16

Th7

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON (TRƯỜNG MẦM NON)

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội;

– Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội;

– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 15/2025/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội;

– Luật Thuế Giá trị gia tăng số 14/2024/QH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Quốc hộ;

– Nghị định số 181/2025/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng;

– Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định số 142/2025/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về phân cấp quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục;

– Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.[1]

Trong đó:

– Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;

– Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;

II. MÃ NGÀNH KINH DOANH

851: Giáo dục mầm non

Nhóm này gồm: Hoạt động giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng đến 6 tuổi.

8511- 85110: Giáo dục nhà trẻ

Nhóm này gồm: hoạt động giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi, chăm sóc giúp cho trẻ em phát triển về thể chất, nhận thức, tập trung vào các hoạt động tập thể và được thiết kế để cho trẻ em làm quen với môi trường kiểu trường học.

8512- 85120: Giáo dục mẫu giáo

Nhóm này gồm: hoạt động giáo dục trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi, giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Các hoạt động giáo dục này tập trung vào các hoạt động tập thể và được thiết kế để cho trẻ em làm quen với môi trường kiểu trường học.

III. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH TRƯỜNG MẦM NON

1. Về loại hình đăng ký kinh doanh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có điều khoản cụ thể nào quy định hoạt động trường mầm non phải thành lập doanh nghiệp hoặc không được phép đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh.

Do đó, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh hoạt động giáo dục mầm non có quyền lựa chọn thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, tùy thuộc vào quy mô, mục đích kinh doanh và nhu cầu thực tế của mình.

2. Về điều kiện kinh doanh

Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2020. Do đó cá nhân, tổ chức Kinh doanh Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật giáo dục và các quy định có liên qua như sau:

a. Điều kiện cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục:[2]

– Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.

– Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.

b. Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục[3]

1. Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em theo quy định.

2. Có chương trình giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục:

a) Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

Đối với trường hợp trường mầm non tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định tại điểm a khoản này;

b) Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định.

5. Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

c. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non[4]

1. Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học.

2. Phương pháp giáo dục mầm non được quy định như sau:

a) Giáo dục nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, tạo sự gắn bó giữa người lớn với trẻ em; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý;

b) Giáo dục mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em.

đ. Chương trình giáo dục mầm non[5]

1. Chương trình giáo dục mầm non phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non;

b) Quy định yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi, các hoạt động giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ em;

c) Thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục mầm non.

2. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập để thẩm định chương trình giáo dục mầm non. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở giáo dục mầm non. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục mầm non sau khi được thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non.

V. THỦ TỤC PHÁP LÝ LIÊN QUAN

1. Thủ tục cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục

Từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027, thẩm quyền cho phép thành lập trường mầm non quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 1 Phụ lục I kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP.[6]

2. Thủ tục cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục

Từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027, thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với trường mầm non quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 2 phụ lục I kèm theo Nghị định 142/2025/NĐ-CP.[7]

VI. THUẾ SUẤT

1. Đối với doanh nghiệp

a. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp = 20%[8]

Kể từ ngày 01/10/2025, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

– Thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng[9]

– Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng[10]

– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 50 tỷ đồng trở lên[11]

* Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:

Căn cứ theo Luật Đầu tư 2020, giáo dục mầm non thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư[12]

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2025: Xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo thuộc ngành nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp[13]

Thuế suất ưu đãi áp dụng: 10%[14]

b. Thuế suất thuế giá trị gia tăng: [15]

– Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

– Trường hợp các cơ sở dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.

2. Đối với Hộ kinh doanh

– Thuế suất Thu nhập cá nhân (TNCN): 2%

– Thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT): Không chịu thuế tương tự như doanh nghiệp

Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Xem chi tiết:

https://docs.google.com/document/d/1DcCexJdgqpoIWh4__is_tjH3H5QtsrGS/edit

VI. MỘT SỐ CHẾ TÀI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

* Vi phạm quy định về cho phép hoạt động giáo dục[16]

1. Phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

….

2. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được phép, đăng ký hoặc công nhận theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong quyết định cho phép hoạt động giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định cho phép hoạt động, quyết định công nhận hoạt động đối với tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

4. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cho phép hoạt động, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc chưa được công nhận hoạt động theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc dịch vụ giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu tang vật là quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký, quyết định cho phép hoạt động hoặc quyết định công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”

2. Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục[17]

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

b) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;

d) Sử dụng tên hoặc đặt trụ sở không đúng địa điểm theo quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;

đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

d) Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Không gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc văn bản có nội dung trái pháp luật hiện hành.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện công khai theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.”

VIII. CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

1. Công khai trong hoạt động giáo dục mầm non

a. Nội dung công khai

(i) Điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động giáo dục mầm non[18]

1. Thông tin về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên:

a) Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên chia theo vị trí việc làm và trình độ được đào tạo;

b) Số lượng, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn nghề nghiệp;

c) Số lượng, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hoàn thành bồi dưỡng hằng năm theo quy định.

2. Thông tin về cơ sở vật chất:

a) Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường, diện tích bình quân tối thiểu cho một trẻ em; đối sánh với yêu cầu tối thiểu theo quy định;

b) Số lượng, hạng mục thuộc các khối phòng hành chính quản trị; khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khối phòng tổ chức ăn (áp dụng cho các cơ sở giáo dục có tổ chức nấu ăn); khối phụ trợ; hạ tầng kỹ thuật; đối sánh với yêu cầu tối thiểu theo quy định;

c) Số lượng các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có; đối sánh với yêu cầu tối thiểu theo quy định;

d) Số lượng đồ chơi ngoài trời, một số thiết bị và điều kiện phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục khác.

3. Thông tin về kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục:

a) Kết quả tự đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá;

b) Kết quả đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục qua các mốc thời gian; kế hoạch và kết quả thực hiện cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài trong 05 năm tiếp theo và hằng năm.

4. Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài hoặc chương trình giáo dục tích hợp thực hiện công khai thêm các nội dung sau đây:

a) Tên chương trình, quốc gia cung cấp chương trình, thông tin chi tiết về đối tác thực hiện liên kết giáo dục để dạy chương trình giáo dục tích hợp;

b) Tên cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;

c) Ngôn ngữ thực hiện các hoạt động giáo dục.

(ii) Kế hoạch và kết quả hoạt động giáo dục mầm non[19]

Thông tin về kế hoạch hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục trong năm học:

a) Kế hoạch hoạt động tuyến sinh, trong đó quy định rõ đối tượng, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các mốc thời gian thực hiện tuyển sinh và các thông tin liên quan;

b) Kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;

c) Quy chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và xã hội;

d) Thực đơn hằng ngày của trẻ em;

đ) Các dịch vụ giáo dục mầm non theo quy định (nếu có).

Thông tin về kết quả thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của năm học trước:

a) Tổng số trẻ em; tổng số nhóm, lớp; số trẻ em tính bình quân/nhóm, lớp (hoặc nhóm, lớp ghép);

b) Số trẻ em học nhóm, lớp ghép (nếu có);

c) Số trẻ em học 02 buổi/ngày;

d) Số trẻ em được tổ chức ăn bán trú;

đ) Số trẻ em được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng và kiểm tra sức khỏe định kỳ;

e) Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi;

g) Số trẻ em khuyết tật.

Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài hoặc chương trình giáo dục tích hợp thực hiện công khai thêm nội dung: số lượng trẻ em đang học (chia theo số lượng trẻ em là người Việt Nam và số lượng trẻ em là người nước ngoài).

2. Cách thức công khai[20]

1. Cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử thực hiện niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục như sau:

a) Các nội dung công khai đối với các hoạt động giáo dục mầm non nêu trên tính đến tháng 6 hằng năm;

b) Báo cáo thường niên đế công khai cho các bên liên quan tổng quan về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục tính đến ngày 31 tháng 12 hằng năm theo định dạng file PDF với các nội dung tối thiểu theo quy định tại các phụ lục kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT:

– Phụ lục I: Mẫu báo cáo thường niên của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên;

– Phụ lục II: Mẫu báo cáo thường niên của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục đại học và chương trình giáo dục ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.

c) Nơi niêm yết công khai phải bảo đảm thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, viên chức, người lao động, người học, gia đình và các cá nhân liên quan tiếp cận thông tin. Trường hợp có nhiều tài liệu cần niêm yết, cơ sở giáo dục có thể niêm yết thông báo tóm tắt các nội dung công khai, kèm theo chỉ dẫn nguồn tài liệu, bảo đảm thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin.

2. Phổ biến hoặc phát tài liệu về nội dung công khai vào đầu khóa học, năm học mới:

a) Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện phổ biến các nội dung công khai tại cuộc họp cha mẹ trẻ em, học sinh hoặc phát tài liệu về nội dung công khai cho cha mẹ trẻ em, học sinh vào tháng đầu tiên của năm học mới;

b) Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục đại học, chương trình ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, trường dự bị đại học thực hiện phổ biến các nội dung công khai hoặc phát tài liệu về nội dung công khai cho người học vào tháng đầu tiên của khóa học, năm học mới.

Các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

3. Thời gian công khai[21]

1. Thời điểm công khai của các cơ sở giáo dục như sau:

a) Công bố công khai các nội dung theo quy định tại điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 14 của Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT trước ngày 30 tháng 6 hằng năm. Trường hợp nội dung công khai có thay đổi hoặc đến ngày 30 tháng 6 hằng năm chưa có thông tin do nguyên nhân khách quan hoặc do quy định khác của pháp luật thì phải được cập nhật, bổ sung chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi thông tin hoặc từ ngày có thông tin chính thức;

2. Đối với giáo dục mầm non, phải thực hiện công khai thêm trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở giáo dục (đối với cơ sở giáo dục chưa có cổng thông tin điện tử) các thông tin: kế hoạch giáo dục tháng, trước ngày 25 của tháng trước; kế hoạch giáo dục tuần, ngày và dự kiến thực đơn hàng ngày/tuần của trẻ em trước ngày thứ Bảy của tuần trước; đối với giáo dục phổ thông phải thực hiện công khai thêm trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục về dự kiến thực đơn hàng ngày/tuần của học sinh (nếu có) trước ngày thứ Bảy của tuần trước.

b) Công bố báo cáo thường niên của năm trước liền kề theo quy định tại điểm b, khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 14 của Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT trước ngày 30 tháng 6 hàng năm. Đối với số liệu liên quan đến báo cáo tài chính năm trước thì cập nhật tính đến hết thời gian quyết toán của cơ quan có thẩm quyền.

3. Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử tối thiểu là 05 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai (đối với cơ sở giáo dục mầm non; trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ tài liệu công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 05 năm kể từ ngày niêm yết).

4. Ngoài việc thực hiện công khai theo quy định tại khoản 1, 2 của nêu trên, các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

 

Chi tiết cơ sở pháp lý:

[1] Điều 26 Luật Giáo dục 2019;

[2] Điều 3 Nghị định 125/2024/NĐ-CP;

[3] Điều 5 Nghị định 125/2024/NĐ-CP;

[4] Điều 24 Luật giáo dục 2019;

[5] Điều 25 Luật giáo dục 2019;

[6] Nghị định 142/2025/NĐ-CP;

[7] Nghị định 142/2025/NĐ-CP

[8] Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP; Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC;

[9] Khoản 2 Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2025;

[10] Khoản 3 Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2025;

[11] Khoản 1 Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2025;

[12] Điểm I khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;

[13] Điểm r khoản 2 Điều 12 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2025;

[14] Điểm b khoản 2 Điều 12 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2025;

[15] Khoản 13 Điều 5 Luật thuế GTGT 2024; Khoản 7 Điều 4 Nghị định 181/NĐ-CP;

[16] Điều 6 Nghị định 04/2021/NĐ-CP;

[17] Điều 7 Nghị định 04/2021/NĐ-CP;

[18] Điều 6 Thông tu 09/2024/TT-BGDĐT;

[19] Điều 7 Thông tư 09/2024/TTBGDĐT;

[20] Điều 14 Thông tu 09/2024/TT-BGDĐT;

[21]Điều 15 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT;

 

Lưu ý:

Các nội dung trình bày tại bài viết này được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm công bố. Tuy nhiên, quy định pháp luật có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo thời gian. Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác và cập nhật, Luật 3S khuyến nghị Quý khách hàng tham khảo tài liệu hướng dẫn chi tiết được cập nhật thường xuyên dưới đây:

Điều kiện kinh doanh ngành giáo dục mầm non (trường mầm non)

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Emailinfo.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan