Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Hiện nay, du lịch Việt Nam được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn bởi tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, kéo theo đó là sự phát triển của ngành dịch vụ về du lịch, lữ hành. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ lữ hành được xem là một trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Theo đó, các công ty muốn kinh doanh được ngành nghề này phải được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu hành. Bài viết dưới đây Luật 3S sẽ cung cấp các quy định của pháp luật hiện hành về Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi!
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật đầu tư 2020;
– Luật du lịch 2017;
– Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch
– Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch
– Thông tư 33/2018/TT-BTC phí thẩm định cấp Giấy phép KD dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
– Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022
II. DỊCH VỤ LỮ HÀNH LÀ GÌ?
Dịch vụ lữ hành là một sản phẩm của một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực du lịch, trong đó, dịch vụ lữ hành sẽ được bảo đảm trọn gói các quyền lợi cần thiết khách hàng được hưởng cho chuyến đi của mình như di chuyển, lưu trú, ăn gì, ở đâu và đảm bảo quãng thời gian thuận lợi cho khách hàng đăng kí dịch vụ cho chuyến đi.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017 là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Theo đó:
– Chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi. (Khoản 8 Điều 3 Luật Du lịch 2017)
III. PHẠM VI KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH
Căn cứ theo Điều 30 Luật du lịch 2017, phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
IV. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Lưu ý: Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh nêu trên được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
(Khoản 1 Điều 31 Luật du lịch 2017)
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
(Khoản 2 Điều 31 Luật du lịch 2017)
3. Quy định về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành
Chuyên ngành về lữ hành quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:
a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Quản trị lữ hành;
c) Điều hành tour du lịch;
d) Marketing du lịch;
đ) Du lịch;
e) Du lịch lữ hành;
g) Quản lý và kinh doanh du lịch;
h) Quản trị du lịch MICE;
i) Đại lý lữ hành;
k) Hướng dẫn du lịch;
l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm 1 và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.”
(Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 13/2019/TT – BVHTTDL)
V. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮU HÀNH
1. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
a. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (theo mẫu 04 Phụ lục II ban hành kem theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL)
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật du lịch.
b . Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – nơi doanh nghiệp có trụ sở.
c. Trình tự thực hiện
– Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền;
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Điều 32 Luật du lịch 2017)
2. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
a. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (theo mẫu 04 Phụ lục II ban hành kem theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL)
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật du lịch;
– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
b . Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
c. Trình tự thực hiện
– Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Điều 33 Luật du lịch 2017)
3 . Lệ phí thực hiện thủ tục
Phí thẩm định cấp mới Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế: 3.000.000 đồng/giấy phép
Lệ phí cấp mới Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài: 3.000.000 đồng/Giấy phép.
(Điều 4 thông tư 33/2018/TT-BTC)
Lưu ý: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022, lệ phí nêu trên hiện nay được giảm 50%: 1.500.000 đồng/giấy phép (Theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 nhằm hỗ trợ, tháo dỡ khó khăn đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19)
VI. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đăng ký ngành nghề kinh doanh nào?
Để kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kinh doanh những ngành nghề “7912: Điều hành tua du lịch”, ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể đăng ký, hoạt động thêm những ngành nghề liên quan trong lĩnh vực du lịch, sau đây là các ngành nghề kinh doanh về du lịch, lữ hành:
7911 – 79110: Đại lý du lịch
Nhóm này gồm: Hoạt động của các cơ quan chủ yếu thực hiện việc bán các sản phẩm du lịch, tua du lịch, dịch vụ vận tải và lưu trú cho khách du lịch…
7912 – 79120: Điều hành tua du lịch
Nhóm này gồm: Hoạt động thu xếp, kết nối các tua đã được bán thông qua các đại lý du lịch hoặc trực tiếp bởi điều hành tua. Các tua du lịch có thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ các nội dung: vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn, tham quan các điểm du lịch như bảo tàng, di tích lịch sử, di sản văn hóa, nhà hát, ca nhạc hoặc các sự kiện thể thao.
Nhóm này cũng gồm: Hoạt động hướng dẫn du lịch.
799 – 7990 – 79900: Dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch
Nhóm này gồm:
– Cung cấp các dịch vụ đặt chỗ liên quan đến hoạt động du lịch: vận tải, khách sạn, nhà hàng, cho thuê xe, giải trí và thể thao;
– Cung cấp dịch vụ chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng;
– Hoạt động bán vé cho các sự kiện sân khấu, thể thao và các sự kiện vui chơi, giải trí khác;
– Cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách du lịch: cung cấp thông tin du lịch cho khách, hoạt động hướng dẫn du lịch;
– Hoạt động xúc tiến du lịch.
Loại trừ:
– Đại lý du lịch và điều hành tua được phân vào các nhóm 79110 (Đại lý du lịch) và nhóm 79120 (Điều hành tua du lịch);
– Tổ chức và điều hành các sự kiện như họp, hội nghị, họp báo được phân vào nhóm 82300 (Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại)
Lưu ý: Trường hợp chưa đăng ký ngành nghề này thì phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề này tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
b) Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật du lịch;
c) Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật du lịch;
d) Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
đ) Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
g) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật du lịch, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
h) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Lưu ý:
Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mục b và mục c nêu trên chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại các mục d, đ, e, g và nêu trên chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.
(Điều 38 Luật Du lịch)
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …