BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NHÀ CỬA, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GÂY RA
Nhà cửa, công trình xây dựng là bất động sản, bản thân tài sản không thể tự gây ra thiệt hại cho xung quanh, mà thiệt hại xảy ra là do có sự tác động của con người. Vì vậy, pháp luật quy định thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra phải có chủ thể chịu trách nhiệm. Cụ thể, Điều 605 Bộ luật dân sự quy định:
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên có thể thấy:
1. Về Chủ thể bồi thường thiệt hại
Trường hợp khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại, người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng, trong đó:
(i) Chủ sở hữu: Là người có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình. Chủ sở hữu có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, nên đồng thời khi tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu không dựa vào việc chủ sở hữu có lỗi hay không trong việc quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác. Mà trách nhiệm dựa vào việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích từ tài sản. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu mặc dù không trực tiếp sử dụng, chiếm hữu tài sản nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như: chủ sở hữu giao tài sản cho người khác chiếm hữu, sử dụng vì lợi ích của mình; cho thuê và thỏa thuận về việc chủ sở hữu chịu trách nhiệm với thiệt hại mà nhà cửa, công trình xây dựng cho thuê gây ra;…
(ii) Người chiếm hữu nhà cửa, công trình xây dựng: Là người được chủ sở hữu chuyển giao quyền thông qua một giao dịch dân sự, hoặc được trao cho thông qua quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,…Cũng như chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp họ có lỗi hay không trong việc nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác. Người chiếm hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra kể cả có lỗi hoặc không. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữ họ và chủ sở hữu.
(iii) Người quản lý nhà cửa, công trình xây dựng: Là người được chủ sở hữu hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trao cho quyền quản lý, bảo quản nhà cửa, công trình xây dựng đó. Người quản lý khi được trao quyền quản lý tài sản thì phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, bao gồm: kiểm tra thường xuyên tình trạng của tài sản, khắc phục hư hỏng nếu có, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn,…Do đó, họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng mình đang quản lý gay ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người quản lý gắn liền với nghĩa vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn cho đối tượng mình đang quản lý.
(iv) Người thi công nhà cửa công trình xây dựng: Trong trường hợp này, mặc dù thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công tuy nhiên họ không phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ, mà chỉ liên đới với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người quản lý để thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại. Bản chất công việc mà người thi công thực hiện là nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích cho chính chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hoặc người quản lý chỉ đạo, giám sát việc thi công nhà cửa, công trình xây dựng đó. Nên khi nhà cửa, công trình gây thiệt hại nếu lỗi của người thi công, thì người thi công phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng với chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người quản lý. Mức bồi thường của người thi công phụ thuộc vào mức độ lỗi và thỏa thuận với chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người quản lý.
2. Về căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra
Để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng thì cần đáp ứng các điều kiện:
Một là, có thiệt hại thực tế xảy ra
Thiệt hại do nhà của, công trình xây dựng gây ra có thể về tài sản, về tính mạng, về sức khỏe của người khác hoặc liên quan cả về tài sản, tính mạng, sức khỏe của một người. . Nguyên tắc xác định thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra cũng tương tự như việc xác định những thiệt hại do tài sản khác gây ra; theo đó, việc xác định thiệt hại phải khách quan và thực tế, tính toán được và không được suy đoán
Hai là, có sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại
Điều này có nghĩa nhà cửa, công trình xây dựng khác do tự thân chúng sập đổ và gây thiệt hại, không có sự tác động bởi hành vi có lỗi của con người thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Nếu hành vi của con người cho dù là cố ý hoặc vô ý để cho nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thuộc trách nhiệm do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, mà do hành vi có lỗi của con người gây ra.
Việc phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra với hành vi gây thiệt hại do con người gây ra thật sự cần thiết. Bởi với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng thì không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng. Còn đối với hành vi gây thiệt hại do con người gây ra thì đây là do hành vi trái luật gây ra từ đó có thể xác định có trách nhiệm hình sự hay không có trách nhiệm hình sự. Hành vi cố ý hoặc vô ý lợi dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác với mục đích gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì người có hành vi trái pháp luật có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và bản thân nhà cửa, công trình xây dựng khác
Điều này được hiểu là thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại và ngược lại sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Ngoài ra, đối với trường hợp xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới của người thi công thì cần chứng minh các yếu tố lỗi của người thi công.
Trong trường hợp này cần làm rõ: thiệt hại xảy ra là do sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng hay do hành vi trái pháp luật có lỗi của người thi công hoặc cả hai. Bên cạnh đó, cần phải xem xét yếu tố lỗi của người thi công là lỗi hoàn toàn hay có lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hoặc của một bên thứ ba khác để xác định trách nhiệm bồi thường liên đới.
3. Về nguyên tắc bồi thường
Việc bồi thường thiệt hại do nhà ở, công trình xây dựng gây ra đều áp dụng theo nguyên tắc chung của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585, cụ thể:
a) Đối với các thiệt hại trên thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
b) Các chủ thể là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
c) Khi mức bồi thường đã không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường để mức bồi thường phù hợp với thực tế.
d) Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
e) Bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính bản thân mình.
4. Về mức bồi thường thiệt hại
* Nếu tài sản gây ra thiệt hại về tài sản cho người thì Người chịu trách nhiệm bồi thường phải đền bù những khoản sau đây:
– Giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoặc bị hư hỏng
– Giá trị phần lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút do hành vi gây thiệt hại
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại
– Một số thiệt hại khác được pháp luật quy định riêng (nếu có)
(Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015)
* Nếu tài sản gây thiệt hại cho sức khỏe, thì Người chịu trách nhiệm bồi thường phải đền bù những khoản sau đây:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hoặc mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị
– Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc
– Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu theo thỏa thuận hoặc không quá năm mươi lần mức lương cơ sở
– Một số thiệt hại khác được pháp luật quy định riêng (nếu có).
(Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015)
* Nếu tài sản gây thiệt hại cho tính mạng người khác, thì Người chịu trách nhiệm bồi thường phải đền bù những khoản sau đây:
– Tất cả chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như trên phần 2.2 bài viết
– Chi phí hợp lý do việc mai táng
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (VD: con chưa thành niên của người bị chết)
– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại theo thỏa thuận hoặc không quá 100 lần mức lương cơ sở. Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này
– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).
(Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015)
5. Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường
Các trường hợp loại trừ trách nhiệm không được quy định tại Điều 605 mà được quy định chung trong Điều 584 cho tất cả các trách nhiệm. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp: “thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” (khoản 2 Điều 584).
Tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Do đó, để áp dụng miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại phải chứng minh được đầy đủ các yếu tố sau:
(i) Xảy ra một cách khách quan;
(ii) Không thể lường trước được;
(iii) Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
Tương tự, nếu muốn áp dụng miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của bên bị thiệt hại thì chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại này phát sinh do lỗi của bên bị thiệt hại. Lưu ý là lỗi này phải là lỗi hoàn toàn. Trường hợp cả chủ thể có trách nhiệm bồi thường và bên bị thiệt hại đều có lỗi thì bên có trách nhiệm bồi thường không phải bồi thường phần thiệt hại phát sinh từ hành vi lỗi của bên bị thiệt hại.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …