Dưới góc độ pháp lý và khía cạnh thực hiện hợp đồng trong kinh doanh, một vấn đề pháp lý được đặt ra là liệu rằng Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay không? Bìa viết dưới đây Luật 3S xin chia sẻ về sự kiện Bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng, mời các bạn đọc cùng tham khảo:
Thế nào là sự kiện bất khả kháng?
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, có ba vấn đề cần xem xét để xác định một sự kiện có được coi là bất khả kháng hay không:
(1) khách quan: được hiểu là xảy ra do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con người gây ra mà bên chịu tác động không thể biết, như sóng thần, động đất, thiên tai, dịch bệnh…;
(2) không thể lường trước là: Theo đó, sự kiện này phải xảy ra độc lập không nằm trong ý chí chủ quan của các chủ thể giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, sự kiện bất khả kháng phải không thể lường trước được tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc trong giai đoạn thực hiện hợp đồng cho đến khi xảy ra sự vi phạm hợp đồng.
(3) không thể khắc phục là: đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp nhưng không thể giải quyết được.
Điều kiện để được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng là gì?
Trong quan hệ hợp đồng, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng sẽ giúp bên vi phạm không phải bồi thường thiệt hại hoặc thực hiện nghĩa vụ. Khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Khoản 1 điều 294 Luật Thương mại 2005 (LTM) nêu: “Bên vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: … b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng”. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khoản 2 điều 584 BLDS quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng…”.
Muốn được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm phải:
(1) Thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản theo khoản 1 Điều 295 LTM về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra;
(2) Chứng minh đã xảy ra sự kiện bất khả kháng;
(3) Chứng minh sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
(4) Chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục. Nếu hợp đồng (giữa các pháp nhân Việt Nam) không quy định về bất khả kháng, có thể dựa vào quy định của điểm b khoản 1 Điều 294 (Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm) của LTM khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Một số lưu ý về bất khả kháng
(1) Có thể thỏa mãn điều kiện một và hai của sự kiện bất khả kháng, nhưng điều kiện ba là “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” cần phải chứng minh để được cơ quan giải quyết tranh chấp chấp nhận trong trường hợp có kiện tụng;
(2) Nhiều hợp đồng liệt kê các sự việc được coi là bất khả kháng nhưng còn thiếu từ “dịch bệnh” nên cần ghi thêm vì không ai dám chắc là trong tương lai không còn xảy ra tương tự;
(3) Khi ký các hợp đồng có liên quan với nhau, có thể xảy ra sự kiện bất khả kháng với hợp đồng này nhưng với hợp đồng kia thì lại không;
(4) Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên nên thương lượng nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất
(5) Không phải thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng nên các bên tự chịu thiệt hại, không có quyền đòi bồi thường hoặc yêu cầu chia sẻ tổn thất;
(6) Không nên lạm dụng bất khả kháng để từ chối thực hiện nghĩa vụ vì sẽ không được cơ quan xét xử chấp nhận nên thua kiện, thêm thiệt hại vì giảm uy tín và mất khách hàng.
Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?
Rõ ràng rằng dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được. Tuy vậy, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng thì còn phải chứng minh các yếu tố còn lại theo luật định như “không thể khắc phục được”, “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
“Không thể khắc phục được” là không thể khắc phục được sự kiện xảy ra. Rõ ràng đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa chấm dứt; nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn thực hiện cách ly và các biện pháp y tế nghiêm ngặt khác…
Do vậy, nếu một doanh nghiệp bị tác động do sự kiện này thì doanh nghiệp đó không thể khắc phục được sự kiện này dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, thực tế là vượt quá khả năng khắc phục của doanh nghiệp đó, nên cần coi đây là sự kiện bất khả kháng.
Có ý kiến cho rằng sự kiện bất khả kháng phải thỏa mãn yếu tố hợp đồng “không thể thực hiện được” và từ đó cho rằng bản thân Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng. Bởi lẻ, trong một số trường hợp, hợp đồng vẫn có thể thực hiện được trong trường hợp bất khả kháng, nhưng có thể thực hiện không đúng, không đầy đủ (vi phạm hợp đồng).
Chẳng hạn, Covid-19 làm cho một số khu vực bị cách ly hoặc kiểm soát nghiêm ngặt khi hàng hóa và người vận chuyển đến khu vực đó. Việc này sẽ làm mất thời gian khiến cho thời gian giao hàng trễ hạn nhưng cuối cùng hàng hóa vẫn đến địa điểm giao, hợp đồng vẫn được thực hiện chứ không phải là không thực hiện được. Việc giao hàng trễ trong trường hợp này cần được xem miễn trừ trách nhiệm vì bất khả kháng. Tất nhiên, như trên đã đề cập, bên vi phạm phải có thông báo cho bên bị vi phạm để được hưởng miễn trừ.
Trong trường hợp vì Covid-19 mà dẫn đến cơ quan có thẩm quyền có quyết định hạn chế, cấm đoán (chẳng hạn như hạn chế lưu thông, bốc hàng, dỡ hàng, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa…) thì chính quyết định này cũng được xem là một sự kiện miễn trừ trách nhiệm theo quy định của Luật Thương mại 2005.
Cụ thể, điểm d khoản 1 điều 294 luật này quy định một trong các trường hợp miễn trừ là “Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
Như vậy, nếu doanh nghiệp vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vừa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến doanh nghiệp đó không thực hiện được hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng thì doanh nghiệp đó vừa được hưởng miễn trừ theo sự kiện bất khả kháng, đồng thời còn được miễn trừ với lý do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại.
Trên đây là tư vấn của Luật 3S về sự kiện bất khả kháng mà Luật 3S xin được gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật 3S qua hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được tư vấn một cách chính xác nhất !