11

Th8

QUYỀN HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM ĐỂ ĐIỀU TRA VÀ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN CỦA TÒA ÁN CẤP PHÚC THẨM

Trong việc thực hiện xét xử, không phải lúc nào những bản án hay quyết định của Tòa án cũng hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, không ít những bản án quyết định của tòa có những sai sót, gây oan sai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại và hủy bản án sơ thẩm đình chỉ vụ án là những hình thức thực hiện thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXXPT) để khắc phục những sai sót ở cấp sơ thẩm cũng như để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong vụ án.

 

1. HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM ĐỂ ĐIỀU TRA LẠI

Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là việc Tòa án có thẩm quyền ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án sơ thẩm nhằm mục đích điều tra lại vụ án khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 358 BLTTHS 2015, cụ thể:

– Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;

– Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;

– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Trong trường hợp này, sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung quy định của BLTTHS

Tùy từng trường hợp cụ thể, việc điều tra của cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra lại từ đầu hoặc chỉ tiến hành điều tra lại hoặc điều tra thêm về những vấn đề điều tra chưa đầy đủ. Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải gửi hồ sơ cùng bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát để làm lại cáo trạng truy tố bị can, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hủy bản án, hồ sơ vụ án được chuyển cho CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung theo quy định.

Trong quá trình điều tra lại, nếu xác định có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 BLTTHS 2015; tại Điều 29 và khoản 2 Điều 91 BLHS hoặc đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ vụ án được thực hiện theo các quy định tại Điều 230 BLTTHS 2015, cụ thể:

“Điều 230. Đình chỉ điều tra

1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

2.Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.”

Cần lưu ý thêm rằng, trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

 

2. HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM ĐỂ XÉT XỬ LẠI

Tương tự như việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, Việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại cũng được HĐXX cấp phúc thẩm quyết định khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 358 BLTTHS 2015, cụ thể:

Một là, có căn cứ Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà BLTTHS 2015 quy định;

Hai là, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;

Ba là, người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;

Bốn là, Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;

Năm là, Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của BLTTHS 2015.

Sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại thì Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành xét xử lại vụ án theo thủ tục chung quy định tại BLTTHS.

Cũng tương tự như trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, việc xét xử lại trong trường hợp này mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Ngoài ra, khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.

 

3. HỦY BẢN ÁN SƠ THẨM VÀ ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN

Đình chỉ giải quyết vụ án hình sự là quyết định chấm dứt mọi hoạt động của các cơ quan tố tụng đối với bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng. Vụ án nếu đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố, xét xử.

Do đó, việc HĐXX cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong trường hợp này được hiểu là việc khi xét thấy có các căn theo quy định của BLTTHS thì HĐXX cấp phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án hoặc nếu bị cáo có tội, nhưng việc quy kết trách nhiệm hình sự vào thời điểm đó không có ý nghĩa nữa, thì HĐXXPT ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Các căn cứ để HĐXX ra các quyết định nêu trên được quy định tại  Điều 359 BLTTHS 2015 và điều 157 BLTTHS 2015, theo đó:

a) Đối với trường hợp hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án

Sẽ có hai căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án bao gồm:

Thứ nhất, là có căn cứ cho rằng không có sự việc phạm tội;

Có thể hiểu đây là trường hợp sự việc không có dấu hiệu của tội phạm theo quy định tại Điều 8 BLHS 2015. Điều này diễn ra do nhiều nguyên nhân như: nhầm lẫn của người tố giác, vu khống do thù ghét…

Thứ hai, là hành vi không cấu thành tội phạm

Đây là trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, hành vi này thiếu những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm nên hành vi đó không phải là tội phạm. Thực tế cho thấy có nhiều hành vi về hình thức rất giống với hành vi phạm tội nhưng xét trong tổng thể các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhất định thì lại không thỏa mãn. Những hành vi này có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người thực hiện nó lại không có lỗi, hành vi chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể, hành vi được thực hiện khi đã có những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự như: sự kiện bất ngờ, chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

b) Đối với trường hợp hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Có 5 căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án bao gồm:

Thứ nhất, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS 2015. Theo đó, Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ BLHS có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS.

Như vậy, Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS. Ví dụ, người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người; người chưa đủ 16 tuổi thực hiện hành vi vô ý làm chết người…

Có thể thấy, về bản chất thì căn cứ này cũng chỉ là trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm do không thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể. Nhà làm luật đã tách riêng thành căn cứ riêng biệt để nhấn mạnh tính chất quan trọng về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

Hành vi phạm tội cần phải được điều tra, truy tố, xét xử. Người thực hiện hành vi phạm tội phải được xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, theo nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, mỗi hành vi phạm tội chỉ được giải quyết một lần.

Nếu hành vi phạm tội của một người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi đó và đã có bản án, quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì không được tiến hành thêm một quy trình tố tụng thứ hai để xử lý hành vi đó. Quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm được ghi nhận trong khoản 3 Điều 31 Hiến pháp 2013 và Điều 14 BLTTHS năm 2015. Do vậy, nếu một người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì HĐXXPT phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

Thứ ba, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu về mặt hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng loại tội phạm được quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015, cụ thể:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự này được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn nêu trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nêu tên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Ngoài ra, Điều 28 BLHS cũng quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của BLHS

Thứ tư, tội phạm đã được đại xá;

Đại xá là biện pháp khoan hồng mang tính nhân đạo của Nhà nước nhằm tha tội hoàn toàn và triệt để cho một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt người phạm tội. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đại xá trong những sự kiện trọng đại của đất nước. Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà có quyết định đại xá thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu tội phạm đã được đại xá trước đó mà Tòa án cấp sơ thẩm vẫn kết tội bị cáo thì HĐXXPT phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Thứ năm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu người phạm tội chết ở giai đoạn nào thì cơ quan tiến hành tố tụng phải đình chỉ vụ án ở giai đoạn đó.

Đối với trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nếu bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị đã chết, thì theo quy định của BLTTHS, Toà án cấp phúc thẩm vẫn phải mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm và những người tham gia phiên toà phúc thẩm (trừ bị cáo đã chết) phải theo đúng quy định của BLTTHS. Kết thúc việc xét xử, Toà án cấp phúc thẩm phải ra bản án phúc thẩm, cụ thể như sau:

a. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, nhưng bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo hướng bị cáo có phạm tội, thì cần phân biệt như sau:

a.1. Tại phiên toà phúc thẩm, nếu xét thấy kháng cáo, kháng nghị là không có căn cứ và việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội là đúng, mặc dù bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì HĐXX áp dụng Điều 356 BLTTHS năm 2015 không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

a.2. Tại phiên toà phúc thẩm, nếu xét thấy kháng cáo, kháng nghị là có căn cứ và việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội là không đúng, nhưng vì bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì HĐXXPT áp dụng khoản 2 Điều 359 BLTTHS 2015 huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết.

b. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội, nhưng bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thì cần phân biệt như sau:

b.1. Tại phiên toà phúc thẩm, nếu xét thấy việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội là không đúng, mặc dù bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì HĐXXPT áp dụng điểm 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 359 BLTTHS 2015 hủy bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo đã chết;

b.2. Tại phiên toà phúc thẩm, nếu xét thấy việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội là đúng, nhưng do bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì áp dụng điểm 7 Điều 157 và khoản 2 Điều 359 BLTTHS 2015 để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết.

c. Trong các trường hợp trên, quyết định của bản án sơ thẩm bị hủy gồm: quyết định về hình phạt chính và hình phạt bổ sung; quyết định về kê biên tài sản để đảm bảo thi hành hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản, hình phạt tịch thu tài sản.

Ngoài ra, thêm một căn cứ để HĐXXPT hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án không được quy định vào khoản 2 Điều 359 BLTTHS 2015 đó chính là: Trường hợp khởi tố theo yêu cầu nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu hoặc người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của BLTTHS.

Mặc dù không được quy định rõ trong BLTTHS, nhưng Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26 tháng 11 năm 2018 có hướng dẫn đối với trường hợp này như sau: “Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.

Có thể thấy, hướng dẫn của TANDTC đối với trường hợp rút yêu cầu khởi tố là hợp lý. Thể hiện sự tôn trọng ý chí của bị hại, tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế gây những tổn thất, mất mát về mặt vật chất, tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với bị hại, tạo cơ hội để hành gắn mối quan hệ giữa hai bên đối lập. Khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì điều kiện bắt buộc để khởi tố (yêu cầu khởi tố của bị hại cũng không còn), vụ án phải được đình chỉ.

 

Tham khảo

– Tạp chí công thương

– Tạp chí tòa án

– Bộ luật hình sự 2015

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015

– Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan