16

Th5

Bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông

Trong những năm qua, tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta diễn ra rất nghiêm trọng, trở thành một vấn đề xã hội rất lớn. Với số lượng các vụ tai nạn giao thông mỗi ngày đều cao, thì bên cạnh trách nhiệm về hình sự, người gây tai nạn còn phải bồi thường dân sự về thiệt hại tài sản, tính mạng, sức khỏe cho người bị thiệt hại. Bài viết sau đây sẽ phân tích các quy định xoay quanh việc bồi thường thiệt hại trong các vụ án tai nạn giao thông.

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

– Luật giao thông đường bộ 2008.

 

II. CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TRONG VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Có thể thấy, khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông, thường sẽ có một bên chủ thể gây thiệt hại cho bên còn lại, hoặc cả hai bên gây thiệt hại cho nhau. Về nguyên tắc, người gây thiệt hại trong vụ án giao thông phải bù đắp các tổn thất về tài sản, sức khoẻ, tính mạng và bù đắp một phần tinh thần cho người bị thiệt hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại đặt ra trong cả vụ án hình sự (thường là các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), hoặc các vụ án dân sự mà các bên không thống nhất được trách nhiệm bồi thường phát sinh từ vụ tai nạn giao thông.

Trách nhiệm BTTH trong các vụ án giao thông mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, bao gồm:

(i) Phát sinh giữa những người chưa từng có quan hệ hợp đồng, hoặc không liên quan đến quan hệ hợp đồng;

(ii) Là trách nhiệm tài sản;

(iii) Không phụ thuộc vào yếu tố lỗi;

(iv) Người chịu trách nhiệm bồi thường có thể không phải là người gây thiệt hại;

(v) Nhằm khắc phục tổn thất cho người bị thiệt hại.

Điều kiện để phát sinh trách nhiệm BTTH trong các vụ án giao thông gồm:

(i) Có thiệt hại thực tế xảy ra;

Thiệt hại là một trong các yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại về sức khỏe, về vật chất về tinh thần, cụ thể:

+ Thiệt hại về tài sản được hiểu là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ, thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.

+ Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

(ii) Có hành vi trái pháp luật giao thông hoặc hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản khi tham gia giao thông;

Hành vi trái pháp luật hiểu dễ là những hành vi làm trái với quy định của pháp luật. Ví dụ như: pháp luật cấm người tham gia giao thông vượt đèn đó, nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, không được vượt quá tốc độ cho phép, đi đúng làn đường theo quy định.

Theo đó nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt đèn đỏ và gây ra tai nạn giao thông thì hành vi này được coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi trái pháp luật giao thông hoặc hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản khi tham gia giao thông.

Điều này được hiểu rằng, hậu quả và thiệt hại sảy ra trên thực tế phải bắt nguồn từ hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy để xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án tai nạn giao thông thì cần phải xác định được các yếu tố như trên.

2. Căn cứ phát sinh BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Ngoài căn cứ phát sinh BTTH ngoài hợp đồng nêu trên thì trong các vụ án giao thông còn mang một đặc điểm riêng biệt, cụ thể là thiệt hại trong các vụ án giao thông thường liên quan tới nguồn nguy hiểm cao độ.

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Cụ thể phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự (Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008).

Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể như sau:

– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

– Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

– Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, theo quy định trên, nếu phương tiện giao thông do chủ sở hữu trực tiếp sử dụng gây thiệt hại cho người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết. Nếu chủ sở hữu đã giao phương tiện giao thông cho người khác chiếm hữu, sử dụng mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu không phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận.

3. Phân biệt trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng thông thường và trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt. Bởi lẽ, thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà là do hoạt động của những sự vật, khi mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường.

Việc áp dụng quy định về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải xác định thiệt hại đó là do tự thân nguồi nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ? Theo đó, chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi có đủ hai yếu tố sau:

(1) Phải có sự hiện diện của một loại nguồn nguy hiểm cao độ, tức là tài sản gây thiệt hại phải là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015;

(2) Thiệt hại phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ví dụ xe ô tô đang di chuyển thì bị nổ lốp gây thiệt hại, xe ô tô đang xuống dốc thì đứt phanh dẫn đến tai nạn…).

Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người hoặc cũng có thể có một phần lỗi vô ý của người quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại.

Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này. Tức, nếu tai nạn giao thông được gây ra bởi lỗi của người sử dụng phương tiện giao thông (ví dụ: do láy xe khi say rượu, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu…) thì nên xác định đây là trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Bởi lẽ, trong thực tiễn giải quyết các vụ, việc dân sự về BTTH ngoài hợp đồng, thông thường sẽ dựa trên lỗi của người gây ra thiệt hại.

Việc làm rõ giữa trách nhiệm BTTH này rất quan trọng, vì nó là căn cứ để áp dụng các quy định có liên quan như: Xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường, căn cứ loại trừ trách nhiệm….. Có thể thấy, trong khi trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu hay người sử dụng nguồn nguy hiểm không có lỗi (trừ trường hợp hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết), còn đối với BTTH ngoài hợp đồng thông thường thì trách nhiệm bồi thường sẽ phát sinh khi có hành vi của con người mà gây ra các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người khác (trừ trường hợp thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại). Vì vậy, nếu xác định và áp dụng chưa đúng quy định về nguồn nguy hiểm cao độ nên sẽ gây sai lầm trong việc áp dụng các quy định liên quan.

 

III. CÁC KHOẢN BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG.

Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì chủ thể có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường cho chủ thể bị thiệt hại theo pháp luật đối với các thiệt hại:

1.Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

– Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

(Điều 589 BLDS 2015)

2. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

– Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

– Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(Điều 590 BLDS 2015)

3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

– Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(Điều 591 BLDS 2015)

 

IV. NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

(Điều 585 BLDS 2015)

 

V. THỜI HẠN HƯỞNG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ BỊ XÂM PHẠM

Thông thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường được thực hiện một lần cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, với những trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể kéo dài trong một quãng thời gian nhất định. Cụ thể, Điều 593 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm như sau:

1. Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:

+ Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

+ Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

3. Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.

 

VI. MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG.

Bồi thường thiệt hại trong các vụ án giao thông bản chất là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó sẽ có một số vướng mắc pháp lý chung đặt ra với việc thực hiện các quy định về vấn đề này. Cụ thể:

1. Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức bồi thường tổn thất tinh thần.

Trong khi thiệt hại vật chất là yếu tố khách quan có thể dễ dàng nhận biết và đo lường thì thiệt hại về tinh thần lại thiên về mặt chủ quan, trừu tượng, rất khó xác định và quy đổi thành giá trị kinh tế.

Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Việc chỉ đưa ra mức trần sẽ dẫn đến sự lúng túng, không thống nhất khi xét xử của Tòa án trong việc xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường tương xứng. Mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là vấn đề khó xác định, chúng ta không thể đưa ra các tiêu chí chung, đối tượng bị thiệt hại hoặc loại bị thiệt hại cho mọi trường hợp, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định. Do đó, khi xác định mức độ tổn thất tinh thần, trên thực tế mỗi Thẩm phán, mỗi Tòa án đánh giá một khác nên dẫn đến tùy nghi khi áp dụng mức bồi thường tổn thất tinh thần; có Tòa án quyết định mức bồi thường về tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm thấp hơn cả tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, có sự bất cân xứng giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 cũng như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở, còn Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Trong một vụ tai nạn giao thông có cả cá nhân, tổ chức dân sự và cả nhà nước cùng có trách nhiệm liên đới thì việc xác định mức thiệt hại và phân bổ trách nhiệm bồi thường sẽ khó khăn. Mặt khác, đối với các vụ án mà có một bên là cơ quan Nhà nước thì phía cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thường yêu cầu áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để được hưởng mức bồi thường lớn tuy nhiên lại gây lúng túng cho Tòa án trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng.

2. Xác định lỗi của bị hại, người bị thiệt hại trong vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi

Điều 585 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”; “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;”

Như vậy, đối với các vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại, người bị thiệt hại để xác định mức bị cáo, người gây thiệt hại phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi. Nhưng trên thực tế việc xác định mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi của Tòa án chưa thật chính xác, còn tùy nghi trong việc vận dụng.

Ngoài ra, đối với vấn đề người bị thiệt hại cũng có lỗi dẫn đến người thứ ba bị thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra thì ai là người phải có trách nhiệm bồi thường, xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của các bên như thế nào, thì pháp luật vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn rõ điều này.

3. Chưa có hướng dẫn cụ thể về các chi phí hợp lý mai táng.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015 thì người bị thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm còn được bồi thường “Chi phí hợp lý cho việc mai táng”.

Vấn đề bồi thường thiệt hại khi người tham gia giao thông chết tuân thủ theo quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại. Theo đó, người gây ra thiệt hại phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng. Tuy nhiên, mai táng lại là một vấn đề phức tạp, tuỳ thuộc vào phong tục của từng vùng miền. Có Toà án khi xét xử chấp nhận một số chi phí cúng tế, kèn đồng … nhưng cũng có Toà án không chấp nhận chi phí này, mà chỉ chấp nhận các chi phí như: mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, và các khoản chi phí phục vụ cho việc chôn cất, xây mộ,…dẫn việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn rõ điều này, để việc áp dụng pháp luật trở nên thống nhất.

Những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông về bản chất chính là các vướng mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung. Do đó, cần sớm có những sửa đổi, hướng dẫn cụ thể về vấn đề nêu trên, để việc thực hiện các quy định bồi thường cho người bị thiệt hại trong các vụ án giao thông được thống nhất, hoàn thiện và chính xác hơn.

 

Nguồn: Tạp chí Tòa án

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan