24

Th6

ÁP DỤNG ĐIỀU KHOẢN HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

Trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới, điều khoản về sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản đã tồn tại từ rất lâu. Đây được xem là căn cứ để miễn trừ trách nhiệm của một trong các bên khi không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng. Trong bài viết này, Luật 3S xin chia sẻ các nội dung xoay quanh việc áp dụng pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế liên quan đến điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Mời các bạn đọc cùng theo dõi.

1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Việt Nam

Căn cứ quy định tại Điều 420, Bộ luật Dân sự năm 2015, một sự kiện pháp lý ảnh hưởng đến hợp đồng được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Một là, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng

Nguyên nhân khách quan được xác định là nguyên nhân xuất phát không phụ vào ý thức chủ quan của các bên. Ví dụ như: các hiểm họa (sóng thần, động đất, lũ lụt, bão, sạt lở đất, dịch bệnh,…), các sự biến xã hội (đình công, bạo loạn, chiến tranh, …) hoặc các hiểm họa từ cháy nổ tự nhiên.

Hai là, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh

Yếu tố “Không thể lường trước được” được hiểu là việc các bên không thể nhìn thấy trước được sự thay đổi hoàn cảnh tại thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu các bên có thể nhận thức được sự thay đổi về hoàn cảnh từ trước và tại thời điểm giao kết hợp đồng mà các bên biết về hoàn cảnh thay đổi sẽ diễn ra nhưng vẫn thỏa thuận giao kết những nội dung như lúc không có sự thay đổi về hoàn cảnh thì các bên không được hưởng những quyền lợi chính đáng do phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định pháp luật. Việc xác định là có hay không việc các bên không lường trước được hoàn cảnh thay đổi phụ thuộc vào mức độ trung thực, thiện chí của các bên.

Ba là, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác

Điều này được hiểu là sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng làm cho các bên không thể thực hiện được những điều khoản đã ký kết. Mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh có thể khiến cho hợp đồng không thể giao kết hoặc giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác nhau để phù hợp với điều kiện thực hiện hợp đồng cũng như cân bằng lợi ích của các bên.

Bốn là, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

BLDS 2015 không có quy định tiêu chuẩn để xác định như thế nào là thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, việc xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại trong thực tế sẽ tuỳ thuộc vào từng bối cảnh hợp đồng, phụ thuộc ý chí và khả năng chứng minh của các bên cũng như quan điểm của cơ quan xét xử. Các yếu tố chứng minh cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên được thể hiện thông qua: Chi phí thực hiện hợp đồng tăng lên quá mức hoặc lợi ít mà một bên nhận được quá thấp hoặc được thể hiện thông qua hậu quả kéo theo tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bên như: nguy cơ bị dừng hoạt động, nguy cơ phá sản,…

Năm là, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Đây là quy định nhằm xác định nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Nếu như bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng thì bản thân họ cũng có nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh đó đến mình.

Hai yếu tố quan trọng để đáp ứng được điều kiện này đó là: (i) đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và (ii) không thể ngăn chặn, giảm thiểu sự ảnh hưởng. Khi và chỉ khi kết hợp đồng thời 2 yếu tố này thì mới xác định là đã phù hợp quy định pháp luật. Nếu thiếu một trong hai thì “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” không thể xác lập.

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản phát sinh sẽ dẫn đến một trong hai hệ quả pháp lý, đó là: (1) sửa đổi hợp đồng để khắc phục hoàn cảnh thay đổi cơ bản hoặc (2) chấm dứt hợp đồng, cụ thể :

(1) Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

(2) Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Cần lưu ý là, việc tiếp tục hay chấm dứt thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Chỉ khi các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Một bên trong hợp đồng sẽ không có quyền đơn phương thay đổi nội dung hợp đồng, trường hợp tự ý thay đổi nội dung hợp đồng mà không có sự đồng ý của bên còn lại thì sự thay đổi này sẽ không phát sinh hiệu lực và nếu gây ra thiệt hại thì bên có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Áp dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Một Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ bị điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau gồm: Điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán quốc tế, án lệ và các nguyên tắc pháp lý. ….Đối với trường hợp một bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là Việt Nam thì các vấn đề về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ chịu sự điều chỉnh của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) có hiệu lực đối với Việt Nam từ năm 2017 và Bộ luật Dân sự 2015 nếu Luật Việt Nam được lựa chọn áp dụng, Cụ thể, Điều 1.1 của CISG quy định: “Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các Quốc gia khác nhau. a. Khi các Quốc gia này là các Quốc gia thành viên của Công ước; hoặc b. Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một Quốc gia thành viên Công ước.”

Như vậy, CISG được áp dụng trong 2 trường hợp: 1.) Khi các bên có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên Công ước (Điều 1.1.a); 2.) Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG (Điều 1.1.b).

Theo Điều 1.1.a CISG, Việt Nam là nước thành viên của CISG nên hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là Việt Nam thì CISG sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, các bên có thể không áp dụng CISG thông qua hai cách. Một là thỏa thuận lựa chọn luật của một nước không phải thành viên CISG để áp dụng; Hai là chọn luật quốc gia của một nước thành viên công ước nhưng các bên phải nêu cụ thể trong điều khoản chọn luật trong hợp đồng rằng các bên chọn luật Quốc gia nào trong công ước và phải nêu rõ ràng rằng CISG không áp dụng để điều chỉnh các vấn đề của hợp đồng giữa họ. Nếu các bên không quy định rõ ràng để loại bỏ sự áp dụng của CISG, thì CISG vẫn được áp dụng theo nguyên tắc ưu tiên vì Việt Nam là một nước thành viên của công ước này.

Đối với điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là Việt Nam. Trường hợp các bên lựa chọn áp dụng Luật Việt Nam và loại sự khả năng áp dụng của CISG thì các vấn đề về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng sẽ căn cứ vào Điều 420 BLDS 2015 để làm căn cứ thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng.

Đối với trường hợp áp dụng CISG theo nguyên tắc ưu tiên. CISG không có quy định rõ về hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nhưng có quy định tương tự tại Điều 79. Liên quan đến trở ngại khách quan như sau:

“1. Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ, nếu chứng minh được rằng, việc không thực hiện nghĩa vụ là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ, và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng, hoặc tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó.

2. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do lỗi của người thứ ba, là người mà họ đã giao kết để thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ, thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:

a. Ðược miễn trách nhiệm  theo quy định của khoản 1 Điều này, và.

b. Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ.

3. Miễn trách được quy định tại Điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó.

4. Bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải thông báo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới bên kia trong một thời hạn hợp lý, từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.

5. Các quy định của Điều này không cản trở mỗi bên được sử dụng mọi quyền khác, ngoài quyền được bồi thường thiệt hại chiếu theo Công ước này.”

Có thể thấy, Điều 79 của CISG không đề cập rõ ràng đến thuật ngữ hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng như không giải thích rõ hơn về trở ngại khách quan, do đó dẫn đến nhiều tranh cãi cũng như quan điểm áp dụng điều khoản này đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Thực tiễn xét xử tại Tòa án và Trọng tài thì phần lớn đều không công nhận sự thay đổi cơ bản của hợp đồng là trở ngại khách quan để miễn trách nhiệm cho bên bị ảnh hưởng theo Điều 79 CISG. Mặc dù vậy, nhưng điều 79 CISG vẫn có thể được viện dẫn để giải quyết tranh chấp cho các bên tùy thuộc vào loại vụ việc, tranh chấp xảy ra. Thực tế, vẫn có những vụ tranh chấp mà Tòa án, trọng tài chấp nhận sự điều chỉnh của CISG tại Điều 79.

Việc xác định CISG có điều chỉnh hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lực chọn áp dụng pháp luật đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bởi theo Điều 7(2) CISG thì vấn đề nào không được không được giải quyết bởi CISG, pháp luật Quốc gia sẽ được áp dụng nếu không có các nguyên tắc chung làm nền tảng của công ước để áp dụng. Tức là, khi các bên ký kết hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh của CISG là chưa rõ ràng thì có thể tiếp tục viện dẫn các nguyên tắc chung làm nền tảng của công ước để giải quyết vấn đề bên trong hợp đồng, nếu không nguyên tắc chung nào thì Điều 420 BLDS 2015 sẽ được tiếp tục viện dẫn. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải xác định CISG có điều chỉnh vấn đề hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng. Nếu CISG không điều chỉnh thì không thể viện dẫn nguyên tắc chung hay pháp luật quốc gia.

Về các nguyên tắc chung, các bên có thể vận dụng Bộ quy tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT năm 2016. Bộ nguyên tắc này có thể được xem là công cụ để giải thích và bổ trợ cho CISG. Theo Điều 7 (2) CISG: khi Điều 79 CISG có hàm ý nhưng chưa quy định rõ về hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì có thể áp dụng Điều 6.2.2 của bộ nguyên tắc này để giải thích cho Điều 79 CISG. Tương tự, nếu theo quan điểm CISG không điều chỉnh vấn đề về hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì các trọng tài, thẩm phán không thể viện dẫn điều khoản của nguyên tắc này để bổ trợ, giải thích cho Điều 79 CISG.

Thực tế, bộ nguyên tắc này không đương nhiên được áp dụng như là công cụ giải thích thêm cho CISG bởi nó không có hiệu lực bắt buộc, nhưng các bên trong hợp đồng hoàn toàn có thể sử dụng quy định tại bộ quy tắc này như một điều khoản mẫu hoặc dựa vào các điều khoản tại bộ quy tắc này để xây dựng các điều khoản riêng phù hợp nhất đối với hợp đồng của mình.

 

Tài liệu tham khảo

– Bộ luật dân sự 2015

–  Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG)

– Bộ quy tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT năm 2016

– Đàm Thị Diễm Hạnh, Lê Thị Kiều Oanh (2019), “Áp dụng quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn số 40/2019.

– Ts. Nguyễn Thị Hồng Trinh (2018), “Phạm vi áp dụng của Công ước CISG cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí Tòa án.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan