NHỮNG QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI LÀM CÁC CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM
Công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lao động được hiểu là các công việc khi thực hiện sẽ có các yếu tố gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thần được quy định trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH. Theo quy định, người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Sau đây là một số quyền lợi của người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
Một là, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”
Hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào hướng dẫn về việc chi trả tiền lương, phụ cấp độc hại cho người lao động, mức phụ cấp, cách tính chuẩn cho khoản phụ cấp này. Do đó, căn cứ theo quy định trên thì việc xác định mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.
Hai là chế độ về thời gian làm việc
Theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Do đó, tùy vào mỗi ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cụ thể mà sẽ có thời gian làm việc cụ thể được áp dụng theo quy định riêng.
Ba là, chế độ nghỉ phép năm
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:
– 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm sẽ theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Bốn là, chế độ đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Năm là, chế độ đối với người lao động cao tuổi
Theo khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn
Sáu là, chế độ đối với người lao động là người khuyết tật
Căn cứ theo khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, Người sử dụng lao động không được phép sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Bảy là, chế độ đối với người học nghề, tập nghề trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Căn cứ theo khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, Người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được người sử dụng lao động tuyển dụng để học nghề, tập nghề đối với những công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Tám là, chế độ hưu trí, ốm đau, bệnh nghề nghiệp của những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
* Về chế độ hưu trí
Theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
* Về chế độ ốm đau
Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:
– 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;
– 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 – dưới 30 năm;
– 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
* Về chế độ bệnh nghề nghiệp
Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
– Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …