24

Th12

CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI BỊ CÔNG TY CẮT GIẢM NHÂN SỰ DO THAY ĐỔI CƠ CẤU, CÔNG NGHỆ, KINH TẾ

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thường đối mặt với những biến động về cơ cấu tổ chức, công nghệ hoặc tình hình kinh tế, buộc họ phải điều chỉnh nhân sự. Trong bối cảnh đó, quyền lợi của người lao động cần được bảo vệ chặt chẽ theo quy định pháp luật để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Bài viết này sẽ phân tích các quyền lợi người lao động được hưởng khi bị cắt giảm nhân sự theo quy định pháp luật hiện hành, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Khi nào công ty được cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu, công nghệ, kinh tế

Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp được quyền cắt giảm nhân sự trong trường hợp có thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc kinh tế. Các trường hợp này gồm: (1) tái cơ cấu tổ chức, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp; (2) thay đổi sản phẩm, quy trình sản xuất do áp dụng công nghệ mới; hoặc (3) tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng, khi doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Lưu ý, doanh nghiệp không được tùy ý cắt giảm nhân sự, mà phải tuân thủ trình tự, thủ tục nhất định. Việc cắt giảm nhân sự không đúng quy trình có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với tranh chấp lao động. Ví dụ, trong một doanh nghiệp dệt may, do nhu cầu chuyển sang quy trình sản xuất tự động hoàn toàn, công ty quyết định cắt giảm những lao động thủ công, nhưng không thông báo và trao đổi với tổ chức đại diện người lao động. Trong trường hợp này, người lao động có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghiĩa vụ bồi thường.

Căn cứ Khoản 4, 5 và 6 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Theo đó, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

– Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;

– Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;

– Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;

– Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019.

Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.

Như vậy, căn cứ các quy định định nêu trên thì trong trường hợp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ, người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm cho người lao động thì có thể cho người lao động thôi việc nhưng chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động; đồng thời, người sử dụng lao động phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tại Điều 42, Điều 44 Bộ luật Lao động 2019 và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Chế độ người lao động được hưởng khi bị ngừng việc do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ, kinh tế

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp bị người sử dụng lao động cho thôi việc thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 .

Theo đó, Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan