MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỬ VIỆC NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT
Hiện nay, các công ty thường yêu cầu người lao động phải trải qua quá trình thử việc sau đó mới ký kết hợp đồng lao động để trở thành nhân viên chính thức. Vậy, những vấn đề nào mà người lao động cần phải biết về thử việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
1. Hợp đồng thử việc
Bộ Luật Lao động 2019 không có quy định bắt buộc người lao động phải thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động. Việc có thử việc hay không là do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Lưu ý, Bộ luật lao động 2019 cũng quy định không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng (khoản 3 Điều 24)
Khoản 1 Điều 24 Bộ Luật Lao động 2019 quy định: “Khi có thỏa thuận về việc làm thử, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động”. Như vậy, ngoài việc ký kết hợp đồng thử việc riêng thì hai bên có thể ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản về thử việc thay cho việc ký hợp đồng thử việc.
Hợp đồng thử việc phải có các nội dung chủ yếu sau:
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động của người lao động;
– Công việc và địa điểm làm việc;
– Thời gian thử việc;
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
2. Thời gian thử việc
Điều 25 Bộ luật lao đông 2019 quy định thời gian thử việc do các bên thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc 01 lần và thời gian thử việc đối đa như sau:
– 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;
– 60 ngày đối với trình độ từ cao đẳng trở lên;
– 30 ngày đối với trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;.
– 06 ngày đối với các công việc khác.
Lưu ý:
– Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ.
– Pháp luật không cấm thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp. Trường hợp người lao động thử việc không đạt thì người sử dụng lao động có thể yêu cầu thử việc với các công việc khác mà người đó chưa làm thử.
3. Lương thử việc
Tại Điều 26 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về Tiền lương thử việc của người lao động, cụ thể: Tiền lương của người lao động trong thời gian người sử dụng lao động thử việc do hai bên cùng nhau thỏa thuận, tuy nhiên mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính của công việc đó.
Qua đó, người lao động và người sử dụng lao động được quyền cùng nhau thỏa thuận mức lương thử việc. Tuy nhiên, mức lương thử việc không được thấp hơn 85% mức lương chính.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 90 Bộ luật lao động 2019, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được thực hiện theo Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP với mức như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
Đối với tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, Điều 98, BLLĐ quy định người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường và được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Bảo hiểm trong thời gian thử việc
* Nếu người lao động ký két hợp đồng thử việc
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối tượng lao động công dân Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc là người ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có hợp đồng lao động đủ thời hạn từ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động từ 1 – 3 tháng. Bên cạnh đó, Căn cứ Điều 24, Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc không bao gồm nội dung về BHXH, BHYT. Vì thế, hợp đồng thử việc không cần tham gia BHXH bắt buộc.
Khi đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ theo quy định của pháp luật về BHXH (khoản 3, Điều 168 Bộ luật Lao động 2019).
* Nếu người lao động ký kết hợp đồng lao động có thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động
Trong trường hợp, Người lao động có thời gian thử việc ghi trong Hợp đồng lao động mà Hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc chính là mức tiền lương, tiền công ghi trong Hợp đồng lao động.
Nếu doanh nghiệp nào có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
5. Kết thúc thử việc
Bộ luật lao động 2019 quy định, sau khi hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc. Nếu người lao động thử việc không đạt yêu cầu, doanh nghiệp chỉ có một lựa chọn là chấm dứt hợp đồng thử việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (nếu nội dung thử việc được lồng trong hợp đồng lao động). Trường hợp cố tình im lặng, không thông báo kết quả thử việc, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu trong thời gian thử việc mà việc làm thử không đúng như mong muốn, các bên có thể chấm dứt thỏa thuận này bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 27 Bộ Luật Lao động 2019 quy định: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường”.
Như vậy, nếu trong thời gian thử việc, nếu cảm thấy không phù hợp thì người lao động có thể tự ý nghỉ việc hoặc người sử dụng lao động cũng có thể tự ý cho người lao động nghỉ mà không cần báo trước đồng thời cũng không phải bồi thường.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …