CHẾ TÀI KHI KHÔNG ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO QUY ĐỊNH
Trong lĩnh vực y tế, việc đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi của người bệnh và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh là phải thực hiện đúng quy trình đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người hành nghề tại cơ sở của mình. Việc này không chỉ giúp cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đảm bảo các nhận sự đủ trình độ và năng lực hành nghề. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các yêu cầu và hậu quả của việc không thực hiện đúng thủ tục đăng ký hành nghề. Chính vì vậy, bài viết này sẽ phân tích các quy định về việc đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chế tài khi vi phạm cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và các cá nhân hành nghề nắm vững trách nhiệm pháp lý của mình trong việc thực hiện quy định này.
1. Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là gì?
Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là thủ tục bắt buộc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm xin cấp giấy phép hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động để ghi nhận cá nhân hành nghề tại cơ sở của mình. Trên cơ sở thông tin do cơ sở khám chữa bệnh cung cấp, Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai danh sách người hành nghề của cơ sở khám, chữa bệnh trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhằm thực hiện quản lý hoạt động hành nghề khám chữa bệnh của cá nhân cũng như hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh.
Nội dung đăng ký hành nghề sẽ bao gồm các thông tin:
a) Họ và tên, số giấy phép hành nghề của người hành nghề;
b) Chức danh, vị trí chuyên môn đối với trường hợp người hành nghề là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc là người phụ trách bộ phận chuyên môn của bệnh viện;
c) Địa điểm hành nghề, bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề;
d) Thời gian hành nghề;
đ) Phạm vi hành nghề;
e) Ngôn ngữ mà người hành nghề nước ngoài sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường:
– Người bệnh có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ với người hành nghề; người bệnh có khả năng sử dụng chung ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký;
– Người bệnh là người nước ngoài và không thuộc trường hợp nêu trên.
2. Quy định về việc đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 19 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023, một trong những điều kiện để cá nhân được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là: Đã được đăng ký hành nghề theo quy định, trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định tại Khoản 3, Điều 36. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề bao gồm:
a) Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
b) Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
c) Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
d) Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 38 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng quy định về trách nhiệm đăng ký hành nghề như sau:
“Điều 38. Trách nhiệm trong đăng ký hành nghề
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đăng ký hành nghề cho người hành nghề làm việc tại cơ sở của mình như sau:
a) Gửi danh sách đăng ký hành nghề cùng với đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;
b) Trường hợp có thay đổi về người hành nghề trong thời gian chờ cấp giấy phép hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động thì phải gửi văn bản đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.”
Như vậy, ngoại trừ những trường hợp pháp luật quy định không phải đăng ký hành nghề, cá nhân có giấy phép hành nghề khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào đều phải được cơ sở đó thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Việc này có thể diễn ra đồng thời khi xin cấp giấy phép hoạt động hoặc trong quá trình hoạt động.
Việc đăng ký hành nghề là một điều kiện pháp lý bắt buộc để cá nhân được phép hành nghề mà còn là nghĩa vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là cơ chế quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch, kiểm soát hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động y tế.
3. Chế tài khi không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định
Căn cứ khoản 4 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 8 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
…
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Người hành nghề đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau; người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc hành nghề không đúng điều động, phân công của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Không cấp giấy xác nhận quá trình thực hành cho người thực hành sau khi đã hoàn thành quá trình thực hành theo quy định của pháp luật;
c) Cấp giấy xác nhận quá trình thực hành không đúng nội dung; không đúng sự thật; không phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đăng ký hành nghề;
d) Phân công người hướng dẫn thực hành không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
đ) Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
…”
Ngoài ra, tại Khản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
“5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, cá nhân không đăng ký hành nghề nếu không thuộc trường hợp không phải đăng ký hành nghề thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tổ chức sử dụng người hành nghề không đăng ký hành nghề sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …