08

Th5

ÁP DỤNG TẬP QUÁN TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ

Trong giải quyết các vụ việc dân sự, ngoài việc áp dụng quy định của Bộ luật dân sự, án lệ thì Tập quán pháp cũng được cơ quan có thẩm quyền áp dụng vào để giải quyết vụ việc dân sự. Vậy tập quán là gì? Nguyên tắc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây!

 

1. Tập quán là gì?

Tập quán theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Ngoài ra, Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP cũng có định nghĩa về tập quán là thói quen hình thành nếp sống trong xã hội, sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng nơi đó thừa nhận cũng như coi là quy ước chung của cộng đồng để thực hiện theo.

Như vậy có thể hiểu tập quán quy ước chung được hình thành tự nhiên, lặp đi lặp lại nhiều lần, trở thành thói quen được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Tập quán mang tính đa dạng bắt nguồn từ hoạt động sống của con người, gắn liền với mỗi cộng đồng dân cư. Tập quán cũng mang tính linh hoạt và có thể thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của xã hội.

2. Nguyên tắc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự

Việc áp dụng tập quán được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tập quán của địa phương hoặc tập quán của một dân tộc để giải quyết các tranh chấp phát sinh tại địa phương hoặc dân tộc theo cách ứng xử của tập quán đó nếu trong pháp luật dân sự chưa có sẵn quy phạm để áp dụng trực tiếp. Việc áp dụng tập quán phải đáp ứng các điều kiện sau:

Một là quan hệ phát sinh phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.

Hai là, tập quán không vi phạm điều cấm của luật, không được trái đạo đức xã hội và không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự gồm:

– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Ba là, chỉ áp dụng tập quán khi các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định.

Theo đó, khi giải quyết các vụ việc dân sự, các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ này sẽ được ưu tiên áp dụng giải quyết. Ngoài ra, sự thỏa thuận của các bên cũng được pháp luật ghi nhận dựa trên nguyên tác không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Nếu các bên không có thỏa thuận và cũng không có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này thì các bên được quyền áp dụng tập quán nhưng phải đảm bảo tập quán không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

3. Quy định về áp dụng tập quán trong Bộ luật dân sự 2015

Quy định về áp dụng tập quán pháp đã được đề cập cụ thể vào một số điều luật của bộ luật dân sự 2015 làm cơ sở giải quyết cho cơ quan có thẩm quyền như sau:

[1] Áp dụng tập quán trong việc xác định họ cho con theo Điều 26 BLDS 2015, cụ thể:

“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.”

[2] Áp dụng tập quán trong việc xác định dân tộc theo Điều 29 BLDS 2015, cụ thể:

“2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.”

[3] Áp dụng tập quán để giải thích giao dịch dân sự theo Điều 121 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này thì việc giải thích giao dịch dân sự đó được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;

b) Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;

c) Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.”

[4] Áp dụng tập quán để xác định ranh giới giữa các bất động sản theo Điều 175 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.”

[5] Áp dụng tập quán để xác lập quyền sở hữu chung theo Điều 208, Điều 211 BLDS 2015, cụ thể:

“Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.”

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

[6] Áp dụng tập quán trong xác định nghĩa vụ của người hưởng dụng theo Điều 262 BLDS 2015, cụ thể:

“4. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.”

[7] Áp dụng tập quán để giải thích hợp đồng theo Điều 404 BLDS 2015, cụ thể:

“3. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.”

[8] Áp dụng tập quán để xác định giá và phương thức thanh toán theo Điều 433 BLDS 2015, cụ thể:

“2. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.”

[9] Áp dụng tập quán để xác định thời hạn dùng thử theo Điều 452 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thoả thuận trước khi nhận vật dùng thử.

Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại.”

[10] Áp dụng tập quán trong các giao dịch về Hụi, họ, biêu, phường theo Điều 471 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.”

[11] Áp dụng tập quán trong việc xác định nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê theo Điều 452 BLDS 2015, cụ thể:

“Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thoả thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.”

[12] Áp dụng tập quán để xác định thời hạn trả tiền thuê theo Điều 481 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.”

[13] Áp dụng tập quán để xác định Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo Điều 603 BLDS 2015, cụ thể:

“4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

[14] Áp dụng tập quán để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong việc phân chia di sản theo Điều 658 BLDS 2015, cụ thể:

“ Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

Chi phí cho việc bảo quản di sản;

Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

….

Các chi phí khác.”

[15] Áp dụng tập quán quốc tế  đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Điều 666 BLDS 2015, cụ thể:

“Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan