21

Th1

CHẬM HOÀN THUẾ, NGƯỜI NỘP THUẾ CÓ ĐƯỢC TRẢ LÃI CHẬM HOÀN THUẾ?

Hoàn thuế là một trong những quyền lợi quan trọng của người nộp thuế được pháp luật Việt Nam bảo vệ, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quản lý thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chậm hoàn thuế vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ phía cơ quan thuế hoặc từ các yếu tố khách quan. Một câu hỏi thường được đặt ra là: Người nộp thuế có được trả lãi khi cơ quan thuế chậm hoàn thuế hay không? Bài viết này sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế trong thời hạn luật định. Cụ thể, Điều 75 của Luật này nêu rõ thời hạn hoàn thuế như sau:

(i) Chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

Theo đó, hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế bao gồm:

a) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu của từng trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu;

b) Hồ sơ của người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế;

c) Hồ sơ của tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp nhà nước;

d) Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế;

đ) Hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước nhưng hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế nhưng không chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng;

e) Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật;

g) Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước hoàn thuế theo quy định của Chính phủ.

(ii) Chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước.

Theo đó, hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước là hồ sơ của người nộp thuế không thuộc trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế nêu trên.

2. Quy định về lãi khi chậm hoàn thuế

Trước đây, theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

Như vậy, nếu chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì người nộp thuế sẽ được tính lãi chậm hoàn thuế với mức là 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả.

Ví dụ: Công ty B nộp hồ sơ hoàn thuế ngày 01/12/2023, thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau. Cơ quan thuế chấp nhận hồ sơ vào ngày 05/12/2023 nhưng đến ngày 20/12/2023 mới giải quyết hoàn thuế. Số tiền chậm hoàn là 1 tỷ đồng. Khi đó, khoản lãi chậm hoàn sẽ là:

1.000.000.000 x 0,03% x 10 ngày = 3.000.000 VNĐ.

Như vậy, đây là một cơ chế nhằm bảo vệ quyền lợi tài chính của người nộp thuế, đồng thời thúc đẩy cơ quan thuế xử lý hồ sơ kịp thời và chính xác.

Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ bởi Khoản 13 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 kể từ ngày 01/01/2025. Điều này đồng nghĩa từ ngày 01/01/2025, người nộp thuế không còn được nhận lãi nếu cơ quan thuế chậm hoàn thuế, ngay cả khi nguyên nhân chậm trễ xuất phát từ lỗi của cơ quan thuế.

Việc thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận, bởi lẽ người nộp thuế có thể đối mặt với rủi ro tài chính mà không được bảo vệ quyền lợi như trước. Bộ Tài chính lý giải rằng:

Mặc dù Luật Quản lý thuế 2019 quy định mức lãi 0,03%/ngày, nhưng lại chưa có quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả lãi cho người nộp thuế. Vì vậy, cơ quan thuế chưa thể triển khai thực hiện và không có nguồn kinh phí để chi trả khoản lãi này.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, khoản lãi phải trả cho người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước gây ra được tính dựa trên lãi suất theo Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ. Điều này mâu thuẫn với mức lãi 0,03%/ngày quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, gây khó khăn trong áp dụng thực tiễn.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế được sửa đổi bổ sung để làm rõ rằng người nộp thuế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cơ quan thuế theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Quy định này giúp thống nhất pháp luật, tránh chồng chéo trong xử lý trách nhiệm và quyền lợi của các bên.

 

  

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan