CÁC HÌNH THỨC ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế, chính sách mở cửa và môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, để đầu tư thành công, các nhà đầu tư cần hiểu rõ những hình thức đầu tư hợp pháp và phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành, qua đó giúp nhà đầu tư nắm rõ các lựa chọn và lưu ý khi thực hiện đầu tư.
1. Các hình thức đầu tư tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020, sẽ có 05 hình thức để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cụ thể:
(a) Thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập tổ chức kinh tế như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
(i) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
(ii) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện
Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện riêng theo từng ngành nghề trong Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Chính phủ gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(iii) Các nhóm ngành còn lại không thuộc hai nhóm trên: Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
(b) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp
Hình thức này cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp vào các tổ chức kinh tế đã có sẵn tại Việt Nam. Nhà đầu tư có thể góp vốn hoặc mua lại phần vốn góp từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh. Đây là cách nhanh chóng để nhà đầu tư tiếp cận thị trường mà không phải xây dựng cơ sở kinh doanh từ đầu.
Về điều kiện thực hiện
Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư;
b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp vào các tổ chức kinh tế đã có sẵn tại Việt Nam. Hình thức này cho phép nhà đầu tư nhanh chóng tham gia thị trường mà không cần tự mình xây dựng cơ sở kinh doanh từ đầu.
Về hình thức thực hiện:
(i) Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế.
(ii) Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
(c) Thực hiện dự án đầu tư
Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2020.
Theo đó, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó:
– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.
– Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp nêu trên thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
(d) Đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC không yêu cầu thành lập pháp nhân mới, mà dựa trên sự hợp tác giữa các bên để thực hiện một dự án kinh doanh cụ thể. Hình thức này linh hoạt và phù hợp với các dự án cần sự kết hợp thế mạnh của các bên.
Ví dụ, một nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với một công ty Việt Nam để xây dựng một dự án năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng BCC, trong đó mỗi bên chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm theo tỷ lệ góp vốn.
(đ) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
Chính phủ Việt Nam không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các hình thức đầu tư và loại hình tổ chức kinh tế mới liên tục được bổ sung để phù hợp với xu thế toàn cầu và nhu cầu nội tại.
2. Kết luận
Việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp là yếu tố then chốt để nhà đầu tư nước ngoài thành công tại Việt Nam. Mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào mục tiêu và chiến lược kinh doanh của từng nhà đầu tư. Đồng thời, các quy định pháp luật liên quan đến từng hình thức đầu tư cần được nghiên cứu và tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả và an toàn pháp lý.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …