21

Th7

HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM DO KHÔNG ĐƯA NGƯỜI CÓ QUYỀN, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN VÀO THAM GIA TỐ TỤNG

Một vụ án dân sự thường không chỉ đơn thuần có 02 bên nguyên đơn và bị đơn mà còn có một chủ thể khác có các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này. Theo đó, Tòa án khi giải quyết tranh chấp cần xác minh, làm rõ tư cách đương sự để đưa họ vào tham gia tố tụng để họ có thể trình bày, nêu ý kiến về việc giải quyết vụ án hoặc đưa ra quan điểm tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vi phạm về việc thiếu tư cách đương sự là dạng vi phạm tố tụng khá phổ biến  mà Tòa án cấp sơ thẩm thường mắc phải khi giải quyết các vụ án dân sự, nhất là đối với các vụ án tranh chấp phức tạp. Đối với dạng vi phạm này, Tòa án cấp phúc thẩm phần lớn phải hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

 

KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ?

Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (QLNVLQ) trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ. Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ”

Điều 73 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định:

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 của bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của bộ luật này. Trường hợp yêu cầu độc lập không được tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của bộ luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của bộ luật này.

 

THỰC TIỄN VIỆC HỦY BẢN ÁN VÌ KHÔNG ĐƯA NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN VÀO THAM GIA TỐ TỤNG

Thực tiễn xét xử cho thấy, đã có nhiều bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm phần lớn hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, do Tòa án sơ thẩm xác định thiếu tư cách đương sự trong vụ án, vụ án dưới đây là một ví dụ:

Nội dung vụ án:

Các đương sự trong vụ án đang tranh hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tranh chấp ranh giới QSDĐ. Nguồn gốc tranh chấp là của cụ Lê Văn H và cụ Trương Thị M. Khi còn sống thì cụ H và cụ M phân chia cho hai người con là Lê Văn M1 và Lê Văn N và giao cho ông M1 đứng tên toàn bộ quyền sử dụng đất. Năm 1997, ông N lấy một phần đất được ông H, bà M chia chuyển nhượng cho ông Trần Công Đ; ông Đ chuyển nhượng lại cho ông Đào Văn T (có sự đồng ý bằng giấy tay của ông H, bà M, ông M1, vợ chồng ông N), nên ông T quản lý, sử dụng đất từ năm 1997 đến nay. Sau đó, cụ H, ông M1, ông N chết; ông T có yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông N thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phát sinh tranh chấp. Bởi vì, sau khi ông M1 chết thì con của ông M1 là ông Lê Thanh H làm thủ tục thừa kế và đứng tên toàn bộ phần đất (trong đó, có phần đất mà ông N chuyển nhượng cho ông T). Bà C thì tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất với phần đất giáp ranh mà ông H đang được đứng tên thừa kế.

Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện tuyên xử:

– Chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị C về việc xác định ranh giới quyền sử dụng đất;

– Chấp nhận yêu cầu của ông Đào Văn T về việc yêu cầu những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông N tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí dân sự sơ thẩm, chi phí khác, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

* Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Lê Thanh H kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm đã xét xử.

* Bản án phúc thẩm tuyên xử: Hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm xét xử lại.

Có thể thấy, ở cấp sơ thẩm, Tòa án đã mắc một số sai sót trong việc xác định tư cách của đương sự, cụ thể:

Thứ nhất, xác định chưa đầy đủ hàng thừa kế của ông M1, ông N.

Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự như sau: “a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”

Như vậy, cấp sơ thẩm đã xác định thiếu cụ Trương Thị M là mẹ ruột của ông M1 và ông N (hiện nay cụ M vẫn còn sống). Mặt khác, các đương sự cũng đã xác định phần đất có nguồn gốc là của cụ H và cụ M tạo lập, khi ông T nhận chuyển nhượng đất thì trên giấy tay cũng có xác nhận của cụ M. Do đó, việc không đưa cụ M vào tham gia tố tụng và chưa làm rõ ý kiến trình bày của cụ M về việc chuyển nhượng đất cho ông T là thiếu sót.

Ngoài ra, ông H trình bày ông M1 còn có vợ thứ hai tên là Dương Thị H và có con là Lê Hữu L, nhưng Tòa sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ, lời khai này.

Thứ hai, xác định sai tên đương sự dẫn đến việc có đương sự đã chết trước thời điểm xét xử sơ thẩm.

Đối với bị đơn tên Lê Long E sinh năm 1978 do Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định, trên thực tế tên trong giấy tờ là Lê Văn Th, sinh năm 1979. Vấn đề này được Công an xã PM, huyện C xác nhận như sau: Lê Văn Th và Lê Long E là cùng một người và anh Lê Văn Th đã chết vào ngày 17/9/2019 (kèm theo bản sao trích lục khai tử số 939/2019 ngày 19/9/2019 của UBND xã PM). Như vậy, anh Lê Văn Th (Lê Long E) đã chết trước thời điểm xét xử sơ thẩm là 01 tháng. Theo lời trình bày của những người tham gia tố tụng thì anh Lê Văn Th có vợ là Nguyễn Thị Đ và hai con là Lê Văn Kh và Lê Văn Nh. Do không biết được anh Th đã chết nên Tòa án cấp sơ thẩm  không đưa người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của anh Th vào tham gia tố tụng, là thiếu tư cách đương sự.

Có thể thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên phải hủy án. Do đó, việc xác định tư cách đương sự, đặc biệt là tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rất quan trọng. Đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải cẩn trọng hơn trong việc xác định tư cách của đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp.

 

XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH CHỦ THỂ CỦA NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN

Để xác định tư cách đương sự của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự phụ thuộc vào 2 yếu tố: (i) Một là thẩm quyền của Tòa án, (ii) Hai là ý chí của các bên liên quan. Theo đó, việc xác định tư cách chủ thể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể được xác định thông qua các đặc điểm sau:

Thứ nhất: Về thời điểm tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai: Kết quả giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn của Tòa án có thể ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai, nguyên đơn và bị đơn đang tranh chấp quyền sử dụng đất mà mảnh đất này đã được bị đơn tặng cho người khác. Việc nguyên đơn yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất có thể ảnh hưởng đến bên thứ ba nhận tặng cho. Thì trong trường hợp này, Bên thứ ba đó sẽ được xác định là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thứ ba: Họ có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng cách đưa yêu cầu độc lập hoặc không đưa yêu cầu độc lập, đứng về phía nguyên đơn hoặc đứng về phía bị đơn để chống lại đương sự phía bên kia.

* Đối với Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì yêu cầu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được coi là người có yêu cầu độc lập:

– Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ

– Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án được giải quyết

– Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh nhất.

Ví dụ:  Khi vợ chồng xin ly hôn và yêu cầu giải quyết quan hệ tài sản chung của vợ chồng. Khối tài sản mà vợ chồng xin chia có phần công sức đóng góp của bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, hoặc Vợ chồng đã cùng mượn nợ một bên thứ ba nào khác, thì những người này xin tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, họ đưa ra yêu cầu buộc vợ chồng xin ly hôn phải trả nợ cho họ; Phải thanh toán phần giá trị công sức mà họ đã đóng góp trong khối tài sản mà vợ chồng đang xin chia khi ly hôn.

* Đối với Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập: Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, có thể hiểu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng dân sự đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn và họ không có yêu cầu trước tòa án.

Ví dụ: Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai, bị đơn cho rằng phần đất tranh chấp mà bị đơn đang trực tiếp sử dụng là được ông H chuyển nhượng nhưng chỉ làm giấy tay. Do đó, bị đơn đề nghị Tòa án đưa ông H vào tham gia tố tụng để làm rõ phần đất tranh chấp là của ai, việc ông H chuyển nhượng đất cho bị đơn có đúng không. Lúc này, ông H với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ để làm rõ tình tiết, cung cấp chứng cứ cho Tòa án về nguồn gốc mãnh đất đang tranh chấp và  không có yêu cầu độc lập liên quan đến quyền lợi của ông H.

Như vây, việc xác định tư cách tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phụ thuộc vào việc bên nguyên đơn hoặc bị đơn có yêu cầu hoặc phụ thuộc vào Tòa án hoặc phụ thuộc vào yêu cầu của chính người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

CÁC TRƯỜNG HỢP THAM GIA TỐ TỤNG CỦA NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN.

Theo quy định tại Điều 68 BLTTDS 2015 thì “Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự được tham gia tố tụng trong 3 trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, do đương sự đề nghị với Tòa án

Nghĩa là, khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn ghi tên của họ vào trong đơn khởi kiện tại mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hoặc trong quá trình giải quyết, đương sự trong vụ án đề nghị Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp đương sự đề nghị thì phải được Tòa án chấp nhận.

Trường hợp thứ hai, do tự người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị với Tòa án

Nghĩa là, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, họ biết việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ nhưng không có được sự đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng hoặc Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án thì họ có quyền đề nghị Tòa án xem xét đưa họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này cũng phải được Tòa án chấp nhận.

Trường hợp thứ ba, do Tòa án đưa vào tham gia tố tụng

Đây là trường hợp khi giải quyết vụ án không đương sự nào đề nghị đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng hoặc không có ai đề nghị Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng trong quá trình xem xét vụ án, Tòa án xét thấy người này có liên quan đến vụ án về quyền lợi hoặc nghĩa vụ, thì Tòa án phải đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Như vậy, việc tham gia vào tố tụng dân sự của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mang ý nghĩa vô cùng lớn, giúp giải quyết vụ án đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền cũng như lợi ích của các bên đương sự khác. Trường hợp không có đề nghị đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, nếu thấy cần thiết, Tòa án phải thực hiện việc đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Việc không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia vào tố tụng của Tòa án sau khi có đề nghị có thể là căn cứ để đương sự kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án do không đảm bảo việc xét xử đúng đắn, làm sai lệch kết quả xét xử. Hoặc bản án có thể bị hủy do Tòa cấp sơ thẩm xác định thiếu tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

Nguồn: Tapchitoaan.vn; Vienkiemsat.vn; vksnd.dongthap.gov.vn.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan