29

Th5

CĂN CỨ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, được thực hiện từ khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra, xác minh những nguồn tin về tội phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng như trường hợp người phạm tội tự thú hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào các căn cứ theo quy định pháp luật để tiến hành khởi tố vụ án hình sự, và không được khởi tố khi chưa xác định được dấu hiệu tội phạm.

Theo Điều 143 BLTTHS năm 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Theo Điều 8 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Như vậy, dấu hiệu tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự chính là những dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Đó là căn cứ để phân biệt tội phạm với các hành vi không phải là tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 4 yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.

Theo đó, để biết được một hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không, có thể khởi tố vụ án hình sự hay không thì cơ quan chức năng phải biết được thông tin hành vi đó. Cụ thể sẽ dựa trên những nguồn căn cứ theo Điều 143 BLTTHS sau đây:

Một là, tố giác của cá nhân

Tố giác về tội phạm được hiểu là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 144 BLTTHS). Tố giác của cá nhân được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường điện thoại, thư tín… và có thể được thể hiện bằng lời hoặc bằng văn bản. Mọi người đều có quyền tố giác về tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Nếu người nào cố ý tố giác sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Hai là, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2 Điều 144 BLTTHS). Khi nhận được thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo, thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác minh. Nếu qua xác minh thấy vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có dấu hiệu của một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Ba là, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2 Điều 144 BLTTHS). Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện thông tin có đối tượng tác động là đông đảo người dân như báo chí in, đài truyền hình, đài phát thanh,…

Bốn là, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước

Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. (khoản 3 Điều 144 BLTTHS)

Năm là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm

Đây là trường hợp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và dùng đó làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện sự việc nào đó có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa được khởi tố

Sáu là, người phạm tội tự thú.

Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Việc thú nhận hành vi phạm tội của người phạm tội trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện là cơ sở để đánh giá có thể có sự việc phạm tội xảy ra và khả năng người tự thú là người thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, từ lời khai của người phạm tội tự thú cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Bảy là, Khởi tố theo yêu cầu bị hại

Ngoài các căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo Điều 143 BLTTHS 2015 nêu trên thì Khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi BLTTHS 2017 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Như vậy, đối với một số tội phạm đặt biệt liên quan đến bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết thì chỉ khi có yêu cầu trực tiếp của bị hại hoặc người đại diện của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền mới được quyền khởi tố vụ. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm dựa theo tin báo, tố giác của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc các trường hợp nêu trên hoặc có yêu cầu khởi tố nhưng không phải do bị hại hoặc người đại diện của bị hại yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố cũng không được quyền khởi tố vụ án. Những tội phạm nêu trên gồm: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139); Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội vu khống (Điều 156).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đối việc xác định dấu hiệu tội phạm từ các căn cứ khởi tố vụ án hình sự nêu trên không đòi hỏi phải xác định đầy đủ như dấu hiệu tội phạm trong các cấu thành tội phạm của từng loại tội phạm theo BLHS 2015 (Mặc chủ quan của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể phạm tội, khách thể phạm tội). Mà việc xác định dấu hiệu tội phạm từ các căn cứ nêu trên có thể chỉ là một hoặc một vài dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm như dấu hiệu về hành vi, hậu quả… Kết quả điều tra, truy tố, xét xử sau đó mới xác định chính xác và đầy đủ các dấu hiệu còn lại của tội phạm giúp cơ quan có thẩm quyền định tội danh và quyết định hình phạt chính xác.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan