,7% cả nước) và số vốn đăng ký là 63.362 tỷ đồng (chiếm 40,9% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 3.282 doanh nghiệp (chiếm 32,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 36.538 tỷ đồng (chiếm 23,6% cả nước). Đây cũng là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2020, tăng 52,4%.
– Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 8.792 doanh nghiệp (chiếm 87,1%, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 634 doanh nghiệp (chiếm 6,3%, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô từ 20 – 50 tỷ đồng là 326 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng là 172 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 167 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2021 là 6.503 doanh nghiệp, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong tháng 01/2021 giảm trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (2.550 doanh nghiệp, chiếm 39,2%, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2020); Xây dựng (1.067 doanh nghiệp, chiếm 16,4%, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2020); Công nghiệp chế biến, chế tạo (820 doanh nghiệp, chiếm 12,6%, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (404 doanh nghiệp, chiếm 6,2%, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (337 doanh nghiệp, chiếm 5,2%, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2020); Vận tải kho bãi (316 doanh nghiệp, chiếm 4,9%, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (259 doanh nghiệp, chiếm 4%, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2020); Kinh doanh bất động sản (151 doanh nghiệp, chiếm 2,3%, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2020); Giáo dục và đào tạo (83 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 49,1% so với cùng kỳ năm 2020); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (35 doanh nghiệp, chiếm 0,5%, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Bảng 2 – Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 01/2021
phân theo ngành, lĩnh vực
STT | NGÀNH NGHỀ | SỐ LƯỢNG |
1 | Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy | 2.550 |
2 | Công nghiệp chế biến, chế tạo | 820 |
3 | Dịch vụ lưu trú và ăn uống | 259 |
4 | Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác | 337 |
5 | Giáo dục và đào tạo | 83 |
6 | Hoạt động dịch vụ khác | 106 |
7 | Khai khoáng | 151 |
8 | Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác | 51 |
9 | Kinh doanh bất động sản | 404 |
10 | Nghệ thuật, vui chơi và giải trí | 83 |
11 | Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản | 35 |
12 | Sản xuất phân phối, điện, nước, gas | 42 |
13 | Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm | 37 |
14 | Thông tin và truyền thông | 141 |
15 | Vận tải kho bãi | 316 |
16 | Xây dựng | 1.067 |
17 | Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội | 21 |
Việc số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01 năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do thời điểm tháng 01 năm 2021 trùng với tháng 12 âm lịch, chi phí hoạt động, vận hành, sản xuất tăng cao, cùng với đó, lao động trong giai đoạn này thường khó tuyển dụng.
- Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 01/2021, có 25.752 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 18.055 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.602 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 2.095 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Bảng 3 – Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 01/2021
phân theo ngành, lĩnh vực
STT | NGÀNH NGHỀ | Tạm ngừng kinh doanh có thời hạn | Tạm ngừng hoạt động không đăng ký chờ giải thể | Giải thể |
1 | Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy | 6.639 | 2.151 | 795 |
2 | Công nghiệp chế biến, chế tạo | 2.159 | 649 | 245 |
3 | Dịch vụ lưu trú và ăn uống | 996 | 346 | 105 |
4 | Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác | 1.132 | 266 | 93 |
5 | Giáo dục và đào tạo | 387 | 174 | 77 |
6 | Hoạt động dịch vụ khác | 229 | 81 | 32 |
7 | Khai khoáng | 118 | 38 | 19 |
8 | Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác | 1.228 | 339 | 122 |
9 | Kinh doanh bất động sản | 527 | 233 | 100 |
10 | Nghệ thuật, vui chơi và giải trí | 130 | 56 | 21 |
11 | Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản | 273 | 119 | 42 |
12 | Sản xuất phân phối, điện, nước, gas | 162 | 86 | 51 |
13 | Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm | 119 | 57 | 27 |
14 | Thông tin và truyền thông | 400 | 172 | 68 |
15 | Vận tải kho bãi | 1.026 | 269 | 96 |
16 | Xây dựng | 2.471 | 526 | 192 |
17 | Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội | 59 | 40 | 10 |
2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 là 18.055 doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong tháng cuối năm, khi hầu hết doanh nghiệp chờ đợi sang năm mới để tìm hướng đi và các mặt hàng, đối tác phù hợp để triển khai kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, 31 tháng 12 hàng năm thường là thời điểm doanh nghiệp kết thúc năm tài chính của mình, điều này cũng khiến cho số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 01 năm 2021 tăng cao.
So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 01/2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, với mức tăng từ 40% trở lên. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2020 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (162 doanh nghiệp, tăng 153,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (59 doanh nghiệp, tăng 145,8%); Giáo dục và đào tạo (387 doanh nghiệp, tăng 103,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (996 doanh nghiệp, tăng 95,7%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (130 doanh nghiệp, tăng 85,7%); Kinh doanh bất động sản (527 doanh nghiệp, tăng 84,9%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.132 doanh nghiệp, tăng 73,9%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (119 doanh nghiệp, tăng 65,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (273 doanh nghiệp, tăng 58,7%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.228 doanh nghiệp, tăng 55,1%); Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (6.639 doanh nghiệp, tăng 50,1%). Trong đó có các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 và vẫn chưa thể phục hồi trong thời gian này, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến du lịch, dịch vụ.
Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 6.214 doanh nghiệp (chiếm 34,4%, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2020); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 5.589 doanh nghiệp (chiếm 31% cả nước, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020).
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở tất cả quy mô vốn, cụ thể: doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 16.698 doanh nghiệp (chiếm 92,5%, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 780 doanh nghiệp (chiếm 4,3%, tăng 76,9% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 360 doanh nghiệp (chiếm 2%, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 120 doanh nghiệp (chiếm 0,7%, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 97 doanh nghiệp (chiếm 0,5%, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2020).
2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể
Trong tháng 01 năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 5.602 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng ở 11/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.151 doanh nghiệp, chiếm 38,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (649 doanh nghiệp, chiếm 11,6%); Xây dựng (526 doanh nghiệp, chiếm 9,4%).
Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (2.573 doanh nghiệp, chiếm 45,9%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (1.105 doanh nghiệp, chiếm 19,7%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (926 doanh nghiệp, chiếm 16,5%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng ở 3/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 5.057 doanh nghiệp (chiếm 90,3%, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020); từ 10 – 20 tỷ đồng có 278 doanh nghiệp (chiếm 5%, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 153 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 56 doanh nghiệp (chiếm 1%, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 58 doanh nghiệp (chiếm 1%, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020).
2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 01 năm 2021 là 2.095 doanh nghiệp, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020.
15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Vận tải kho bãi; Khai khoáng và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 142,9%; 68,8%; 47,7%; 46,2% và 42,6%.
Phân theo vùng lãnh thổ, tất cả các vùng đều có số lượng doanh nghiệp giải thể trong tháng 01 năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Trung du và miền núi phía Bắc (144 doanh nghiệp, tăng 77,8%); Đồng bằng Sông Cửu Long (261 doanh nghiệp, 52,6%); Tây Nguyên (90 doanh nghiệp, tăng 52,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (349 doanh nghiệp, tăng 33,2%); Đông Nam Bộ (787 doanh nghiệp, tăng 21,6%) và Đồng bằng sông Hồng (464 doanh nghiệp, tăng 15,7%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 1.883 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 104 doanh nghiệp (chiếm 5%, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 62 doanh nghiệp (chiếm 3%, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020); Ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng có 25 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 21 doanh nghiệp (chiếm 1%, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh