26

Th8

NGHĨA VỤ THỪA KẾ CÁC KHOẢN NỢ CỦA NGƯỜI THỪA KẾ

Khi một người qua đời, di sản mà họ để lại không chỉ là tài sản vật chất, mà còn có thể bao gồm cả những khoản nợ chưa được giải quyết. Đối với người thừa kế, việc nhận di sản không chỉ là việc tiếp quản, thừa hưởng tài sản mà còn có thể đối mặt với những trách nhiệm tài chính có thể kèm theo. Vậy câu hỏi đặt ra là: Khi người thân qua đời, liệu người thừa kế có bắt buộc phải gánh vác các khoản nợ mà người quá cố để lại hay không? Bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích các quy định pháp luật và trách nhiệm của người thừa kế trong việc thực hiện nghĩa vụ này. Mời các bạn cùng theo dõi.

1. Người thừa kế gồm những ai?

Người thừa kế là những cá nhân hoặc tổ chức được quyền nhận di sản do người đã qua đời để lại. Theo quy định của pháp luật, người thừa kế có thể được xác định theo hai hình thức chính: thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc, trong đó:

(i) Đối với thừa kế theo di chúc: Di sản sẽ được phân chia theo nội dung của di chúc. Người thừa kế trong trường hợp này có thể bao gồm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào được nêu trong di chúc, không phụ thuộc vào việc có mối quan hệ huyết thống hay không.

(ii) Đối vơi thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: [1]

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật là: (a) Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; (b) Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. (c) Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.[2]

Như vậy, nếu có di chúc hợp pháp thì người thừa kế sẽ là những người được xác định trong di chúc. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì người thừa kế được xác định theo hàng thừa kế như trên. Tuy nhiên, cần lưu ý ngay cả khi có di chúc, một số đối tượng không được đề cập trong di chúc vẫn có quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật. [3] Những người này thường là: Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động; Cha mẹ, vợ hoặc chồng của người để lại di sản.

2. Nghĩa vụ của người thừa kế đối với các khoản nợ của người để lại di sản?

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, quy định như sau: [4]

“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

Như vậy, khi nhận thừa kế, người thừa kế không chỉ nhận tài sản mà còn phải tiếp nhận cả những nghĩa vụ tài sản mà người để lại di sản chưa hoàn thành, trong đó bao gồm cả các khoản nợ của người để lại di sản. Các khoản nợ này có thể bao gồm nợ vay, nợ hợp đồng, tiền thuế chưa nộp, phí dịch vụ, và các khoản chi phí khác mà người để lại di sản còn nợ trước khi qua đời.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều rằng: Trách nhiệm của người thừa kế đối với các khoản nợ chỉ nằm trong phạm vi di sản mà họ nhận được. Điều này có nghĩa là người thừa kế không phải sử dụng tài sản riêng của mình để thanh toán các khoản nợ của người đã mất. Nếu giá trị tài sản thừa kế không đủ để thanh toán toàn bộ các khoản nợ, người thừa kế chỉ phải thanh toán trong phạm vi giá trị tài sản họ nhận được. Các chủ nợ chỉ có thể yêu cầu thanh toán từ di sản, nhưng không thể yêu cầu người thừa kế sử dụng tài sản cá nhân để trả nợ. Nếu có nhiều người thừa kế, nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của từng người cũng chỉ giới hạn trong phần di sản mà từng người nhận được trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, cần lưu ý, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây: [5]

(1) Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

(2) Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

(3) Chi phí cho việc bảo quản di sản;

(4) Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

(5) Tiền công lao động;

(6) Tiền bồi thường thiệt hại;

(7) Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;

(8) Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;

(9) Tiền phạt;

(10) Các chi phí khác.

3. Người thừa kế có được từ chối các khoản nợ do ngươi chết để lại không?

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản nếu họ không muốn tiếp nhận nghĩa vụ tài sản. Tuy nhiên, việc từ chối này phải không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của người thừa kế đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản trước thời điểm phân chia di sản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết [6]. Khi từ chối thừa kế, người thừa kế sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ khoản nợ nào của người để lại di sản.

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Điều 651 Bộ luật dân sự 2015;

[2] Điều 613 Bộ luật dân sự 2015;

[3] Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015;

[4] Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015;

[5] Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015;

[6] Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015;

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan