18

Th7

DOANH NGHIỆP NỢ BẢO HIỂM BAO LÂU THÌ BỊ THANH TRA?

Dưới góc độ doanh nghiệp, tham gia BHXH là một nghĩa vụ bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động lúc ốm đau, tai nạn, thai sản hoặc về hưu. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Điều này đòi hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cần tiến hành thanh tra để rà soát, xử phạt vi phạm. Vậy nợ bảo hiểm bao lâu thì bị thanh tra?

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật bảo hiểm xã hội 2014;

– Luật hình sự 2015;

– Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 về thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý Sổ BHXH, Thẻ BHYT

– Nghị định 21/2016/NĐ-CP thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT

 

II. KHI NÀO DOANH NGHIỆP BỊ THANH TRA?

Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo tỷ lệ % nhất định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo BHXH.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, thời hạn đóng bảo hiểm được đặt ra đối với doanh nghiệp như sau:

(i) Trường hợp đóng hằng tháng: Hạn nộp tiền BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng;

(ii) Trường hợp đóng 03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần: Hạn nộp tiền BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của phương thức đóng đã chọn. Nếu nợ tiền đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ bị tính lãi chậm đóng và bị xử lý vi phạm về hành vi chậm đóng BHXH (theo khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014).

Với hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, doanh nghiệp có thể bị thanh tra chuyên ngành. Theo Điều 5 và Điều 7 Nghị định 21/2016/NĐ-CP, BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh hoàn toàn có quyền thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, theo thông tin từ BHXH Việt Nam, các đơn vị sử dụng lao động nợ trên hai tháng, cơ quan BHXH đề nghị nộp đầy đủ số tiền còn phải đóng trước ngày đầu của tháng sau liền kề. Quá thời hạn này, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng các loại bảo hiểm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với doanh nghiệp nợ đóng tiền bảo hiểm thì trên 02 tháng có thể sẽ bị thanh tra.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp có những dấu hiệu khác như: Đăng ký lùi thời hạn bắt đầu đóng BHXH; Lương lao động hưởng chế độ thai sản cao trong khi thời gian đóng ít; Không báo tăng mức đóng BHXH kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng….thì đều có khả năng bị thanh tra BHXH. Đặc biệt hiện nay doanh nghiệp còn dễ bị thanh tra BHXH khi doanh nghiệp có số tiền lương và người lao động khai ở bảng lương nộp cho bên Cơ quan thuế chênh lệch so với thông số lương và người đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội. Trường hợp này vừa bị thanh tra bảo hiểm xã hội vừa bị thanh tra thuế.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp khác, mặc dù không phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm nhưng doanh nghiệp cũng có thể bị thanh tra theo kế hoạch, chương trình của cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.

Tóm lại, sẽ có 02 đối tượng bị thanh tra của cơ quan BHXH là:

Thứ nhất, đơn vị đã được cơ quan BHXH kiểm tra phát hiện vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa khắc phục trong thời hạn quy định.

Thứ hai, Đơn vị chưa được kiểm tra nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHXH.

 

II. DOANH NGHIỆP CẦN PHẢI LƯU Ý ĐIỀU GÌ?

Thứ nhất là về nội dung thanh tra

Căn cứ vào Điều 10 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP thì thanh kiểm tra BHXH, BHYT, BHTN sẽ tập trung vào 3 nội dung: (i) Đối tượng đóng BHXH tại doanh nghiệp; (ii)  Mức đóng BHXH tại doanh nghiệp; (iii) Phương thức đóng BHXH tại doanh nghiệp.

Thứ hai là việc chuẩn bị hồ sơ thanh tra

Khi bị thanh tra do nợ tiền đóng bảo hiểm, cơ quan BHXH sẽ gửi quyết định thanh tra và hồ sơ thanh tra bảo hiểm xã hội. Căn cứ vào nội dung thanh tra và yêu cầu yêu cầu của cơ quan thanh tra BHXH mà doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ phù hợp.

Dưới đây là các loại giấy tờ mà doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ trong trường hợp bị thanh tra để tránh bị xử phạt thêm các lỗi vi phạm khác:

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Khai trình sử dụng lao động

– Hợp đồng lao động; Danh sách lao động.

– Hồ sơ cá nhân của toàn bộ lao động trong công ty (Sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, bản sao văn bằng chứng chỉ …).

– Hệ thống thang bảng lương do đơn vị xây dựng;

– Bảng thanh toán tiền lương có chữ ký của người lao động, bảng chấm công.

– Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

– Hồ sơ điều chỉnh của cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình đóng các loại bảo hiểm.

– Các thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

– Các loại giấy tờ làm căn cứ truy thu bảo hiểm (nếu có ).

– Bản photo sổ BHXH của người lao động.

– Quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp của công ty.

– Giấy nộp tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc.

– Các chứng từ chuyển tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc.

Lưu ý: Cơ quan bảo hiểm khi thanh tra có thể sẽ yêu cầu bổ sung thêm một hoặc loại bớt một số giấy tờ nêu trên.

Thứ ba là lưu ý về việc xin hoãn thanh tra BHXH nếu thấy cần thiết

Khi doanh nghiệp nhận được quyết định thanh tra, trong trường hợp khách quan mà doanh nghiệp không chuẩn bị kịp hồ sơ theo yêu cầu, hoặc người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp không thể có mặt để làm việc với đoàn thanh tra, doanh nghiệp có thể xin tạm hoãn thanh tra.

Để xin tạm hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp làm công văn xin hoãn thanh tra bảo hiểm xã hội và gửi cơ quan ban hành quyết định thanh tra bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp mình trong khoảng thời gian quy định. Trong trường hợp này Trưởng đoàn tiến hành lập biên bản tạm hoãn thanh tra và xác định lại ngày thanh tra để đối tượng thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thứ tư  là về hình thức xử phạt

Sẽ có hai hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH bị thanh tra đó là: Xử phạt hành chính và Truy tố trách nhiệm hình sự

(i) Đối với mức phạt hành chính

Như đã đề cập, doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm từ 30 ngày trở lên sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật. Lúc này, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt theo điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

“5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;”

Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân nợ tiền bảo hiểm quá thời hạn quy định sẽ bị phạt 12% – 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 75 triệu đồng.

Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn với mức từ 24% – 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Lúc này, ngoài việc phải đóng đủ số tiền BHXH chưa đóng, doanh nghiệp còn phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng cho cơ quan BHXH.

(ii) Đối với  mức phạt hình sự

Hầu hết các doanh nghiệp điều chỉ nghĩ việc nợ tiền bảo hiểm nếu thanh tra thì chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, dấu hiệu cấu thành tội “trốn đóng BHXH” là người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, trốn đóng từ 50 triệu đồng; từ 10 người trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm những điều trên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khung hình phạt tùy mức độ, số tiền trốn đóng mà có thể hình phạt từ phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất 7 năm tù. Đây là hình phạt đối với cá nhân phạm tội, còn pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

Ngoài ra Nghị quyết 05/2019 của Hội đồng thẩm phán cũng hướng dẫn chi tiết về xử lý tội trốn đóng BHXH, trong đó nêu “gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH”.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không biết đến quy định này, hoặc có nhiều doanh nghiệp lập lận rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, hứa hẹn đóng BHXH. Tuy nhiên, việc mà các công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT mà vẫn không khắc phục số tiền nợ thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan công an để khởi tố hình sự.

 

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan