TỔNG HỢP GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA CƠ QUAN THUẾ VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ
Nhằm hỗ trợ người nộp thuế giải quyết các vấn đề trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục thuế đã có giải đáp đối với các câu hỏi từ người nộp thuế gửi về Tổng cục. Dưới đây là tổng hợp 20 câu hỏi đã được Tổng cục thuế trả lời:
[1] Câu hỏi: Xử lý sai sót hóa đơn điện tử thì bên bán và bên mua có phải bắt buộc lập văn bản thỏa thuận, ký tên, đóng dấu kèm hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xử lý sai sót hóa đơn điện tử, bên bán và bên mua có phải bắt buộc lập văn bản thỏa thuận, ký tên, đóng dấu kèm hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế? Doanh nghiệp có phải gửi thông báo sai sót hóa đơn điện tử theo mẩu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế?
Trả lời:
Tại điểm b1 Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.”
Theo đó, việc lập Biên bản điều chỉnh là do người mua và người bán tự thỏa thuận. Trường hợp người bán đã thực hiện điều chỉnh hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT.
[2] Câu hỏi: Năm 2022 đơn vị tiến hành tour du lịch của năm 2021 và mới xuất hóa đơn thì có bị xuất sai thời điểm không, khách hàng đã thanh toán tạm ứng năm 2021??
Năm 2021 đơn vị ký hợp đồng dịch vụ du lịch với khách hàng, khách hàng chuyển khoản tạm ứng. Nhưng do dịch không tiến hành thực hiện tour được. Năm 2022 đơn vị tiến hành tour của năm 2021 và xuất hóa đơn thì có bị xuất sai thời điểm không?
Trả lời:
Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”
Do đó, trong năm 2022, Công ty tiến hành tour và xuất hóa đơn khi hoàn thành cung cấp dịch vụ theo quy định đúng thời điểm.
[3] Câu hỏi: Hướng dẫn kê khai hóa đơn điện tử điều chỉnh và thay thế theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC phát hành khác kì với hóa đơn sai đối với người mua và người bán?
Hướng dẫn kê khai hóa đơn điện tử điều chỉnh và thay thế theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC phát hành khác kì với hóa đơn sai đối với người mua và người bán? Trường hợp xuất khẩu xuất hóa đơn điện tử 1 của tháng 4 sai doanh thu, ngày 3/5 điều chỉnh bằng hóa đơn 2 tăng doanh thu thì hóa đơn điều chỉnh 2 có được kê vào tờ khai chính thức của tháng 4 không hay phải kê khai hóa đơn số 1 vào tờ chính thức của tháng 4 và kê số 2 vào tờ bổ sung của tháng 4. Công văn 4943/TCT-KK năm 2015 còn hiệu lực không?
Trả lời:
Do câu hỏi chưa rõ nên Tổng cục Thuế trả lời về nguyên tắc như sau: Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.
[4] Câu hỏi: Một số vướng mắc về xử lý sai sót của hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử không chịu thuế thì tại chỉ tiêu Thuế suất, Tiền thuế sẽ để trống hay để ký tự / hoặc x?
Hóa đơn sai địa chỉ, tên người mua đã gửi thông báo theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA thì cần gửi cho Người Mua văn bản gì? Cơ quan Thuế có trả về thông báo chấp thuận dưới dạng file PDF không?
Hóa đơn đã xuất theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC, khi doanh nghiệp chuyển sang Thông tư số 78/2021/TT-BTC cần điều chỉnh hóa đơn cũ đã xuất theo Thông tư số 32 thì cần điều chỉnh và kê khai như thế nào?
Trả lời:
Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế thì chỉ tiêu Thuế suất chọn KCT, tiền thuế để trống.
Theo quy định tại b1 khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì khi sai về địa chỉ, tên người mua, người bán thông báo cho người mua về hóa đơn có sai sót và gửi Mẫu 04/SS-HDDT cùng thông báo chấp thuận của cơ quan thuế cho người mua. File thông báo của CQT trả về có định dạng XML.
Theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, trường hợp hóa đơn theo Thông tư số 32 có sai sót thì người bán lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thay thế cho hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 32 có sai sót.
[5] Câu hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi có thể sử dụng hóa đơn mới theo Thông tư số 78 để xuất hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn theo Thông tư số 32 hay không?
Công ty tôi chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC từ tháng 06/2022. Trước đó chúng tôi áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Tháng 06/2022 chúng tôi phát hiện 01 (một) hóa đơn đầu ra tháng 05/2022 theo Thông tư số 32 của chúng tôi đang bị xuất sai đơn giá. Vậy đối với trường hợp này, chúng tôi có thể sử dụng hóa đơn mới theo Thông tư số 78 để xuất hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn theo Thông tư số 32 hay không? Hay phải xử lý thế nào?
Trả lời:
Tại Khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định:
“Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người bán đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người bán lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thay thế cho hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC có sai sót.
[6] Câu hỏi: Người mua là các đơn vị sự nghiệp có bắt buộc phải ghi mã số thuế người mua trên HĐĐT không?
Trả lời:
Khi mua hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn phải thể hiện đầy đủ Thông tin của người mua hàng trên hóa đơn để được tính vào chi phí và thanh toán các khoản chi từ Ngân sách nhà nước. Do đó, trường hợp đơn Người mua là các đơn vị sự nghiệp có mã số thuế thì ghi đủ thông tin mã số thuế trên hóa đơn theo quy định.
[7] Câu hỏi: Tôi cung cấp dịch vụ ăn uống, vậy trên hóa đơn chỉ cần ghi là dịch vụ đặt cơm tiếp khách hay là phải chi tiết từng món ăn?
Trả lời:
Tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“6. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
– Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia…)…”
Người bán xác định hàng hóa, dịch vụ cung cấp để xác định nội dung trên hóa đơn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, không bắt buộc phải nêu chi tiết từng món ăn nếu không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế TTĐB, GTGT,…).
[8] Câu hỏi: Hóa đơn quên không ký gửi xin cấp mã của cơ quan thuế thì hóa đơn đó phải xử lý như thế nào? Có phải lập hóa đơn thay thế không?
Trả lời:
– Trường hợp người nộp thuế chưa ký hóa đơn và cũng chưa gửi hóa đơn đến cơ quan thuế để cấp mã thì người nộp thuế hoàn thiện lại hóa đơn hoặc lập hóa đơn mới gửi đến cơ quan thuế để cấp mã.
– Trường hợp người nộp thuế chưa ký hóa đơn nhưng đã gửi hóa đơn đến cơ quan thuế thì hệ thống của cơ quan thuế sẽ không cấp mã cho hóa đơn do hóa đơn chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (chữ ký số của người bán là một nội dung trên hóa đơn). Khi đó, người nộp thuế hoàn thiện lại hóa đơn hoặc lập hóa đơn mới gửi đến cơ quan thuế để cấp mã.
[9] Câu hỏi: Một số vướng mắc về hóa đơn khi bán hàng cho người mua là cá nhân không kinh doanh không lấy hóa đơn?
Người mua có bắt buộc phải cung cấp địa chỉ email không? Người mua không lấy hóa đơn thì người bán có bắt buộc phải gửi hóa đơn cho người mua không?
Người mua là cá nhân không kinh doanh không cần lấy hóa đơn thì có bắt buộc phải ghi thông tin người mua trên hóa đơn không hay chỉ cần ghi người mua không lấy hóa đơn là được?
Trả lời:
– Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
– Tại Điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.
– Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”
Theo quy định, khi thực hiện bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT, trong trường hợp người mua không lấy hóa đơn, không bắt buộc phải có thông tin người mua trên hóa đơn. Việc gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP địa chỉ email của người mua không phải là thông tin bắt buộc phải thể hiện trên hóa đơn.
[10] Câu hỏi: Xử lý sai sót của HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC sau khi doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC
Công ty chúng tôi hoạt động SXKD trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, xuất bán sản phẩm trên các nền tảng TMĐT với đối tượng khách hàng là khách lẻ không lấy hóa đơn. Ngày 24/03/2022, doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng vì lý do khách quan kể từ ngày 24/03/2022 đến 18/04/2022 công ty vẫn xuất hóa đơn với thông tin người bán theo địa chỉ đăng ký cũ đăng ký trên hệ thống HĐĐT. Kể từ khi thành lập Doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2021/TT-BTC, cho đến ngày 14/04/2022 Doanh nghiệp được Cơ quan Thuế chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC, đến ngày 18/04/2022 công ty phát hiện sai sót về địa chỉ người bán trên hóa đơn gửi cho khách hàng. Doanh nghiệp xin hỏi quý Cơ quan Thuế giải đáp thắc mắc về cách xử lý HĐĐT viết sai địa chỉ người bán theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC trong kỳ kê khai Thuế Quý 1/2022, Quý 2/2022 và cách xử lý đối với HĐĐT có sai sót về địa chỉ người bán có mã của Cơ quan Thuế theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC trong kỳ kê khai Thuế Quý 2/2022?
Trả lời:
Theo như doanh nghiệp trình bày: Ngày 24/03/2022, doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng vì lý do khách quan kể từ ngày 24/03/2022 đến 18/04/2022 công ty vẫn xuất hóa đơn với thông tin người bán theo địa chỉ đăng ký cũ đăng ký trên hệ thống HĐĐT. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC nếu chỉ có sai sót về địa chỉ người bán, không có sai sót về mã số thuế người bán, các thông tin khác như: tiền thuế, thuế suất, số tiền thanh toán,… không có sai sót thì người bán không phải lập lại hóa đơn. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC nếu chỉ có sai sót về địa chỉ người bán, không có sai sót về mã số thuế người bán, các thông tin khác như: tiền thuế, thuế suất, số tiền thanh toán,… không có sai sót thì người bán gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế, người bán không phải lập lại hóa đơn.
[11] Câu hỏi: Trước đây một số công ty vẫn dùng hóa đơn bán lẻ cho hàng hóa dịch vụ dưới 200 nghìn, và được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp, bây giờ có được tiếp tục sử dụng không?
Tại Khoản 1 Điều 18 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định như sau: “Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn
Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.[…]”
Từ ngày 1/7/2022 các doanh nghiệp bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử, trước đây một số công ty vẫn dùng hóa đơn bán lẻ cho hàng hóa dịch vụ dưới 200 nghìn, và nó vẫn được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp, vậy bây giờ chúng tôi có được tiếp tục sử dụng không?
Trả lời:
Theo quy định, các trường hợp đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn về HĐĐT thì sẽ không áp dụng các quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Do đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử theo quy định trừ các trường hợp bên mua hàng hóa, dịch vụ được lập bảng kê quy định tại Khoản 2.4 Điều 2 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
[12] Câu hỏi: Một số vướng mắc về hóa đơn khi bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh
Làm rõ quy định về xuất hóa đơn có mẫu số ký hiệu khi bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh, cuối ngày gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng. Nếu hóa đơn sai sót mà lập hóa đơn thay thế thì lên Bảng tổng hợp theo mặt hàng như thế nào cho đúng?
Trả lời:
– Tại điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“…Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng cá nhân không kinh doanh khi xuất hóa đơn điện tử thì không nhất thiết phải có ký hiệu mẫu số hóa đơn.
– Trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cuối ngày Công ty đã gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng cho cơ quan thuế sau đó phát hiện sai sót thì việc xử lý sai sót của Bảng tổng hợp dữ liệu đã gửi cơ quan thuế được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.
[13] Câu hỏi: Công ty bán xăng dầu xuất hóa đơn có ký hiệu mẫu số hay không có ký hiệu mẫu số cho khách hàng cá nhân không kinh doanh, cuối ngày gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng?
Trả lời:
Tại điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“…Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng cá nhân không kinh doanh khi xuất hóa đơn điện tử thì không nhất thiết phải có ký hiệu mẫu số hóa đơn.
[14] Câu hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi đã áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tôi muốn hỏi:
Trong trường hợp khách hàng của chúng tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp (không có hóa đơn hoặc chỉ có hóa đơn bán hàng không thể hiện thuế GTGT), khi khách hàng trả lại hàng thì chúng tôi sẽ xử lý như thế nào, vì nếu khách hàng xuất lại hóa đơn bán hàng không có thuế GTGT thì Công ty chúng tôi sẽ không được khấu trừ lại phần thuế GTGT.
Ngay khi phát hành hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế cấp mã, phần mềm hóa đơn điện tử của doanh nghiệp tôi đều tự động gửi luôn hóa đơn đến địa chỉ email đã đăng ký cho từng khách hàng. Nếu địa chỉ email đăng ký để nhận hóa đơn điện tử là email của chính doanh nghiệp chúng tôi thì có được xem là hóa đơn chưa gửi cho khách hàng hay không? (sau khi kiểm tra lại tính chính xác của hóa đơn chúng tôi mới gửi thủ công tới email của khách hàng)?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 9, Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:
– Người mua là đơn vị hành chính sự nghiệp không có hóa đơn thì khi người mua trả lại một phần hàng: người bán và người mua có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập, căn cứ hóa đơn điều chỉnh giảm, người bán kê khai giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.
– Người mua là đơn vị hành chính sự nghiệp có hóa đơn bán hàng thì khi trả lại một phần hàng hóa: người mua và người bán có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng, căn cứ tài liệu trả lại hàng của người mua, người bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập và kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.
Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: “3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.” Như vậy, doanh nghiệp thực hiện gửi hóa đơn đến người mua là trách nhiệm của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa 2 bên.
[15] Câu hỏi: Đơn vị tôi còn tồn 1 lượng HĐĐT lớn phát hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì có bắt buộc phải làm thông báo hủy TB03/AC đến cơ quan thuế không? Theo Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì đơn vị phải ngừng sử dụng HĐĐT đã phát hành trước đây. Đơn vị tôi còn tồn 1 lượng HĐĐT lớn phát hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì có bắt buộc phải làm thông báo hủy TB03/AC đến cơ quan thuế không?
Trả lời:
Về nội dung này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2022 hướng dẫn cụ thể như sau:
– Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (người nộp thuế – NNT) phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, tiêu hủy hóa đơn giấy đặt in đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
– Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành, Cục thuế có thể hướng dẫn người nộp thuế gửi: Thông báo hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ. Đồng thời cơ quan thuế ban hành Thông báo hóa đơn của NNT hết giá trị sử dụng.
[16] Câu hỏi: Xin Tổng Cục Thuế hướng dẫn về việc xử lý các hoá đơn giấy phát hiện sai sót sau khi chuyển đổi sang HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC theo quy định? Theo Điều 12. Xử lý chuyển tiếp thì đối với các hoá đơn giấy đã lập có sai sót thì tôi hiểu như sau đã đúng chưa: người bán và ngươi mua chỉ cần lập Biên bản thoả thuận xuất hoá đơn điện tử mới thay thế hoá đơn giấy bị sai sót nêu rõ sai sót (không cần thu hồi hoá đơn giấy cũ bị sai), người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT và xuất hoá đơn điện tử “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm” có sai sót.
Trả lời:
Trường hợp hóa đơn giấy đã lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP có sai sót và người bán đã lập hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC để thay thế cho hóa đơn giấy đã lập, trên hóa đơn điện tử có nội dung “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm” đồng thời người bán gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế thì trên hệ thống của cơ quan thuế đã có thông tin về việc hóa đơn giấy bị thay thế nên việc thu hồi hóa đơn giấy bị sai sót là không cần thiết. Tuy nhiên để tránh rủi ro bị lợi dụng thì người bán nên lập biên bản với người mua để thu hồi hóa đơn giấy đã lập.
[17] Câu hỏi: Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đang sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Vào tháng 3/2022, bên tôi có xuất Hóa đơn (theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC) cho phần đặt cọc của khách hàng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, do khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc. Vậy doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn mới “điều chỉnh giảm” toàn bộ giá trị hóa đơn cũ được không? Hay chỉ có thể hủy và điều chỉnh tờ khai thuế? Và nếu hủy, có phải gửi lại “báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn” không?
Trả lời:
Về nguyên tắc các khoản thu theo tiến độ của cơ sở kinh doanh bất động sản dưới mọi hình thức thì phải lập hóa đơn. Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu tiền khi đặt cọc sau đó khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc thì khoản tiền cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu là doanh thu của cơ sở kinh doanh bất động sản. Do đó, không phải thực hiện điều chỉnh giảm.
[18] Câu hỏi: Trường hợp HĐĐT đã lập sai sót được xử lý theo điểm b1 khoảng 2 điều 19 nghị định 123 có bắt buộc phải lập biên bản điều chỉnh HĐĐT như trước đây (Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP) hay không? Doanh nghiệp có phải gửi thông báo sai sót tới cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm b1 khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, việc lập Biên bản điều chỉnh là do người mua và người bán tự thỏa thuận. Trường hợp người bán đã thực hiện điều chỉnh hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế.
[19] Câu hỏi: Đơn vị tôi gửi BC26 quý II/2022 sau ngày 01/7/2022 có được không? Vì tôi đọc thông tư 39/2014/TT-BTC hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022?
Trả lời:
Căn cứ hướng dẫn tại điểm 2 Phụ lục ban hành kèm theo công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 của Tổng cục Thuế: Trường hợp trong quý II/2022, Người nộp thuế được cơ quan thuế chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì người nộp thuế phải hủy hóa đơn điện tử đã sử dụng và người nộp thuế gửi báo cáo BC 26 quý II/2022 cho cơ quan thuế. Việc gửi báo cáo BC 26 quý II/2022 có thể trước hoặc sau thời điểm 01/7/2022.
[20] Câu hỏi: Công ty tôi tháng 05, 06 có huỷ 3 hoá đơn theo mẫu 04 trên hệ thống hoá đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận nhưng khi tra cứu hoá đơn thì trên trang Hoadondientu 3 hoá đơn này vẫn còn trên hệ thống thì cần xử lý thế nào?
Trả lời:
Trường hợp Người nộp thuế đã gửi thông báo hóa đơn có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT để hủy hóa đơn và cơ quan thuế đã tiếp nhận nhưng khi tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế vẫn còn tồn tại ở trạng thái “Hóa đơn đã bị hủy”, cụ thể: Toàn bộ thông tin hóa đơn điện tử đã gửi đến cơ quan thuế đều được lưu trữ tại hệ thống của cơ quan thuế. Trong trường hợp NNT đã có thông báo hủy thì khi tra cứu hóa đơn này, trạng thái của hóa đơn sẽ thể hiện là “Hóa đơn đã bị hủy”. Ví dụ 1 tình huống như hình chụp dưới đây khi người nộp thuế sử dụng chức năng “Tra cứu/Tra cứu hóa đơn” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …