
TÒA ÁN CHẬM GIẢI QUYẾT ĐƠN KHỞI KIỆN DÂN SỰ, KHIẾU NẠI NHƯ THẾ NÀO?
Trong tố tụng dân sự, thời gian giải quyết vụ án là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp tòa án chậm trễ trong việc thụ lý hoặc giải quyết đơn khởi kiện, khiến người khởi kiện gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy khi tòa án chậm giải quyết đơn khởi kiện vụ án dân sự, người khởi kiện có thể khiếu nại như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Thời hạn giải quyết đơn khởi kiện
Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải phân công Thẩm phán xem xét đơn. Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, nếu nội dung đơn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật;
b) Thụ lý vụ án nếu đơn khởi kiện hợp lệ, thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tùy từng trường hợp, vụ án có thể được giải quyết theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 317 BLTTDS 2015;
c) Chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã nhận đơn, đồng thời thông báo cho người khởi kiện biết;
d) Trả lại đơn khởi kiện nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định pháp luật.
Như vậy, trong thời hạn tối đa 8 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải có phản hồi đối với đơn khởi kiện của người khởi kiện (yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thụ lý hoặc chuyển đơn khởi kiện hoặc trả lại đơn khởi kiện).
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp Tòa án không tuân thủ đúng thời hạn này, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Đây là vấn đề mà người khởi kiện cần lưu ý và có thể thực hiện khiếu nại nếu quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.
2. Quyền khiếu nại trong tố tụng dân sự
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại hoặc tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong hoạt động tố tụng dân sự. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách kịp thời, đúng pháp luật và thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo.
Căn cứ khoản 1 Điều 499 BLTTDS 2015, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hoặc hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại có thể trực tiếp thực hiện quyền khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp.
Khi thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại cần lưu ý các vấn đề sau:
(i) Về thời hiệu khiếu nại
Theo Điều 502 BLTTDS 2015, thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà họ cho rằng có vi phạm pháp luật.
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện quyền khiếu nại trong thời hạn quy định, thời gian tồn tại của sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Như vậy, đối với hành vi chậm giải quyết đơn khởi kiện, thời hiệu khiếu nại sẽ là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại biết được hành vi chậm giải quyết.
(ii) Về hình thức khiếu nại:
Theo Điều 503 BLTTDS 2015, khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn.
Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
(iii) Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Người khiếu nại cần xác định đúng cơ quan có thẩm quyền để gửi đơn khiếu nại, tránh mất thời gian và đảm bảo việc giải quyết khiếu nại được thực hiện hiệu quả. Theo Điều 504 BLTTDS 2015, khiếu nại hành vi chậm giải quyết đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nơi đã nộp đơn khởi kiện.
Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án này, họ có thể tiếp tục khiếu nại lên Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp để yêu cầu xem xét lại.
3. Thủ tục khiếu nại hành vi chậm giải quyết đơn khởi kiện
Bước 1: Nộp đơn khiếu nại
Người khiếu nại cần soạn đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 503 BLTTDS 2015. Đơn khiếu nại phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại;
– Nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại;
– Có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Ngoài đơn khiếu nại, người khiếu nại cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, chẳng hạn như: Xác nhận nộp đơn khởi kiện của Tòa án; Giấy báo phát của đơn vị chuyển phát nếu gửi đơn qua đừng bưu điện,…
Sau khi hoàn thiện hồ sơ khiếu nại, người khiếu nại có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Giải quyết khiếu nại lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
Theo Trong thời gian này, người giải quyết khiếu nại có thể yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung bị khiếu nại.
Sau khi xem xét đơn khiếu nại của người khiếu nại và thực hiện công tác xác minh nội dung khiếu nại, đối thoại (nếu có) theo quy định, Người giải quyết khiếu nại sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại.
Bước 3: Nộp đơn khiếu nại lần 2 (nếu có)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm:
– Đơn khiếu nại lần hai (tương tự đơn khiếu nại lần đầu).
– Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
– Các tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có).
Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã giải quyết khiếu nại lần đầu.
Bước 4: Giải quyết khiếu nại lần 2
Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần 2 cho người khiếu nại. Thời hạn giải quyết là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu vụ việc phức tạp, có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày nữa.
Chánh án Tòa án cấp trên sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Tòa án sẽ thông báo kết quả bằng văn bản cho người khiếu nại.
4. Kết luận
Việc Tòa án chậm giải quyết đơn khởi kiện không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện mà còn làm suy giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp. Do đó, người khởi kiện cần nắm rõ các quy định pháp luật về thời hạn giải quyết đơn, quyền khiếu nại và thủ tục khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Khi phát hiện hành vi chậm trễ, người khởi kiện nên nhanh chóng thu thập chứng cứ, thực hiện quyền khiếu nại theo đúng trình tự pháp luật để yêu cầu Tòa án thực hiện trách nhiệm của mình. Đồng thời, việc hiểu rõ các quy định pháp luật giúp người dân chủ động hơn trong quá trình tố tụng, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng trong xét xử.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …