
XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT KHI NGƯỜI LAO ĐỘNG GÂY THIỆT HẠI CHO CÔNG TY
Trong quá trình lao động, không hiếm trường hợp người lao động (NLĐ) gây ra thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có thể xử lý thế nào trong khuôn khổ pháp luật? Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm vật chất của NLĐ trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc áp dụng thực tế đòi hỏi doanh nghiệp cần hiểu đúng, đầy đủ và tuân thủ trình tự pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cả hai bên, đồng thời tránh được tranh chấp không cần thiết.
1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất của người lao động?
Theo Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể bị áp dụng trách nhiệm vật chất trong trường hợp có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp, cụ thể:
(i) Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của công ty: Đây là tình huống phổ biến trong môi trường lao động kỹ thuật, sản xuất, xây dựng, nơi người lao động trực tiếp tiếp xúc và vận hành máy móc, thiết bị. Nếu trong quá trình làm việc, người lao động thao tác sai quy trình, cẩu thả, không tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật, dẫn đến làm hỏng tài sản, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Mức bồi thường có thể căn cứ theo nội quy lao động hoặc quy định của pháp luật.
Ví dụ: Một công nhân vận hành xe nâng trong kho hàng điều khiển sai thao tác khiến xe đâm vào kệ hàng gây sập toàn bộ một dãy kệ chứa sản phẩm. Qua xác minh, nếu xác định lỗi do công nhân điều khiển, công ty có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên giá trị tài sản bị hư hại.
(ii) Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc tài sản được giao quản lý: Khi người lao động được giao trực tiếp quản lý hoặc sử dụng tài sản của công ty mà để thất lạc, mất mát, họ có thể bị yêu cầu bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm;
(iii) Người lao động làm tiêu hao vật tư vượt quá định mức cho phép: Nhiều ngành nghề quy định định mức tiêu hao vật tư cụ thể để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí sản xuất. Nếu người lao động không tuân thủ quy trình kỹ thuật, lạm dụng vật tư vượt quá định mức một cách không hợp lý và không có lý do chính đáng (như sự cố kỹ thuật hoặc yêu cầu đặc biệt của sản phẩm), thì có thể bị coi là gây thiệt hại.
Ví dụ: Một nhân viên vận hành máy in công nghiệp sử dụng gấp đôi lượng mực so với định mức in thông thường mà không báo cáo hay được sự đồng ý của quản lý kỹ thuật. Qua kiểm tra, nếu không có lý do hợp lý nào cho việc sử dụng vượt định mức, thì công ty có thể yêu cầu người lao động bồi thường phần chi phí phát sinh.
(iv) Có hành vi khác gây thiệt hại tài sản cho công ty: Đây là quy định có tính chất bao quát, bao gồm các hành vi ngoài ba nhóm trên nhưng vẫn dẫn đến thiệt hại thực tế về tài sản. Điều này cho phép xử lý trách nhiệm vật chất linh hoạt với các hành vi không điển hình nhưng vẫn gây hậu quả.
Ví dụ: Một nhân viên do truy cập trái phép hệ thống kế toán nội bộ, làm sai lệch số liệu tài chính khiến công ty phải chi phí thuê chuyên gia khắc phục và kiểm toán lại toàn bộ dữ liệu. Mặc dù hành vi không liên quan đến việc sử dụng tài sản cụ thể, nhưng vẫn có thể cấu thành hành vi gây thiệt hại và bị xem xét trách nhiệm bồi thường.
Lưu ý: không phải mọi thiệt hại do người lao động gây ra đều dẫn đến nghĩa vụ bồi thường. Theo đó, nếu trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
2. Mức bồi thường và giới hạn trách nhiệm vật chất
Theo khoản 1 Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2019, việc xác định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào ba yếu tố chính:
(i) Yếu tố lỗi của người lao động: Lỗi càng nghiêm trọng, mức độ bồi thường càng cao.
(ii) Mức độ thiệt hại thực tế: Chỉ bồi thường trong giới hạn tổn thất vật chất cụ thể, có thể định lượng được.
(iii) Hoàn cảnh thực tế về nhân thân, tài chính, điều kiện gia đình của người lao động: Đây là yếu tố nhân đạo nhằm đảm bảo tính khả thi và công bằng khi áp dụng trách nhiệm vật chất.
Pháp luật cũng quy định rõ các giới hạn bồi thường, nhằm tránh việc doanh nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý mang tính trừng phạt, vượt quá khả năng thực tế của người lao động. Cụ thể:
(i) Trường hợp thiệt hại không nghiêm trọng do lỗi vô ý
Theo khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động, nếu thiệt hại xảy ra không nghiêm trọng và lỗi của người lao động là sơ suất, giá trị thiệt hại không vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng (theo khu vực mà người lao động đang làm việc), thì mức bồi thường tối đa là 03 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Khoản tiền bồi thường này sẽ được khấu trừ dần vào tiền lương hằng tháng, nhưng không quá 30% lương thực nhận mỗi tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật lao động.
(ii) Trường hợp làm mất tài sản, thiết bị hoặc tiêu hao vật tư vượt mức
Với những hành vi như làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản được giao quản lý, hoặc sử dụng vật tư vượt định mức, người lao động sẽ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động. Nếu hai bên có hợp đồng trách nhiệm về việc quản lý tài sản, thì mức bồi thường sẽ căn cứ theo nội dung thỏa thuận tại hợp đồng.
3. Trình tự xử lý trách nhiệm vật chất
Theo đó Tại Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định về trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
Bước 1: Ghi nhận và yêu cầu tường trình
Ngay khi phát hiện hành vi có dấu hiệu gây thiệt hại (như làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiêu hao vật tư vượt định mức…), người sử dụng lao động phải yêu cầu người lao động làm bản tường trình bằng văn bản về sự việc để xác minh rõ nguyên nhân, bối cảnh và mức độ lỗi.
Bước 2: Tổ chức cuộc họp xử lý trách nhiệm vật chất
Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định, người sử dụng lao động tổ chức cuộc họp xử lý. Trước ít nhất 05 ngày làm việc, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến các thành phần tham dự, bao gồm:
– Người lao động bị xem xét trách nhiệm;
– Đại diện tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có);
– Đại diện người sử dụng lao động;
– Thẩm định viên về giá (nếu cần).
Thông báo phải ghi rõ: thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm và họ tên người bị xử lý.
Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
Bước 3: Tiến hành cuộc họp
Doanh nghiệp tiến hành họp đúng thời gian, địa điểm đã thông báo. Nếu các bên không thỏa thuận được việc dời lịch họp hoặc có người vắng mặt mà không xác nhận lý do chính đáng, cuộc họp vẫn được tiến hành theo đúng pháp luật.
Bước 4: Lập biên bản cuộc họp
Toàn bộ nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản bằng văn bản, thông qua tại buổi họp và có chữ ký xác nhận của các thành phần tham dự. Nếu có người từ chối ký, người ghi biên bản phải ghi rõ họ tên người đó và lý do từ chối (nếu có).
Bước 5: Ban hành quyết định xử lý
Sau khi hoàn tất thủ tục họp, doanh nghiệp phải ban hành quyết định xử lý trách nhiệm vật chất bằng văn bản trong thời hiệu luật định. Quyết định phải nêu rõ:
– Nguyên nhân thiệt hại;
– Mức thiệt hại;
– Mức bồi thường cụ thể;
– Thời hạn, phương thức bồi thường.
– Văn bản này phải được gửi cho các bên tham dự cuộc họp.
Lưu ý: Với các trường hợp phát sinh ngoài quy định của Bộ luật Lao động (ví dụ: bồi thường giữa hai người lao động, hoặc trách nhiệm liên đới), sẽ áp dụng theo quy định chung của Bộ luật Dân sự.
4. Quyền khiếu nại về bồi thường thiệt hại của người lao động
Pháp luật lao động không chỉ bảo vệ quyền của người sử dụng lao động trong việc yêu cầu bồi thường, mà còn bảo đảm người lao động có đầy đủ quyền khiếu nại, phản hồi và yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu họ cho rằng quyết định xử lý không khách quan hoặc không đúng quy định.
Theo Điều 131 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động có thể thực hiện các quyền sau:
– Khiếu nại nội bộ: Gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động đề nghị xem xét lại quyết định xử lý trách nhiệm vật chất.
– Khiếu nại hành chính: Gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động) để được giải quyết theo trình tự thủ tục khiếu nại hành chính trong lĩnh vực lao động.
– Khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân: Nếu không đồng thuận với kết quả giải quyết khiếu nại, người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo Mục 2 Chương XIV Bộ luật Lao động.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …