HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan tập hợp tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết trong công ty và là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Theo quy định của luật Doanh nghiệp hiện hành, ĐHĐCĐ phải họp thường niên mỗi năm một lần. Vậy, điều kiện tiến hành và trình tự tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ được thực hiện như thế nào?
I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CUỘC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
1. Thời gian cuộc họp
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên mỗi năm một lần trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường trong trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, bao gồm:
a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
b) Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;
c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020;
d) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;
đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Địa điểm họp
Căn cứ theo khoản 1 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, Địa điểm họp ĐHĐCĐ được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp và phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Thẩm quyền triệu tập cuộc họp
Căn cứ Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, các đối tượng có quyền triệu tập cuộc họp đại cổ đông bất thường bao gồm:
a) Hội đồng quản trị:
Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường. Hội đồng quản trị triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
– Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
– Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;
– Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này;
– Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
b) Ban kiểm soát:
Ban kiểm soát có thể yêu cầu Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất cứ lúc nào.
c) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông:
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau:
– Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
– Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
4. Điều kiện tiến hành cuộc họp
Theo quy định tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020, Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Trường hợp cuộc họp thứ nhất không đủ điều kiện thì theo khoản 2, 3 Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020 giải quyết như sau:
– Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
– Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
5. Nội dung cuộc họp
Căn cứ theo khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên thảo luận và thông qua các vấn đề sau đây:
– Kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
– Báo cáo tài chính hằng năm;
– Báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị;
– Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
– Báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên;
– Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại;
– Vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
6. Các công việc phải thực hiện trong cuộc họp
Theo quy định tại khoản 6 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020, Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện các công việc sau đây:
a) Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;
b) Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;
c) Lập chương trình và nội dung cuộc họp;
d) Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;
đ) Dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
e) Xác định thời gian và địa điểm họp;
g) Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật này;
h) Công việc khác phục vụ cuộc họp.
II. TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH CUỘC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
Để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần trải qua các giai đoạn và các bước cơ bản sau:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị cuộc họp
Giai đoạn này bao gồm nữa công việc như sau:
Bước 1: Quyết định triệu tập Đại hội đồng cổ đông
Trước khi triệu tập Đại hội đồng cổ đông, tùy từng trường hợp, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc cổ đông, nhóm cổ đông ra quyết định triệu tập Đại hội đồng cổ đông.
Bước 2: Lập danh sách cổ đông dự họp và chuẩn bị tài liệu cuộc họp
Theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2020:
Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.
Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần từng loại, số và ngày đăng ký cổ đông của từng cổ đông.
Chuẩn bị tài liệu họp thông thường sẽ bao gồm:
+ Chuẩn bị giấy mời họp;
+ Dự thảo chương trình họp;
+ Báo cáo thường niên;
+ Báo cáo tài chính kiểm toán;
+ Báo cáo của các bộ phận kiểm soát (ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ);
+ Báo cáo hoạt động của HĐQT;
+ Dự thảo sửa đổi Điều lệ công ty, dự thảo Điều lệ mới (nếu có);
+ Dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên;
+ Thông tin về các ứng viên được đề cử vào HĐQT và Ban kiểm soát (nếu có)
+ Và những tài liệu liên quan khác
Bước 3: Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông
Căn cứ theo Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020:
Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ liên lạc của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp.
Thông báo mời họp được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông và đăng trên trang thông tin điện tử của công ty; trường hợp công ty xét thấy cần thiết thì đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương theo quy định của Điều lệ công ty.
Thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu sau đây:
a) Chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp;
b) Phiếu biểu quyết;
Lưu ý: Trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi tài liệu họp kèm theo thông báo mời họp có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty. Trường hợp này, thông báo mời họp phải ghi rõ nơi, cách thức tải tài liệu.
Bước 4: Cổ đông xác nhận tham dự, có ý kiến về chương trình họp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến công ty chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định thời hạn khác. Kiến nghị phải ghi rõ tên cổ đông, số lượng từng loại cổ phần của cổ đông, vấn đề kiến nghị đưa vào chương trình họp”
Trường hợp người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông từ chối kiến nghị của Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nêu trên thì chậm nhất là 02 ngày làm việc trước ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông chỉ được từ chối kiến nghị nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Kiến nghị được gửi đến không đúng quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2020;
b) Vấn đề kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông như sau:
Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác dự họp hoặc dự họp thông qua một trong các hình thức quy định tại khoản 3 Điều này.
Việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật về dân sự và phải nêu rõ tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và số lượng cổ phần được ủy quyền. Cá nhân, tổ chức được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp.
Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
b) Ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử;
đ) Gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong Điều lệ công ty.
Giai đoạn 2: Tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Căn cứ theo điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì thể thức họp và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành như sau:
Bước 1: Đăng ký cổ đông dự họp
Trước khi khai mạc cuộc họp, phải tiến hành đăng ký cổ đông dự họp Đại hội đồng cổ đông.
Theo quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông như sau:
“1. Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác dự họp hoặc dự họp thông qua một trong các hình thức quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật về dân sự và phải nêu rõ tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và số lượng cổ phần được ủy quyền. Cá nhân, tổ chức được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp.
3. Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
b) Ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử;
đ) Gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong Điều lệ công ty.”
Các giấy tờ cần được kiểm tra trước khi đăng ký dự họp: chứng minh thư nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc bản sao giấy đăng ký kinh doanh, thư mời và thư uỷ quyền (trong trường hợp được uỷ quyền).
Công ty sẽ cấp cho từng cổ đông có quyền biểu quyết hoặc đại diện được uỷ quyền một thẻ biểu quyết, trên đó có ghi số đăng ký, họ và tên của cổ đông, họ và tên đại diện được uỷ quyền và số phiếu biểu quyết của cổ đông đó. Cổ đông hoặc người được uỷ quyền dự họp đến sau khi cuộc họp đã khai mạc được đăng ký và có quyền tham gia biểu quyết ngay sau khi đăng ký. Chủ toạ không được dừng cuộc họp để những người đến muộn đăng ký; trong trường hợp này, hiệu lực của những biểu quyết đã tiến hành không bị ảnh hưởng (Khoản 6 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2020).
Bước 2: Kiểm tra và công bố tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu
Tỷ lệ đại biểu tham dự họp theo quy định phải được công bố ngay sau khi kết thúc việc đăng ký cổ đông dự họp và trước khi cổ đông thực hiện biểu quyết. Cuộc họp ĐHĐCĐ chỉ được tiến hành và các quyết định được thông qua một cách hợp lệ khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (Khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2020)
Bước 3: Bầu chủ tọa, thư ký và ban kiểm phiếu:
Theo khoản 2 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
a) Chủ tịch Hội đồng quản trị làm chủ tọa hoặc ủy quyền cho thành viên Hội đồng quản trị khác làm chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông do Hội đồng quản trị triệu tập; trường hợp Chủ tịch vắng mặt hoặc tạm thời mất khả năng làm việc thì các thành viên Hội đồng quản trị còn lại bầu một người trong số họ làm chủ tọa cuộc họp theo nguyên tắc đa số; trường hợp không bầu được người làm chủ tọa thì Trưởng Ban kiểm soát điều hành để Đại hội đồng cổ đông bầu chủ tọa cuộc họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ tọa cuộc họp;
b) Trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, người ký tên triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông điều hành để Đại hội đồng cổ đông bầu chủ tọa cuộc họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ tọa cuộc họp;
c) Chủ tọa cử một hoặc một số người làm thư ký cuộc họp;
d) Đại hội đồng cổ đông bầu một hoặc một số người vào ban kiểm phiếu theo đề nghị của chủ tọa cuộc họp;
Bước 4: Chủ tọa cuộc họp ĐHĐCĐ trình bày nội dung chương trình họp và thể lệ cuộc họp ĐHĐCĐ
Chủ toạ ĐHĐCĐ trình bày nội dung chương trình họp tới các đại biểu. Đồng thời, chủ toạ sẽ giải thích trình tự, thủ tục tiến hành họp như đã được quy định trong Điều lệ công ty hoặc các quy định nội bộ hoặc theo quyết định của ĐHĐCĐ. Nội dung chương trình họp phải xác định chi tiết và thời gian thảo luận cho từng vấn đề. Chương trình và nội dung họp phải được ĐHĐCĐ thông qua ngay trong phiên khai mạc. Chỉ có ĐHĐCĐ mới có quyền thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp (Khoản 4 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2020)
Bước 5: Chủ tọa cuộc họp ĐHĐCĐ công bố bắt đầu thảo luận các vấn đề trong chương trình họp
Trong giai đoạn này, Chủ tọa có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết và hợp lý để điều hành cuộc họp một cách có trật tự, đúng theo chương trình đã được thông qua và phản ánh được mong muốn của đa số người dự họp;
Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng biểu quyết tán thành, không tán thành và không có ý kiến. Kết quả kiểm phiếu được chủ tọa công bố ngay trước khi bế mạc cuộc họp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
Cổ đông hoặc người được ủy quyền dự họp đến sau khi cuộc họp đã khai mạc vẫn được đăng ký và có quyền tham gia biểu quyết ngay sau khi đăng ký; trong trường hợp này, hiệu lực của những nội dung đã được biểu quyết trước đó không thay đổi;
Người triệu tập họp hoặc chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông có quyền sau đây:
– Yêu cầu tất cả người dự họp chịu sự kiểm tra hoặc các biện pháp an ninh hợp pháp, hợp lý khác;
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền duy trì trật tự cuộc họp; trục xuất những người không tuân thủ quyền điều hành của chủ tọa, cố ý gây rối trật tự, ngăn cản tiến triển bình thường của cuộc họp hoặc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm tra an ninh ra khỏi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông;
Lưu ý về hoãn họp ĐHĐCĐ
Căn cứ theo khoản 8, khoản 9 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tọa có quyền hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã có đủ số người đăng ký dự họp tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày cuộc họp dự định khai mạc và chỉ được hoãn cuộc họp hoặc thay đổi địa điểm họp trong trường hợp sau đây:
a) Địa điểm họp không có đủ chỗ ngồi thuận tiện cho tất cả người dự họp;
b) Phương tiện thông tin tại địa điểm họp không bảo đảm cho cổ đông dự họp tham gia, thảo luận và biểu quyết;
c) Có người dự họp cản trở, gây rối trật tự, có nguy cơ làm cho cuộc họp không được tiến hành một cách công bằng và hợp pháp;
Trường hợp chủ tọa hoãn hoặc tạm dừng họp Đại hội đồng cổ đông trái với quy định tại nêu trên, Đại hội đồng cổ đông bầu một người khác trong số những người dự họp để thay thế chủ tọa điều hành cuộc họp cho đến lúc kết thúc; tất cả nghị quyết được thông qua tại cuộc họp đó đều có hiệu lực thi hành.
Bước 6: Biểu quyết
Sau khi một hoặc một số vấn đề trong chương trình họp đã được thảo luận chi tiết, chủ toạ ĐHĐCĐ sẽ mời các cổ đông biểu quyết. Mỗi cổ đông có quyền biểu quyết hoặc đại diện được uỷ quyền của họ sau khi đăng ký dự họp sẽ được cấp số thẻ biểu quyết tương ứng với số vấn đề cần biểu quyết trong chương trình họp.
Việc lấy ý kiến và biểu quyết của cổ đông được thực hiện theo quy định tại Điều 147, Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 7: Kiểm phiếu
Ban kiểm phiếu có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm phiếu trong biên bản kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu cần bao gồm các thông tin chi tiết. Tất cả các thành viên trong ban kiểm phiếu phải ký tên trên biên bản kiểm phiếu.
Tổng số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến sẽ được Chủ toạ thông báo ngay sau khi tiến hành biểu quyết vấn đề đó.
Bước 8: Thông qua Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ
Điều kiện, tỉ lệ số phiếu tán thành để nghị quyết Đại hội cổ đông được thông qua dựa trên căn cứ tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ Công ty.
Ban thư ký Đại hội ghi lại đầy đủ, trung thực Biên bản họp ĐHĐCĐ. Theo quy định tại Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; Thời gian và địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông; Chương trình và nội dung cuộc họp;….”.
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải làm xong và thông qua trước khi kết thúc cuộc họp. Chủ toạ và thư ký cuộc họp hoặc người khác ký tên trong biên bản họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung biên bản. Đồng thời phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc họp; việc gửi biên bản kiểm phiếu có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, phụ lục danh sách cổ đông đăng ký dự họp, nghị quyết đã được thông qua và tài liệu có liên quan gửi kèm theo thông báo mời họp phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
Bước 9: Chủ tọa cuộc họp ĐHĐCĐ bế mạc cuộc họp
Giai đoạn 3: Công bố thông tin sau đại hội
Theo quy định tại Điều 150, Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020:
1.Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.
2.Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:
a)Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật này;
b) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …