04

Th7

MỘT SỐ THỜI ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN QUÁ TRÌNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO LUẬT ĐỊNH

Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, giao kết hợp đồng là một quá trình pháp lý quan trọng, đánh dấu sự thỏa thuận giữa các bên nhằm thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc ký kết văn bản mà còn bao gồm nhiều thời điểm quan trọng liên quan đến việc thỏa thuận và cam kết. Những thời điểm này được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số thời điểm quan trọng trong quá trình giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật, từ giai đoạn đàm phán, ký kết đến khi hợp đồng chính thức có hiệu lực. Mời các bạn cùng theo dõi.

(1) Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng

Đây là thời điểm mà một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng với các điều kiện cụ thể đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. [1]

a) Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:[2]

– Do bên đề nghị ấn định;

– Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

b) Bên được đề nghị được xem là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng nếu:[3]

– Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

– Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

– Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

c) Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:[4]

– Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

– Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

– Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

– Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

– Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;

Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

(2) Thời điểm chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. [5]

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định như sau: [6]

Thứ nhất, khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.

Thứ hai, trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

Thứ ba, khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn trả lời.

Lưu ý:

– Trường hợp bên đề nghị chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên đề nghị. [7]

– Trường hợp bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sau đó chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên được đề nghị. [8]

– Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. [9]

(3) Thời điểm giao kết hợp đồng [10]

a) Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

b) Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

c) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

d) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

(4) Thời điểm hợp đồng có hiệu lực

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.[11]

Một số loại hợp đồng pháp luật có quy định về thời hạn có hiệu lực như:

– Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. [12]

– Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. [13]

– Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. [14]

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. [15]

– Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. [16]

(5) Thời điểm thực hiện hợp đồng

Thời điểm thực hiện hợp đồng là thời điểm các bên bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi đã thỏa thuận trong hợp đồng. Thời điểm này có thể được xác định cụ thể trong hợp đồng hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Việc thực hiện hợp đồng có thể diễn ra ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực hoặc vào một thời điểm cụ thể đã được các bên thỏa thuận.

(6) Thời điểm chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng có thể chấm dứt theo thỏa thuận của các bên, do hết thời hạn hiệu lực, do một bên vi phạm hợp đồng hoặc do các sự kiện bất khả kháng.

Thời điểm chấm dứt hợp đồng là khi các điều kiện chấm dứt theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật được đáp ứng.

(7) Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Theo đó, trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng mà các bên có phát sinh tranh chấp nhưng không thể tự thương lượng, hòa giải được thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng này phải nằm trong thời hiệu theo quy định, nếu quá thời hạn này thì theo quy định, một bên có quyền khởi kiện bị mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. [17]

Lưu ý: Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. [18]

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Khoản 2 Điều 386 Bộ luật Dân sự 2015;

[2] Khoản 1 Điều 388 Bộ luật Dân sự 2015;

[3] Khoản 2 Điều 388 Bộ luật Dân sự 2015;

[4] Điều 391 Bộ luật Dân sự 2015;

[5] Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015;

[6] Điều 394 Bộ luật Dân sự 2015;

[7] Điều 395 Bộ luật Dân sự 2015;

[8] Điều 396 Bộ luật Dân sự 2015;

[9] Điều 397 Bộ luật Dân sự 2015;

[10] Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015;

[11] Khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015;

[12] Khoản 1 Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015;

[13] Khoản 2 Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015;

[14] Khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015;

[15] Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013;

[16] Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019;

[17] Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015;

[18] Khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

 

Tin tức liên quan