
CHẤP HÀNH VIÊN CÓ ĐƯỢC KÊ BIÊN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHUNG ĐỂ THI HÀNH BẢN ÁN CỦA CÁ NHÂN KHÔNG?
Trong thực tiễn thi hành án dân sự, một trong những vấn đề thường xuyên phát sinh tranh chấp là việc xử lý tài sản thuộc sở hữu chung – đặc biệt là quyền sử dụng đất – khi người phải thi hành án chỉ là một trong các đồng sở hữu. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chấp hành viên có quyền kê biên quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung để bảo đảm thi hành bản án tuyên nghĩa vụ tài chính cá nhân không? Bài viết sau sẽ phân tích cơ sở pháp lý theo quy định áp dụng trong trường hợp này.
1. Kê biên tài sản là gì?
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự không đưa ra định nghĩa khái niệm “kê biên”, nhưng từ các quy định tại Điều 71 và Điều 111 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), có thể hiểu kê biên là một biện pháp cưỡng chế thi hành án nhằm kiểm soát tài sản của người phải thi hành án bằng cách xác lập sự quản lý của cơ quan thi hành án thông qua việc lập biên bản kê biên và niêm phong (nếu cần) tài sản để phục vụ cho việc xử lý (bán đấu giá, giao cho người được thi hành án…). Kê biên có thể áp dụng cho cả tài sản động sản và bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất.
Ví dụ: Ông A bị Tòa án tuyên phải trả 600 triệu đồng cho ông B theo bản án đã có hiệu lực. Do ông A không tự nguyện thi hành, chấp hành viên xác minh thấy ông A có một chiếc xe ô tô đứng tên riêng, nên đã tiến hành ra quyết định cưỡng chế thi hành án, lập biên bản kê biên chiếc xe để sau đó xử lý bán đấu giá theo quy định để thi hành án án cho ông A.
2. Khi nào được kê biên tài sản của người phải thi hành án?
Việc kê biên tài sản chỉ được thực hiện khi hội đủ các điều kiện pháp lý. Theo Điều 70 và Điều 71 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên chỉ được kê biên khi:
– Đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;
– Đã ra quyết định thi hành án;
– Người phải thi hành án không tự nguyện chấp hành nghĩa vụ;
– Có quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
– Tài sản được kê biên không thuộc diện pháp luật cấm kê biên;
– Có tài liệu xác minh rõ ràng về tài sản.
Ví dụ: Ông C bị buộc phải bồi thường 300 triệu đồng do gây tai nạn giao thông. Ông C không có tiền mặt, nhưng sở hữu một mảnh đất đứng tên riêng. Sau khi xác minh, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế và kê biên quyền sử dụng đất đó để đảm bảo thi hành nghĩa vụ.
3. Các trường hợp không được kê biên tài sản
Theo Điều 87 Luật Thi hành án dân sự, một số loại tài sản không được kê biên để bảo vệ quyền lợi thiết yếu của người phải thi hành án và người phụ thuộc, gồm:
(1) Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
(2) Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:
a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
b) Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
c) Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
e) Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.
(3) Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
a) Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
b) Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
4. Điều kiện, thủ tục kê biên quyền sử dụng đất
Việc kê biên quyền sử dụng đất là một biện pháp cưỡng chế đặc thù vì liên quan đến tài sản bất động sản thường có giá trị lớn và thường là nhu cầu thiết yếu về chỗ ở, nơi sinh sống hoặc sản xuất của người phải thi hành án. Do đó, pháp luật quy định chặt chẽ các điều kiện và trình tự kê biên nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án và các bên liên quan. Căn cứ kê biên quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 89, Điều 94, Điều 95, Điều 110 và Điều 111 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), cụ thể:
(a) Điều kiện pháp lý để được kê biên quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 110 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên chỉ được kê biên quyền sử dụng đất nếu đất đó thuộc một trong các trường hợp sau:
– Người phải thi hành án có quyền sử dụng đất hợp pháp và quyền sử dụng đất đó thuộc diện được phép chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đất đai;
– Trường hợp người phải thi hành án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có đủ điều kiện được cấp theo pháp luật đất đai; hoặc thửa đất thuộc diện quy hoạch phải thu hồi nhưng chưa có quyết định thu hồi chính thức, thì vẫn có thể kê biên, xử lý để thi hành án.
(b) Trình tự thực hiện kê biên quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 89, Điều 111 Luật Thi hành án dân sự, khi tiến hành kê biên quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thực hiện các công việc sau:
(i) Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.
(ii) Khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.
(iii) Lập biên bản kê biên: Việc kê biên phải được lập thành biên bản ghi rõ: vị trí, diện tích, ranh giới của thửa đất bị kê biên và phải có chữ ký của người tham gia kê biên, đảm bảo tính khách quan và pháp lý.
(iv) Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, Cơ quan đăng ký tài sản sẽ có trách nhiệm tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm ngay sau khi nhận được yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
(c) Các trường hợp phải kê biên quyền sử dụng đất kèm theo tài sản gắn liền
Trong một số trường hợp, pháp luật quy định bắt buộc phải kê biên quyền sử dụng đất kèm theo tài sản gắn liền để bảo đảm thi hành án hiệu quả và toàn diện, cụ thể:
(i) Kê biên nhà ở: Theo khoản 2 Điều 95 Luật Thi hành án dân sự, khi kê biên nhà ở thì phải đồng thời kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở đó. Nếu nhà ở được xây trên đất của người khác, chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý; nếu không đồng ý thì chỉ kê biên phần nhà ở, với điều kiện việc tách nhà khỏi đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
(ii) Kê biên tài sản gắn liền với đất: Theo Điều 94 Luật Thi hành án dân sự, Khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo quy định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó.
5. Xử lý khi kê biên quyền sử dụng đất là tài sản chung.
Căn cứ Theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung được xử lý như sau:
(1) Trường hợp chưa xác định được phần sở hữu trong tài sản chung
Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Toàn bộ việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi có phán quyết rõ ràng của Tòa án xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.
(2) Trường hợp đã xác định được phần sở hữu
Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
(3) Quyền ưu tiên mua lại của đồng sở hữu
Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.
Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật Thi hành án dân sự
6. Kết luận
Chấp hành viên được phép kê biên quyền sử dụng đất chung để thi hành bản án của cá nhân, nhưng chỉ trong giới hạn phần sở hữu hợp pháp của người phải thi hành án. Việc kê biên tài sản chung cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình, đảm bảo quyền lợi của các đồng sở hữu và tránh gây thiệt hại không cần thiết. Trong trường hợp không xác định được phần sở hữu, cơ quan thi hành án phải yêu cầu Tòa án phân định trước khi kê biên, trừ trường hợp các bên đã có thỏa thuận rõ ràng.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …