XÁC ĐỊNH CHA MẸ CHO CON CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật hộ tịch thì cha, mẹ có quyền nhận (xác định) con và con cũng có quyền nhận (xác định) cha, mẹ. Vậy việc xác định cha mẹ cho con có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?
Thứ nhất về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con
Căn cứ theo quy định tại Điều 128 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thẩm quyền giải quyết việc xác định cha mẹ cho con được quy định như sau:
* Đối với các trường hợp không có tranh chấp:
Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
* Đối với các trường hợp có tranh chấp:
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam, cụ thể là Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp sau:
– Cha, mẹ không thừa nhận con.
– Xác định con trong trường hợp người không được nhận là cha, mẹ của một người yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình và trường hợp người được nhận là cha, mẹ của một người yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.
– Con nhận cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
– Trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, bên mang thai hộ yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.
– Trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con, bên nhờ mang thai hộ yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
– Giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Lưu ý: Pháp luật cũng quy định Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, về quyền yêu cầu xác định cha mẹ con
Theo quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu xác định cha mẹ con bao gồm:
– Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Cha, mẹ, con, người giám hộ;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
Thứ ba, về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Điều 44 Luật hộ tịch năm 2014 quy định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài như sau:
– Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 như sau:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
– Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.
*Lưu ý: Thủ tục giải quyết việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài tại Tòa án có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …