Quy định về án treo
Án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Với phương châm giáo dục kết hợp với khoan hồng, án treo không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội một thời gian mà tạo điều kiện cho họ được hòa nhập cùng cộng đồng, họ vẫn được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Vậy, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn quy định về án treo như thế nào? Sau đây là toàn bộ những quy định xoay quanh án treo.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
– Luật Thi hành án hình sự 2019;
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo;
– Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn về án treo
II. ÁN TREO LÀ GÌ?
Căn cứ Khoản 1 Điều 65 BLHS 2015, Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP:
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
III. ĐIỀU KIỆN HƯỞNG ÁN TREO
Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP), cụ thể người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
(2) Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo
(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
(5) Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
IV. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO?
Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) quy định những trường hợp không được hưởng án treo, bao gồm:
1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử
3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể
5. Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú
6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
V. HẬU QUẢ PHÁP LÝ KHI VI PHẠM TRONG THỜI GIAN HƯỞNG ÁN TREO
Theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 thì:
“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”
Bên cạnh đó, Điều 7 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cũng quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc phạm tội khác trước khi được hưởng án treo:
“Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
VI. PHÂN BIỆT ÁN TREO VÀ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
Án treo và cải tạo không giam giữ có hình thức giống nhau là người bị kết án được tự do trong sự giám sát, quản lý và giáo dục của địa phương cư trú, cơ quan nơi công tác. Đây là hai chế tài Hình sự với nhiều nét tương đồng, ví dụ như cả hai hình phạt đều không cách ly người bị kết án ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, giữa hai chế tài này có những điểm riêng biệt nhất định.
Án treo : Là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
– Điều kiện áp dụng án treo:
+ Hình phạt đối với người vi phạm pháp luật ở mức độ ít nghiêm trọng, bị xử phạt tù không quá 03 năm
+ Có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được.
+ Không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS; nếu có 01 tình tiết tăng nặng TNHS thì phải có từ 03 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS
– Án treo có kèm theo thời gian thử thách và trong thời gian này, nếu người bị án treo phạm tội mới, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước.
– Thời gian thử thách của án treo từ 01 đến 05 năm.
– Không quy định về việc phải thực hiện 01 số công việc lao động phục vụ công ích, cũng như người bị kết án ko bị trừ một phần thu nhập.
Cải tạo không giam giữ: Là hình phạt được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm.
– Điều kiện áp dụng:
+ Đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định.
+ Có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
– Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước.
– Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm (BLHS 2015 là 03 tháng – 03 năm) – Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này, thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
VII. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Án treo có được rút ngắn thời hạn không?
Trong thời gian chấp hành án treo, người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời hạn hưởng án treo nếu các điều kiện sau:
a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
b) Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
c) Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
Ngoài ra, nếu trong thời gian hưởng án treo mà người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện nêu trên, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.
(Khoản 1, khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP)
2. Người hưởng án treo được rút ngắn thời hạn hưởng án treo tối đa bao lâu?
Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên (Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP)
3. Người đang thi hành án treo có được tiếp tục đi làm không?
Tại Điều 88 của Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:
– Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.
– Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
– Người được hưởng án treo không thuộc 2 trường hợp nêu trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.
– Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy pháp luật không có quy định cấm người đang hưởng án treo đi làm, ngược lại pháp luật còn tạo điều kiện để họ được đi làm ở địa phương mình đang cư trú hoặc địa phương khác. Tuy nhiên, khi ngươi hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú thì phải có lý chính đáng và phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền (khoản 2 Điều 92 Luật thi hành án hình sự)
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …