11

Th10

HỢP ĐỒNG CÓ MẶC NHIÊN VÔ HIỆU KHI THOẢ ĐIỀU KIỆN VÔ HIỆU HAY KHÔNG?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo đó, không phải cứ giao kết hợp đồng thì mặc nhiên hợp đồng sẽ có hiệu lực và là căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên, mà hợp đồng khi được giao kết cần phải đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức theo luật định thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đôi khi hợp đồng có thể bị vô hiệu, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ít nhất một bên trong quan hệ hợp đồng. Trong bài viết này, Luật 3S sẽ phân tích rõ sự vô hiệu của hợp đồng khi thỏa các trường hợp bị vô hiệu theo quy định của pháp luật? Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau.

Hợp đồng vô hiệu khi nào?

Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định rõ tài Điều 122 như sau: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”. Trong đó giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 BLDS 2015). Như vậy có thể hiểu, hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu không đáp ứng các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực theo Điều 117 BLDS 2015, bao gồm các trường hợp:

Thứ nhất, Hợp đồng vô hiệu do chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Thứ hai, chủ thể tham gia giao dịch dân sự không đảm bảo sự tự nguyện (Tức có dấu hiệu đe dọa, ép buộc, lừa dối….)

Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Thứ tư, Hợp đồng không đáp ứng về mặt hình thức theo quy định của pháp luật. Ví dụ một số loại hợp đồng pháp luật quy định phải lập bằng văn bản nhưng các bên lại giao kết bằng lời nói, hoặc hợp đồng mà luật chuyên ngành có quy định phải lập văn bản có công chứng, chứng thực nhưng các bên chỉ lập văn bản và không công chứng, chứng thực hợp đồng đó.

Ngoài ra, BLDS 2015 cũng quy định rõ hợp đồng bị vô hiệu trong các trường hợp cụ thể như:

– Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123)

– Hợp đồng vô hiệu do giả tạo (Điều 124)

– Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125)

– Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126)

– Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127)

– Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128)

– Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129)

Hợp đồng có mặc nhiên vô hiệu khi thoả điều kiện vô hiệu hay không?

Từ những trường hợp vô hiệu hợp đồng nêu trên, có thể thấy việc vô hiệu của hợp đồng có thể chia thành hai nhóm vô hiệu đó là: Nhóm vô hiệu tương đối (hay vô hiệu có điều kiện) và nhóm vô hiệu tuyệt đối (tức mặc nhiên vô hiệu). Trong đó:

(i) Nhóm vô hiệu tương đối bao gồm các trường hợp như: Vô hiệu do chủ thể giao kết hợp đồng không đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự; Vô hiệu do nhầm lẫn, bị lừa đối, cưỡng đoạt, cưỡng ép; Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức….

Trong trường hợp này, BLDS 2015 quy định:

“Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý……” (Khoản 1 Điều 125)

“Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu,….” (Khoản 1 Điều 126)

“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.” (Khoản 1 Điều 127)

“ Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.” (Khoản 1 Điều 128)

Như vậy, việc vô hiệu hợp đồng trong các trường hợp trên không phải mặc nhiên vô hiệu mà phải đảm bảo đủ hai điều kiện: Một là, có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan và Hai là, có quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc tuyên bố giao dịch đó vô hiệu (Vô hiệu một phần hoặc toàn bộ hợp đồng đó). Trường hợp có dấu hiệu vô hiệu thuộc các trường hợp nêu trên nhưng các bên không yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng vẫn có giá trị ràng buộc đối với các bên. Điều này thể hiện sự tôn trong ý chí và quyền tự định đoạt của pháp luật đối với các chủ thể trong giao dịch dân sự.

(ii) Nhóm vô hiệu tuyệt đối bao gồm các trường hợp vô hiệu do: Vi phạm vào các điều cấm của luật, trái với đạo đức của xã hội hoặc hợp đồng được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác.

Trong trường hợp này, BLDS 2015 nêu rõ: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu” (Khoản 1 Điều 123); “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu” (Khoản 1 Điều 124). Tức là mặc nhiên bị coi là vô hiệu, không phụ thuộc vào quyết định tuyên bố giao dịch dân sự bị vô hiệu của Tòa án. Do đó, việc các bên có yêu cầu Tòa các tuyên bố hợp đồng vô hiệu hay không, không phải là căn cứ xác định hợp đồng vô hiệu, mà ngay từ khi giao kết, hợp đồng này đã không có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, kể cả khi các bên đã tiến hành thực hiện hợp đồng thì hợp đồng cũng không có hiệu lực.

Ngược lại, đối với nhóm vô hiệu tương đối, pháp luật vẫn cho phép các bên tự định đoạt việc thực hiện hợp đồng thể hiện qua việc những người có quyền và lợi ích liên quan trong hợp đồng không yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng đó vô hiệu.

Bên cạnh đó, BLDS 2015 cũng quy định một số trường hợp loại trừ việc vô hiệu hợp đồng trong nhóm vô hiệu tương đối như:

– Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện sẽ không bị tuyên vô hiệu nếu thuộc một trong trường hợp sau đây:

+ Hợp đồng của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

+ Hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

+ Hợp đồng được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

– Hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

– Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức sẽ không bị vô hiệu nếu:

+ Hợp đồng đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

+ Hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu

Căn cứ theo Điều 132 BLDS 2015, đối với nhóm hợp đồng vô hiệu tuyệt đối thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tức là các bên có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu bất kỳ thời điểm nào và không bị hạn chế về mặt thời gian. Ngược lại, đối với nhóm vô hiệu tương đối, pháp luật chỉ cho phép các bên liên quan yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong khoảng thời gian nhất định, quá thời hạn này mà các bên không có yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng sẽ có hiệu lực. Cụ thể, thời hạn này được quy định như sau:

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự giao kết là 02 năm, kể từ ngày người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn là 02 năm, kể từ ngày người bị nhầm lẫn biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép là 02 năm, kể từ ngày (i) Người bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối; (ii) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình là 02 năm, kể từ ngày người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập hợp đồng.

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm về mặc hình thức là 02 năm, kể từ ngày hợp đồng được xác lập.

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan