31

Th8

QUY TRÌNH XIN PHÉP ĐẦU TƯ DỰ ÁN

Các doanh nghiệp khi tiến hành triển khai thực hiện dự án đầu tư luôn phải trải qua quy trình xin giấy phép đầu tư dự án. Đây là thủ tục quan trọng cần thực hiện nếu muốn dự án đầu tư được đi vào hoạt động nhưng làm thủ tục xin phép đầu tư luôn gặp nhiều yêu cầu đòi hỏi từ cơ quan nhà nước và phải mất rất nhiều thời gian để hoàn chỉnh bộ hồ sơ. Chính vì vậy mà hôm nay LUẬT 3S sẽ tư vấn và hỗ trợ giải quyết vấn đề pháp lý này cho doanh nghiệp.

 

I. ĐỊNH NGHĨA

Theo quy định tại Điều 3 Luật Đầu tư 2020 định nghĩa một số khái niệm liên quan đến quy trình xin phép đầu tư dự án như sau:

– Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

– Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh

– Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

– Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

– Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

– Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

 

II.CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI THỰC HIỆN THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ

Luật Đầu tư 2020 không quy định tất cả dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phép đầu tư dự án mà chỉ những trường hợp được quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư 2020, những trường hợp đó là:

1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

2. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế:

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

– Có tổ chức kinh tế là công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế là công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Lưu ý: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được chia thành 02 trường hợp là: Dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

III.THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỰ DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DIỆN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do nhà đầu tư đề xuất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 và Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện hạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

e) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

f) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:

a) Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

b) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

3. Tài liệu, giấy tờ giải trình đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư

Ngoài hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư được quy định như trên thì nhà đầu tư cần nộp đính kèm những loại tài liệu, giấy tờ giải trình sau đây:

a) Bản sao Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; giấy tờ chứng minh đất đã được giải phóng mặt bằng (nếu có), tài liệu giải trình khác (nếu có) trong trường hợp đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Bản sao Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; giấy tờ chứng minh đất chưa được giải phóng mặt bằng (nếu có), tài liệu giải trình khác (nếu có) trong trường hợp đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong trường hợp này, đề xuất dự án đầu tư xác định sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành, tài liệu giải trình căn cứ pháp lý và điều kiện áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành;

c) Tài liệu chứng minh dự án không thuộc Danh mục dự án thu hồi đất đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; bản sao hợp lệ Quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất, hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư 2020;

d) Bản sao hợp lệ văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và bản sao hợp lệ các giấy tờ, văn bản khác thỏa thuận sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, đối với dự án đầu tư xây dựng, đề xuất dự án đầu tư còn bao gồm:

a) Nội dung quy định tại điểm d khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư 2020; thuyết minh việc đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở; dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có); sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án, trong đó đề xuất sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao hoặc đề xuất bàn giao cho địa phương đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Đối với dự án khu đô thị, trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nộp hoặc sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư, trong đó đề xuất sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao hoặc đề xuất bàn giao cho địa phương;

b) Nội dung quy định tại điểm d khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có) đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

4. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

Nhà đầu tư nộp 20 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 để trình Chính phủ.

Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

– Tờ trình của Chính phủ;

– Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này;

– Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;

Tài liệu khác có liên quan.

Nội dung thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

– Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định

– Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;

– Sự cần thiết thực hiện dự án đầu tư;

– Sự phù hợp của dự án đầu tư với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có);

– Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường;

– Đánh giá về xác định sơ bộ tổng vốn đầu tư; nguồn vốn và tính khả thi của nguồn vốn;

– Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án đầu tư;

– Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có);

– Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

– Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);

– Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra; giải trình về những vấn đề thuộc nội dung dự án đầu tư khi cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội yêu cầu.

Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Đầu tư 2020.

(CSPL: Điều 34 Luật Đầu tư 2020 và Mục 3 Chương IV Nghị định số 29/2021/NĐ-CP)

5. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các bộ, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó. Đối với dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục lấy ý kiến thực hiện như sau:

a) Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang các mục đích khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về sự phù hợp của dự án với quy hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ còn lại đến thời điểm đề xuất dự án; hiện trạng sử dụng đất (các loại đất, đối tượng sử dụng đất); dự kiến sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp nhà đầu tư đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

b) Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Trường hợp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được lập và thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư 2020, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên và có đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đề xuất giao một bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các nội dung sau:

a) Nhà đầu tư thực hiện dự án (đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư) hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu);

b) Tên dự án; mục tiêu; quy mô (sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư bàn giao cho địa phương đối với dự án khu đô thị, nếu có); vốn đầu tư của dự án (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, nếu có), thời hạn hoạt động của dự án;

c) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

d) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có); tiến độ thực hiện từng giai đoạn (đối với dự án đầu tư có nhiều giai đoạn);

e) Công nghệ áp dụng (nếu có);

f) Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có);

g) Các điều kiện khác để thực hiện dự án đầu tư (nếu có);

h) Trách nhiệm của nhà đầu tư, cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư;

i) Thời điểm có hiệu lực của Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Đầu tư 2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan đăng ký đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho toàn bộ dự án.

Như vậy, thời hạn cho thủ tục chấp thuận chủ trương dự án đầu tư của Thủ tướng Chính phủ ít nhất là 65 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ.

(CSPL: Điều 35 Luật Đầu tư 2020 và Điều 32 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

6. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan đến nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư 2020.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư.

Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư 2020, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Đầu tư 2020.

Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư.

Như vậy, trong thời hạn 85 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận được kết quả của thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(CSPL: Điều 36 Luật Đầu tư 2020 và khoản 4 Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

7. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư 2020 và Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện như sau:

Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn:

a) 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

b) 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

Lưu ý: Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên thì căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu; dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.

Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế quyết định chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

 

IV.THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỰ DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHÔNG THUỘC DIỆN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

1. Điều kiện xin cấp giấy phép đầu tư

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020, đối với những dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thì thủ tục sẽ đơn giản và nhanh gọn hơn. Nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

c) Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020;

d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);

e) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.

Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:

a) Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;

b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

c) Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);

e) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

V.MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

1. Các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội

Theo quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư 2020, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

– Nhà máy điện hạt nhân;

– Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

b) Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

c) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

d) Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, theo Điều 31 Luật Đầu tư 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

1. Dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

b) Dự án đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hoá của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;

c) Dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không;

d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;

e) Dự án đầu tư chế biến dầu khí;

f) Dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino), trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;

g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên;

g1) Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới

h) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;

2. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, Xuất bản, báo chí;

3. Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên;

4. Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

3. Các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Điều 32 Luật Đầu tư 2020, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người;

b1) Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;

c) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);

d) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Đối với dự án đầu tư quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế chấp thuận chủ trương đầu tư.

4. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Căn cứ Điều 39 Luật Đầu tư 2020 và Điều 34 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:

1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này:

a) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;

b) Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:

a) Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

b) Dự án đầu tư thực biện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;

c) Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật Đầu tư 2020.

 

VI.NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Trong những trường hợp nào thì không cần phải thực hiện thủ tục xin giấy phép đầu tư?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2020, các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước; Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020; Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

2. Nếu như thuộc trường hợp không phải thực hiện thủ tục xin giấy phép đầu tư dự án thì nhà đầu tư có được quyền xin cấp giấy phép không? Thời hạn được cấp là bao lâu?

Trong trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư có quyền thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Ngoài làm hồ sơ xin phép đầu tư dự án bằng bản giấy, nhà đầu tư còn có thể tiến hành thủ tục này bằng phương thức nào khác được nữa không?

Đối với các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được lựa chọn nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng bản giấy hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo một trong hai hình thức: sử dụng chữ ký số hoặc không sử dụng chữ ký số. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tuyến được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử và có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ bằng bản giấy.

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan