
LUẬT SƯ CÓ ĐƯỢC NHẬN TIỀN THƯỞNG SAU KHI GIÚP KHÁCH HÀNG ĐÒI ĐƯỢC QUYỀN LỢI?
Trong hoạt động hành nghề luật sư, ngoài thù lao được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, trên thực tế còn phát sinh những khoản tiền “thưởng” mà khách hàng tự nguyện chi trả sau khi vụ việc được giải quyết thành công. Tuy nhiên, việc luật sư nhận tiền thưởng có hợp pháp không? Có bị xem là vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay bị xử lý kỷ luật? Đây là câu hỏi không chỉ người hành nghề luật sư cần hiểu rõ mà khách hàng cũng nên nắm bắt để tránh tranh chấp, rủi ro phát sinh sau này.
1. Căn cứ tính thù lao của luật sư
a) Về thù lao của Luật sư
Tại khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư 2006 quy định mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ gồm:
(i) Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
(ii) Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
(iii) Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
Đây là các tiêu chí phản ánh đầy đủ giá trị lao động trí tuệ và mức độ đóng góp của luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
b) Về phương thức tính thù lao
Tại khoản 2 Điều 55 Luật Luật sư 2006 cũng quy định rõ về phương thức tính thù lao linh hoạt, tùy theo tính chất dịch vụ và sự thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng, cụ thể:
Thù lao được tính theo các phương thức sau đây:
(i) Giờ làm việc của luật sư;
(ii) Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;
(iii) Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;
(iv) Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.
c) Thù lao của Luật sư trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý
Tại Điều 56 Luật Luật sư 2006 quy định mức thù lao trong trường hợp này được xác định như sau:
(i) Mức thù lao được thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
Cụ thể, theo Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP, khi luật sư do khách hàng thuê trực tiếp để tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, mức thù lao không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở cho mỗi giờ làm việc.Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thỏa thuận.
(ii) Bên cạnh khoản thù lao chính, các chi phí phát sinh hợp lý khác như: Tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
d) Thù lao của Luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng
Tại Điều 57 Luật Luật sư 2006, Điều 19 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định: Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của Chính phủ, cụ thể:
– Đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
– Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm: (i) Thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; (ii) Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; (iii) Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu; (iv) Thời gian tham gia phiên tòa; (v) Thời gian hợp lý khác để thực hiện việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận.
Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa và các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư được thanh toán chi phí tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được đòi hỏi thêm bất cứ khoản tiền, lợi ích nào khác từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ.
2. Luật sư có được thỏa thuận mức thưởng nếu giúp khách hàng thắng kiện không?
Trong hoạt động hành nghề luật sư, việc xác lập thù lao là vấn đề pháp lý quan trọng, đòi hỏi phải được điều chỉnh một cách rõ ràng, minh bạch, có căn cứ pháp luật và tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp. Trên thực tế, nhiều khách hàng có nhu cầu đề xuất hoặc thỏa thuận với luật sư về mức “thưởng thêm” nếu kết quả giải quyết vụ việc có lợi cho họ, đặc biệt là trong các vụ án dân sự, kinh tế có yếu tố tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, cách thức “trao thưởng” dựa trên kết quả thắng kiện lại là hành vi bị cấm trong hoạt động hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sng 2012 quy định nghiêm cấm hành vi “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”.
Căn cứ Quy tắc 9.2 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc, quy định Luật sư không được “Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.”
Bên cạnh đó Quy tắc 8 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cũng quy định: “Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.”
Như vậy, khi hành nghề luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư phải lập thành hợp đồng dịch vụ pháp lý, trong hợp đồng pháp lý phải có nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có). Ngoài những khoản chi phí đã nêu trong hợp đồng ra thì luật sư không được phép yêu cầu, đòi hỏi các khoản chi phí hay thù lao khác.
3. Sau khi thắng kiện, khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư thì luật sư có được nhận không?
Một trong những vấn đề thực tiễn phát sinh khá phổ biến trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng là việc khách hàng mong muốn “thưởng thêm” cho luật sư sau khi thắng kiện hoặc đạt được kết quả như mong đợi. Đây là hành vi mang tính cảm ơn, thiện chí của khách hàng, nhưng cũng đặt ra câu hỏi pháp lý rằng: liệu luật sư có được phép nhận khoản thưởng này hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, luật sư không được thỏa thuận với khách hàng về bất kỳ khoản tiền hay lợi ích vật chất nào gắn với kết quả của vụ việc, chẳng hạn như “nếu thắng thì trả thêm” hoặc “nếu đạt được yêu cầu thì được thưởng thêm”. Đây là hành vi bị cấm theo điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), và bị coi là trái đạo đức nghề nghiệp theo Quy tắc 9.2 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng hoàn toàn tự nguyện thưởng cho luật sư sau khi vụ việc kết thúc, không có bất kỳ ràng buộc, điều kiện hoặc thỏa thuận trước đó trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, thì hành vi tặng thưởng này không bị coi là vi phạm pháp luật, và luật sư được quyền nhận mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý hay kỷ luật nghề nghiệp.
4. Hậu quả pháp lý nếu luật sư thỏa thuận hoặc nhận thưởng sai quy định?
Việc luật sư thỏa thuận hoặc nhận tiền thưởng từ khách hàng với điều kiện “nếu thắng kiện sẽ được thưởng thêm” không chỉ vi phạm quy định về đạo đức hành nghề mà còn trái với quy định của Luật Luật sư.
Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP: Luật sư có hành vi sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng. Ngoài ra, luật sư còn bị áp dụng biện pháp phạt bổ sung, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 – 9 tháng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số tiền mà luật sư đã nhận thưởng của khách hàng trước đó.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật luật sư quy định: Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 – 24 tháng;
d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …