17

Th3

CÁ NHÂN KINH DOANH NGÀNH NGHỀ NÀO KHÔNG PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH        

Trong nền kinh tế thị trường năng động, nhiều cá nhân tham gia kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ mà không biết liệu hoạt động của mình có thuộc diện phải đăng ký kinh doanh hay không. Việc nắm rõ những ngành nghề được miễn đăng ký không chỉ giúp cá nhân tuân thủ đúng quy định pháp luật, mà còn tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có. Bài viết này sẽ cung cấp góc nhìn chi tiết về các đối tượng không cần đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành, giúp bạn kinh doanh hợp pháp và an toàn. Mời các bạn cùng theo dõi.

1. Các đối tượng miễn đăng ký kinh doanh theo quy định

Theo quy định hiện hành, một cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tự mình hoặc tham gia cùng các cá nhân khác tổ chức các mô hình kinh doanh theo một trong các hình thức sau: doanh nghiệp (được thành lập theo Luật Doanh nghiệp); các loại hình kinh doanh (được thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành); tổ hợp tác; hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã (được thành lập theo Luật Hợp tác xã); hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động kinh doanh đều cần đăng ký. Một số trường hợp cá nhân kinh doanh được miễn đăng ký kinh doanh, nghĩa là không cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn có thể hoạt động hợp pháp, cụ thể:

Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, ngày 16/3/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách động lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, thì cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại, bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau:

(a) Buôn bán rong (buôn bán dạo)

Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.

Ví dụ: Một người bán bánh mì dạo với xe đẩy trên đường phố không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, nếu người đó mở tiệm bánh mì cố định với biển hiệu và thuê nhân viên, thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

(b) Buôn bán vặt

Là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định. Các mặt hàng thường gặp gồm: tăm, kẹo, đồ chơi nhỏ lẻ, quần áo giá rẻ, vật dụng cá nhân.

Ví dụ: Một người đứng ở vỉa hè bán khẩu trang, kính râm hoặc đồ chơi trẻ em vào mùa du lịch mà không có sạp hàng cố định sẽ không phải đăng ký kinh doanh. Nhưng nếu thuê ki-ốt hoặc mặt bằng để bán những mặt hàng này thường xuyên, thì cần đăng ký kinh doanh.

(c) Bán quà vặt

Là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

Ví dụ: Một người bán trà đá, cà phê dạo trên vỉa hè, chỉ sử dụng xe đẩy hoặc bàn ghế di động, không cần đăng ký kinh doanh. Nhưng nếu mở quán nước với bảng hiệu và nhân viên phục vụ, thì phải đăng ký hộ kinh doanh.

(d) Buôn chuyến

Là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.

Ví dụ: Một cá nhân mua rau củ từ Đà Lạt rồi mang về TP.HCM bán lại cho các tiểu thương chợ đầu mối theo từng đợt, không có kho hàng hoặc cửa hàng cố định, không cần đăng ký kinh doanh. Nhưng nếu người này mở một kho hàng và phân phối thường xuyên, thì phải đăng ký kinh doanh.

(đ) Cung cấp dịch vụ đơn giản, quy mô nhỏ

bao gồm các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.

Ví dụ: Một người đánh giày trên đường phố, di chuyển linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng, không cần đăng ký kinh doanh. Nhưng nếu mở tiệm sửa giày có bảng hiệu và nhân viên, thì phải đăng ký kinh doanh.

(e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Ngoài các trường hợp trên, khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định các đối tượng không cần đăng ký Hộ kinh doanh, gồm:

– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối

– Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, do Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm đã bổ sung thêm đối tượng không cần phải đăng ký kinh doanh là những người kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu cá nhân kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (ví dụ như: Kinh doanh thuốc lá, thực phẩm chế biến, đồ uống có cồn…, thì vẫn phải đăng ký kinh doanh ngay cả khi hoạt động ở quy mô nhỏ.

2. Nghĩa vụ thuế của cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh

Mặc dù thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh nhưng các đối tượng này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, cụ thể, các loại thuế, lệ phí mà cá nhân kinh doanh phải nộp bao gồm:

(a) Lệ phí môn bài

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, chỉ cần cá nhân có hoạt động kinh doanh thì phải nộp lệ phí môn bài. Nhưng cũng có một số trường hợp cá nhân kinh doanh được miễn lệ phí môn bài, cụ thể:

– Cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

– Cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

– Cá nhân sản xuất muối.

– Cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

(b) Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng

(2) Thuế TNCN và thuế GTGT:

Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 18 Luật Thuế GTGT 2024, từ ngày 01/01/2026, ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT sẽ được điều chỉnh. Cụ thể: Cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế GTGT. Nghĩa là, từ năm 2026, cá nhân có doanh thu từ 100 – 200 triệu đồng/năm vẫn có thể phải nộp thuế TNCN nhưng không phải nộp thuế GTGT.

Xem thêm: Chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh

3. Mức xử phạt đối với hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp bắt buộc theo quy định pháp luật sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp nhưng không đăng ký thành lập theo quy định, sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

4. Kết luận

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về các trường hợp không bắt buộc đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những cá nhân có hoạt động thương mại quy mô nhỏ, mang tính chất tự phát. Mặc dù không bắt buộc đăng ký kinh doanh nhưng cá nhân kinh doanh cũng cần lưu ý về nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, tránh trường hợp bị xử phạt do không kê khai hoặc nộp thuế đúng quy định.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan