17

Th4

CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP KHÔNG PHẢI XUẤT HÓA ĐƠN

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều phải xuất hóa đơn cho người mua, vậy trường hợp nào doanh nghiệp không cần phải xuất hóa đơn?

1. Nghĩa vụ xuất hóa đơn của Doanh nghiệp

Căn cứ theo khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

2. Thời điểm xuất hóa đơn

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm xuất hóa đơn đối với hàng hóa dịch vụ thông thường được quy định như sau:

(1) Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp giao hàng nhiều lần thì mỗi lần giao hàng đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa được giao tương ứng.

(2) Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

Trường hợp bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần bàn giao đều phải lập hóa đơn cho dịch vụ được giao tương ứng.

Ngoài ra, đối với một số hàng hoa, dịch vụ đặt biệt như: Dịch vụ viễn thông; Hoạt động xây dựng, lắp đặt; Kinh doanh bất động sản; Hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô; Hoạt động bán điện; Dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử….các hoạt động dịch này có thời hạng xuất hóa đơn riêng biệt được quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

3. Các trường hợp Doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn

Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán đều phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua chỉ trừ trường hợp duy nhất là: Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Hàng hóa luân chuyển nội bộ là hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh/hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất/cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.

4. Mức phạt khi không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn không đúng thời điểm

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, Hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ có thể bị phạt cảnh cáo; Phạt tiền từ 500.000 đến 1.500.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

– Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định về hóa đơn bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ;

– Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hoặc hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả lương trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài ra, người bán cò có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng, đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho người mua.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi trốn thuế:

“Phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện hành vi vi phạm sau:

Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ (trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng). Và lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để kê khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời gian đã nộp hồ sơ khai thuế.”

Theo Khoản 2, 3, 4 Điều 17 Nghị định này, đối với trường hợp không xuất hóa đơn mà có tình tiết tăng hoặc không có tình tiết giảm nhẹ có thể bị xử phạt với mức như sau:

– Phạt tiền bằng 1,5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà không có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng;

– Phạt tiền 02 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà có 01 tình tiết tăng nặng;

– Phạt tiền 1,5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà có 02 tình tiết tăng nặng;

– Phạt tiền 03 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà có 03 tình tiết tăng nặng trở lên.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan