08

Th7

Các quyền nhân thân con người được bảo vệ theo quy định bộ luật dân sự hiện hành

Quyền nhân thân, còn được gọi là Quyền cá nhân, Quyền nhận dạng cá nhân bao gồm một số quyền được quy định để bảo vệ đời sống cũng như tự do của một cá nhân. Cụ thể nó bao gồm quyền của một cá nhân kiểm soát việc sử dụng thương mại của tên của mình, hình ảnh, diện mạo, hoặc các đặc điểm rõ ràng khác về nhận dạng cá nhân của mình. Nó thường được coi là một quyền sở hữu tài sản và trái ngược với một quyền cá nhân, và như vậy, hiệu lực của quyền nhân thân có thể tồn tại kể cả sau cái chết của cá nhân, pháp nhân và có thể thừa kế hoặc hiến tặng (mức độ khác nhau tùy thuộc vào thẩm quyền và luật pháp của mỗi quốc gia). Để hiểu rõ hơn về các quyền nhân thân của con người được pháp luật bảo vệ, mời các bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây:

1.Quyền nhân thân là gì?

– Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

– Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.

– Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2.Quyền nhân thân gồm những quyền nào?

Bộ luật dân sự 2015 quy định 13 Điều về quyền nhân thân, từ điều 26 đến Điều 39, bao gồm các quyền sau:

***Quyền có họ, tên:

BLDS 2015 quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ tên của một cá nhân được xác định theo họ tên bố hoặc mẹ đẻ, trường hợp không xác định được bố mẹ đẻ bố nuôi hoặc mẹ nuôi. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Việc xác định họ tên của cá nhân được xác định làm cơ sở xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của cá nhân đó. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

***Quyền thay đổi họ; Quyền thay đổi tên:

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên theo quy định tại Điều 27,28 BLDS 2015. Việc thay đổi họ hoặc tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

***Quyền xác định, xác định lại dân tộc

– Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

– Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.

– Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.

***Quyền được khai sinh, khai tử

– Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

– Cá nhân chết phải được khai tử.

– Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

– Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.

***Quyền đối với quốc tịch

– Cá nhân có quyền có quốc tịch.

– Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định.

– Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.

***Quyền của cá nhân đối với hình ảnh:

Theo quy định của BLDS 2015 thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hiện nay, với thời đại công nghệ phát triển việc sử dụng hình ảnh của cá nhân với nhiều hình thức đa dạng, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản là có thể sử dụng hình ảnh của người khác một cách dễ dàng, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Việc sử dụng hình ảnh của người khác chủ yếu dưới hai dạng là nhằm mục đích thương mại và phi thương mại. Có thể thấy quyền nhân thân đối với hình ảnh rất dể bị xâm hại có thể ảnh hướng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân dù là dùng cho mục đích thương mại hay phi thương mại.

Đối với việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định về quyền này, theo quy định tại Điều 32 BLDS 2015 thì người có hình ảnh bị  vi phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

***Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Giữa quyền sống và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng có mối liên quan mật thiết với nhau. Một cá nhân có quyền sống thì đương nhiên loại trừ các hành vi xâm phạm đến tính mạng, vi phạm đến quyền sống của cá nhân; ngược lại, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng là cơ sở, điều kiện quan trọng để cá nhân được bảo đảm quyền sống. Mọi cá nhân trong xã hội, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, địa vị xã hội đều được bình đẳng trước pháp luật trong việc bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe của mình. Việc xâm phạm đến những yếu tố này gây ra thiệt hại cho người bị xâm phạm là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người có hành vi xâm phạm.

***Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Quyền này không chỉ áp dụng đối với người sống mà cả đối với người đã chết, theo đó cha, mẹ ,vợ, chồng hoặc con của người chết có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Ngoài ra, Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

***Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cũng như có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

***Quyền xác định lại giới tính

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính; Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan; Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

***Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

***Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

– Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

– Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

– Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

– Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

***Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình

1.Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2.Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

 

Tin tức liên quan