XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN MỘT VỢ MỘT CHỒNG
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình tại Việt Nam được thể hiện rõ tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, một bộ phận cá nhân trong xã hội hiện nay chưa thực sự tuân thủ nguyên tắc này. Theo đó pháp luật cũng đã quy định các chế tài đối với những cá nhân vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.
Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật hình sự 2015;
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình.
1. Thế nào là vi phạm chế độ hôn nhân một chồng?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
…
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
…..
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
….”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được hiểu là trường hợp người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ, trong đó:
– Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
– Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về hành vi chung sống như vợ chồng tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên tham khảo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999 có hướng dẫn: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Tùy vào mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm chế độ nhân một vợ một chồng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu hình sự theo quy định.
2. Mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, cụ thể như sau:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
…”
3. Xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng
Người bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà còn tái phạm hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phá vỡ hôn nhân của người khác hoặc Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, tội vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị xử phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm tùy từng hành vi và mức độ phạm tội.
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp cá nhân vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã bị xử lý hình sự về tội này. Đơn cử như Bản án Hình sự phúc thẩm của Tòa án tỉnh Sơn la đối với bị cáo Mùa A P với khung hình phạt là 08 (Tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 (mười sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 07 tháng 3 năm 2023).
Cụ thể: Mùa A P đã đăng ký kết hôn với chị Phàng Thị C và đã có 02 con chung nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng với Giàng Thị S. Chính quyền địa phương đã tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền nhưng P và S vẫn không chấp hành. Ngày 08/4/2022, Uỷ ban nhân dân huyện V đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Mùa A P và Giàng Thị S cùng về hành vi “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” đồng thời yêu cầu P và S chấm dứt quan hệ chung sống với nhau. Tuy nhiên, đến ngày 09/8/2022, Mùa A P và Giàng Thị S vẫn duy trì việc chung sống với nhau như vợ chồng, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V phát hiện lập biên bản.
Xem chi tiết bản án tại:
https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1138108t1cvn/chi-tiet-ban-an
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …