HỆ QUẢ PHÁP LÝ KHI KHAI KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ
Trong doanh nghiệp, Vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị tài sản do các thành viên, cổ đông đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp. Việc kê khai và đảm bảo góp chính xác vốn điều lệ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện này có rất nhiều doanh nghiệp không ngần ngại kê khống số vốn điều lệ lên vì mục đích mở rộng quan hệ kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Việc này đương nhiên là vi phạm pháp luật. Vậy hệ quả pháp lý của việc khai khống vốn điều lệ là gì? Mời các cùng theo dõi.
I. CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN ĐỐI VỚI VỐN ĐIỀU LỆ
1. Định nghĩa
Vốn điều lệ là một yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Đây là cho nguồn vốn mà các thành viên hoặc cổ đông đóng góp hoặc cam kết đóng góp khi thành lập công ty, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì, đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
2. Vai trò của Vốn điều lệ
Thứ nhất, Vốn điều lệ trong doanh nghiệp thể hiện cam kết tài chính của các thành viên, cổ đông đối với công ty. Hiểu đơn giản, đây là số tiền mà các thành viên, cổ đông đã góp vào công ty và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp. Từ đó, làm cơ sở cho việc phân chia quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên, cổ đông trong công ty.
Thứ hai, Vốn điều lệ là cơ sở quan trọng để đánh giá khả năng của một công ty trong việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh đặc thù của một số loại hình kinh doanh như:Các ngành nghề liên quan Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán….
Thứ ba, Vốn điều lệ còn là một trong những yếu tố quan trọng để các đối tác, khách hàng, ngân hàng và các cơ quan quản lý đánh giá năng lực tài chính và uy tín của doanh nghiệp. Điều này giúp tạo niềm tin và sự hợp tác hiệu quả trong các mối quan hệ kinh doanh của Doanh nghiệp.
2. Vốn điều lệ được góp bằng những hình thức nào?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép chủ sở hữu, các thành viên, cổ đông công ty thực hiện góp vốn điều lệ đã cam kết vào công ty bằng nhiều hình thức khác nhau như:
– Góp vốn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản công ty.
– Góp vốn bằng tài sản khác như: vàng, quyền sử dụng đất, máy móc, thiết bị, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Theo quy định tại các Điều 34, Điều 35, Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào loại tài sản góp vốn là gì mà thành viên hay cổ đông công ty thực hiện việc định giá tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty thông qua việc giao nhận có xác nhận bằng biên bản hoặc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
3. Thời hạn góp vốn điều lệ
Tùy thuộc vào loại hình công ty mà việc góp vốn điều lệ phải tuần thủ theo thời hạn như sau:
a) Đối với Công ty TNHH một thành viên
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 của Luật doanh nghiệp 2020, Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Nếu không góp đủ vốn đăng ký trong thời hạn quy định, chủ sở hữu phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị thực tế của tài sản góp vốn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ.
Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân về các nghĩa vụ tài chính của công ty, bao gồm cả thiệt hại phát sinh do việc góp vốn không đủ, thiếu sót hoặc không đúng theo quy định thời hạn.
b) Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo Khoản 1 Điều 47 của Luật doanh nghiệp 2020: Thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn mà họ đã cam kết đóng góp vào công ty. Thành viên phải góp vốn đủ và chính xác bằng tài sản trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không tính thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn hay thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu. Thành viên chỉ có thể góp vốn vào công ty bằng tài sản không phải là tài sản đã cam kết nếu có sự đồng ý của trên 50% số thành viên còn lại.
Nếu sau thời hạn cam kết mà có thành viên nào đó không góp một phần hoặc toàn bộ số vốn đã cam kết, thì sẽ xử lý như sau:
– Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
– Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
– Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.Trong tình huống thành viên không đóng góp đủ hoặc không đúng số vốn cam kết, công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp của từng thành viên trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày cuối cùng của quá trình thay đổi.
c) Đối với công ty cổ phần
Theo khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2002: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Nếu sau thời hạn nêu trên mà cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
– Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mu, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
d) Đối với công ty Hợp danh
Đối với mô hình Công ty hợp danh sẽ có hai loại hình thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong đó:
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân và có nghĩa vụ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình;
– Thành viên cá nhân có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn cho phép.
Luật Doanh nghiệp không quy định thời hạn góp vốn của các thành viên trong công ty hợp danh, mà việc đóng góp vốn điều lệ của thành viên sẽ căn cứ theo cam kết góp vốn của các thành viên.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty Hợp danh tiếp nhận thêm thành viên với thì thành viên đó phải góp vốn đều phải nộp đủ số vốn đã cam kết với công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được Hội đồng thành viên chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định một thời hạn khác. Việc này đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đối với các cam kết về thời hạn góp vốn điều lệ công ty.
đ) Đối với Doanh nghiệp tư nhân
Vốn điều lệ của Doanh nghiệp tư nhân chính là vốn đầu tư do chủ doanh nghiệp đăng ký.
Luật Doanh nghiệp không quy định thời hạn góp vốn của Doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
II. HỆ QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC KHAI KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ
Khai khống vốn điều lệ được hiểu là việc kê khai vốn điều lệ không có thực trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, vượt quá khả năng góp vốn của thành viên, cổ đông công ty. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thực tế, có rất nhiều lý do để doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ. Tuy nhiên, đa phần đều xuất phát từ mục đích tạo thông tin cho đối tác, khách hàng khi xem xét hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp để thuận lợi trong việc mở rộng quan hệ kinh doanh, thu hút đầu tư. Hành vi này có thể làm sai lệch thông tin của công tác thống kê đầu tư, dự báo kế hoạch và các biến số kinh tế của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn có thể gây hại cho các đối tượng kinh tế khác nếu doanh nghiệp có hành vi khai khống vốn điều lệ để lừa đảo, trục lợi.
Để kiểm soát hành vi này, pháp luật đã đưa ra chế tài xử lý hành chính tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể, theo Điều 47 Nghị định này thì doanh nghiệp có hành vi vi phạm về kê khai vốn điều lệ, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt như sau:
“Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.”
Hiện nay, trên thực tế cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt rất nhiều doanh nghiệp có hành vi khai khống vốn điều lệ. Đơn cử như mới đây, Ngày 22/5/2024, theo Báo Quảng Nam đưa tin thì UBND tỉnh này đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ du lịch Ba Cơ (trụ sở chính ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Theo đó, UBND tỉnh quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với công ty này vì kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quyết định yêu cầu Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ du lịch Ba Cơ nộp tiền phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ du lịch Ba Cơ không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi kê khai khống vốn điều lệ là hành vi bị cấm và doanh nghiệp kê khai khống sẽ chịu chế tài hành chính lên đến 100 triệu, đồng thời doanh nghiệp còn buộc phải thực hiện điều chỉnh lại vốn điều lệ đúng với thực tế. Ngoài ra, nếu như việc khai khống vốn điều lệ nhằm mục đích gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, người mua trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …