22

Th9

BỊ HẠI CÓ ĐƯỢC TỪ CHỐI GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TÍCH HAY KHÔNG?

Giám định thương tích trong tố tụng hình sự là một trong những căn cứ cho việc khởi tố vụ án hình sự, liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan có thẩm quyền. Vậy Bị hại trong các vụ, việc hình sự có quyền từ chối giám định thương tích không? Trường hợp bị hại không hợp tác với Cơ quan điều tra, từ chối giám định thì bị xử lý như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định

Căn cứ theo khoản 1 Điều 205 BLTTHS 2015 quy định:

“Điều 205. Trưng cầu giám định

1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.”

Theo đó, Điều 206 BLTTHS 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định bao gồm:

“Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

3. Nguyên nhân chết người;

4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;

6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”

Như vậy, việc giám định thương tật nhằm xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động trong vụ án hình sự thuộc một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng (Bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) là cơ quan có thẩm ra quyết định trưng cầu giám định.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 205 BLTTHS 2015, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

2. Bị hại có quyền từ chối giám định thương tích hay không?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bị hại:

“Điều 62. Bị hại

….

4. Bị hại có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

….”

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Điều 127. Áp giải, dẫn giải

…..

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

….

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

…..”

Như vậy, theo quy định nêu trên, bị hại có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong đó bao gồm cả chấp hành theo quyết định trưng cầu giám định thương tích của bị hại. Nếu bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì sẽ bị dẫn giải.

Áp dụng dẫn giải đối với người từ chối giám định thương tích

Do người bị hại từ chối việc giám định mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan,  thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015, Cơ quan điều tra có quyền ban hành quyết định dẫn giải người bị hại. Tuy nhiên cần lưu ý, việc áp dụng dẫn giải không được tiến hành vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế theo quy định tại khoản 6 Điều 127 BLTTHS 2015.

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Quyết định 1502/2008/QĐ-BCA(C11) của Bộ Công an về việc ban hành Quy trình bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự quy định:

*Trường hợp người bị dẫn giải có hành vi chống đối:

a) Giải thích quy định của pháp luật về dẫn giải và yêu cầu người có hành vi chống đối chấp hành quyết định;

b) Nếu người bị dẫn giải cố tình chống đối thì khống chế, vô hiệu hóa hành vi chống đối.

* Trường hợp thân nhân người bị áp giải có hành vi cản trở, hành hung, chống người thi hành công vụ nhằm giải thoát cho đối tượng.

a) Giải thích, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng để cô lập người cầm đầu, quá khích; giải tán đám đông (nếu có);

b) Trường hợp đã được giải thích mà vẫn còn hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn thì yêu cầu Công an địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ;

c) Vụ việc diễn biến phức tạp phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị để tăng cường lực lượng giải quyết. Chủ động bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia bắt, áp giải; ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi vi phạm, lập biên bản và giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Trường hợp Người bị dẫn giải không có mặt ở nơi cư trú, làm việc thì người chỉ huy việc thi hành quyết định dẫn giải phải lập biên bản, lấy lời khai của thân nhân họ để xác định có phải đối tượng đã bỏ trốn hay không.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan