Quyền lợi của bên thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự bị vô hiệu
Trên thực tế, có nhiều trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho ngân hàng hay bên thứ ba nào khác theo đúng quy định của pháp luật., Vậy, giao dịch thế chấp trong trường hợp này có bị vô hiệu không?
Đây là một câu hỏi lớn và là một vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự bị vô hiệu. Theo dõi bài viết sau của Luật 3S để hiểu rõ hơn về người thứ ba ngay tình và các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu,
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
– Công văn 02/TANDTC-PC 2021 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử
– Công văn 64/TANDTC-PC 2019 về thông báo kết quả giải đáp vướng mắc về hình sự, dân sự
II. GIAO DỊCH DÂN SỰ BỊ VÔ HIỆU LÀ GÌ?
Theo quy định tại điều 116 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ quy định tại điều luật này có thể xác định: kết quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.
Điều 122 BLDS 2015 quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. Như vậy, BLDS đã quy định rõ giao dịch dân sự bị vô hiệu là giao dịch không đáp ứng một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực theo Điều 117 BLDS 2015, như sau:
1. Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
2. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
4. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123 BLDS 2015)
2. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS 2015)
3. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125 BLDS 2015)
4. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126 BLDS 2015)
5. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 BLDS 2015)
6. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128 BLDS 2015)
7. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 BLDS 2015)
8. Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần (Điều 130 BLDS 2015)
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự bị vô hiệu
Điều 131 BLDS 2015 quy định, khi một giao dịch dân sự bị vô hiệu thì sẽ chịu những hậu quả sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do BLDS, luật khác có liên quan quy định.
III. BÊN THỨ BA NGAY TÌNH LÀ GÌ?
BLDS 2015 không quy định cụ thể khái niệm “bên thứ ba ngay tình”. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 180: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”
Như vậy, có thể hiểu “người thứ ba ngay tình” hay “bên thứ ba ngay tình” trong pháp luật dân sự là người chiếm hữu tài sản nhưng không biết hoặc không thể biết rằng việc chiếm hữu tài sản của bản thân là không có bất kỳ căn cứ pháp luật. Họ không biết rằng họ đang thực hiện giao dịch với một người không có quyền định đoạt đối với tài sản đang được giao dịch hoặc đối tượng tài sản mà mình đang giao dịch không hợp pháp.
Nói cách khác, giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình là trái với các quy định của pháp luật nhưng người thứ ba ngay tình không có lỗi khi tham gia giao dịch dân sự trái pháp luật đó. Vì vậy, pháp luật dân sự đã đưa ra các quy định để bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này.
*** Quyền lợi của bên thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự bị vô hiệu
Cụ thể, pháp luật dân sự đã quy định các điều khoản để bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự dẫn đến vô hiệu không do lỗi của người thứ ba tại Điều 133, như sau:
[1] Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của BLDS 2015:
“Điều 167. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
[2] Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
[3] Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 nêu trên nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
***Điều kiện bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Quy định của BLDS 2015
Căn cứ theo Điều 133 nêu trên, có thể thấy, điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu phải thỏa các yếu tố sau:
Thứ nhất, trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự trước đó được xác lập với cùng một đối tượng giao dịch, nhưng giao dịch dân sự trước đó đã thuộc trường hợp bị vô hiệu.
Ví dụ: Vợ chồng ông A chết lập di chúc để lại di sản là một mảnh đất và căn nhà trên đất cho anh B (con duy nhất của vợ chồng ông A). Sau đó anh B chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà trên đất trên cho bà C. Thời gian sau có anh D (người chưa thành niên) là con riêng của ông A yêu cầu chia di sản. Như vậy, di chúc của vợ chồng ông A bị vô hiệu một phần. Lúc này, bà C là người thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng QSDĐ với anh B.
Thứ hai, người thứ ba xác lập giao dịch dân sự phải ngay tình. Nghĩa là, người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu bởi bất cứ lý do nào, họ có căn cứ tin rằng đối tượng và chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện mà pháp luật quy định.
Thứ ba, tài sản đưa ra giao dịch phải được phép giao dịch, lưu thông. Tài sản được phép giao dịch, lưu thông là tài sản không bị cấm giao dịch, lưu thông theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, đối với hàng hóa bị cấm lưu thông như ma túy, động vật hoang dã quý hiếm… thì người thứ ba buộc phải biết và việc xác lập giao dịch đối với loại tài sản này đều bất hợp pháp, nên không được pháp luật bảo vệ. Còn đối với loại tài sản mà pháp luật quy định hạn chế lưu thông (ngoại tệ, vũ khí) thì chỉ khi đảm bảo các điều kiện ràng buộc kèm theo thì giao dịch dân sự đó mới có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: anh C mua 1 gói ma túy của anh B. Dù anh C không biết gói ma túy đó do anh B trộm cắp mà có thì giao dịch của anh C và anh B là bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư, giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba phải thông qua một giao dịch dân sự có đền bù. Có thể hiểu đó là những giao dịch mà trong đó một bên sau khi thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia thì sẽ nhận được những lợi ích vật chất từ phía bên kia. Khi đó, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Ví dụ như: mua bán, vay, thuê khoán…
Tuy nhiên, với những loại tài sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản đó (Điều 167 BLDS 2015)
Trường hợp giao dịch dân sự với người thứ ba đối với tài sản là động sản mà thông qua một giao dịch không có đền bù (tặng cho, thừa kế…) thì lúc này, người thứ ba mặc dù ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ quyền lợi và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp (Điều 167 BLDS 2015).
Tóm lại, tùy vào đặc thù của từng loại tài sản nên có những tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đăng ký thì giao dịch dân sự với người thứ ba mới phát sinh hiệu lực pháp luật. Cũng có những trường hợp, giao dịch với người thứ ba chưa đăng ký nhưng pháp luật vẫn bảo vệ người thứ ba khi công nhận giao dịch đó có hiệu lực pháp luật, ví dụ: Người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa (khoản 2 Điều 133 BLDS 2015). Vì vậy, tùy trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể công nhận hoặc không công nhận giao dịch đối với bên thứ ba ngay tình hoặc linh hoạt giải quyết bằng những phương pháp khác như đền bù…
IV. NGÂN HÀNG CÓ PHẢI LÀ BÊN THỨ BA NGAY TÌNH
Quay lại tình huống thực tiễn tại đầu bài: Ngân hàng có phải là bên thứ ba ngay tình do giao dịch chuyển nhượng nhà đất đã bị vô hiệu, nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà quyền sử dụng đất đó cho ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật?
Căn cứ theo các quy định cụ thể nêu trên, thì có thể thấy, Ngân hàng trong giao dịch này đã đáp ứng đầy đủ điều kiện của một bên thứ ba ngay tình. Bởi lẽ, khi giao dịch thế chấp xảy ra, tài sản thế chấp của bên thế chấp hoàn toàn hợp pháp, đủ điều kiện giao dịch. Tại thời điểm nhận thế chấp, Ngân hàng hoàn toàn không biết được giao dịch trước đó của bên thế chấp là vô hiệu do tin rằng việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của bên thế chấp là hợp pháp.
Do đó, giao dịch thế chấp tài sản của ngân hàng trong trường hợp trên không vô hiệu theo quy định tại Điều khoản 2 Điều 133 BLDS 2015: “2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.”.
Vấn đề này đã được Tòa án nhân dân tối cao làm rõ tại Công văn Tại mục 1 Phần II của Công văn số 64/TAND-PC ngày 03/4/2019 TANDTC:
“Theo Bản thuyết minh Dự án Bộ luật Dân sự năm 2015 của Ban soạn thảo thì quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự là nhằm: “…Bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự (các Bộ luật dân sự trên thế giới đều ghi nhận việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự)…”. Cho nên, cụm từ “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự phải được áp dụng theo nghĩa rộng. Có nghĩa là: Không chỉ có những giao dịch nhằm chuyển giao quyền sở hữu như: Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn nhà ở; chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… mà cả những giao dịch nhằm chuyển giao những quyền về sở hữu đối với tài sản hoặc quyền về sử dụng đối với thửa đất.
Đồng thời, thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Dân sự thì nội hàm của thế chấp tài sản là việc người thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp mà không giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 320 của Bộ luật Dân sự quy định nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản là: “Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này…”; khoản 7 Điều 323 của Bộ luật Dân sự quy định quyền của bên nhận thế chấp: “Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này”. Như vậy, mục đích của thế chấp là người có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp, trong trường hợp nghĩa vụ đó không được bên thế chấp thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì phải giao tài sản đã thế chấp cho bên nhận thế chấp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp. Vì vậy, phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện; để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp ngay tình thì phải hiểu quy định “chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác” tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự được áp dụng cả trong trường hợp giao dịch về thế chấp tài sản.
Cho nên, trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu”.
Tuy nhiên, Hợp đồng thế chấp tài sản của Ngân hàng vẫn có thể bị vô hiệu nếu thuộc trường hợp:
Nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A, bà B. Ông A làm giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C (việc giả chữ ký đã được chứng minh thông qua việc giám định). Sau khi chuyển nhượng, ông A, bà B vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất. Sau đó, C dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại Ngân hàng.
Cụ thể, nội dung này đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rõ tại tại mục I phần II Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, như sau:
“Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.
Trường hợp này, việc ông A giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C mà không được bà B đồng ý, nên căn cứ Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên là vô hiệu.
Sau khi nhận chuyển nhượng, C dùng tài sản này thế chấp khoản vay tại Ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, Ngân hàng không thẩm định, xác minh nên không biết ông A, bà B vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A, bà B biết việc thế chấp tài sản này. Trong trường hợp này, bên nhận thế chấp tài sản (Ngân hàng) không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC, do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu”.
V. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Thời hạn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu là bao lâu
– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế đối với Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123) và hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124)
– Các trường hợp vô hiệu còn lại thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 02 năm, kể từ ngày:
+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
(Khoản 1, khoản 3 BLDS 2015)
2. Hết thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì hợp đồng đã giao kết được xử lý như thuế nào?
Khi hết thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì Hợp đồng đó có hiệu lực. (Khoản 2 Điều 132 BLDS 2015).
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …