10

Th12

CHỨNG CỨ CHỨNG MINH XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự phổ biến của các nền tảng trực tuyến, việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Xâm phạm quyền tác giả không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi của tác giả mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền văn hóa và xã hội. Chính vì vậy, việc hiểu rõ các quy định pháp lý liên quan đến quyền tác giả và cách chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả là một vấn đề quan trọng đối với các chủ thể trong lĩnh vực này. Mời các bạn cùng xem chi tiết bài viết dưới đây để hiểu thêm về các chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm liên quan quyền tác giả theo quy định pháp luật.

1. Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả là quyền của của một người đối với những tác phẩm mà họ tạo ra. Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019), quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó:

– Quyền nhân thân là quyền liên quan đến danh tính của tác giả, bao gồm quyền công nhận tác phẩm là của mình, quyền đặt tên cho tác phẩm, và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

– Quyền tài sản là quyền sở hữu đối với các quyền lợi từ việc khai thác tác phẩm, bao gồm quyền sao chép, phân phối, công bố và quyền chuyển nhượng quyền lợi này cho người khác.

Ví dụ, một tác giả viết một cuốn sách về khoa học, quyền tác giả của tác phẩm này thuộc về tác giả đó, và họ có quyền quyết định xem sách này có được in ấn, phát hành hay chuyển nhượng quyền lợi hay không. Nếu một đơn vị khác in và bán sách mà không xin phép tác giả, đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

2. Xâm phạm quyền tác giả là gì?
Xâm phạm quyền tác giả là hành vi vi phạm các quyền lợi hợp pháp của tác giả đối với tác phẩm của mình mà không có sự đồng ý hoặc cho phép của tác giả. Các hành vi xâm phạm này có thể bao gồm sao chép, phân phối, trình diễn, truyền đạt tác phẩm mà không được phép, hoặc sửa đổi tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả. Tùy vào mức độ xâm phạm, hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo các quy định của pháp luật.

Ví dụ, một công ty phát hành phần mềm vi phạm quyền tác giả bằng cách sao chép phần mềm của một công ty khác mà không có sự đồng ý của tác giả phần mềm gốc. Công ty này đã xâm phạm quyền tài sản của tác giả, vì họ đã sao chép và phân phối phần mềm mà không có sự cho phép.

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm: Thay đổi tên tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm dịch hoặc pháp luật có quy định khác;

b) Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm: Mạo danh tác giả, giả mạo tên, chữ ký tác giả, không nêu hoặc cố ý nêu sai tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm khi khai thác, sử dụng;

c) Xâm phạm quyền công bố tác phẩm: Công bố tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả; chiếm đoạt quyền tác giả;

d) Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Xuyên tạc tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;

đ) Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh: Tác phẩm đã có được sử dụng làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

e) Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: Biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình chiếu, trình diễn tác phẩm tại nơi công cộng hoặc nơi bán vé, thu tiền vào cửa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

g) Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp l àm tác phẩm phái sinh theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

h) Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng: Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao hữu hình tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

i) Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm qua mạng viễn thông và mạng Internet mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

k) Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính: Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

l) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ;

m) Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20, Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

n) Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

o) Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

p) Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

q) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, các điều 113 và 114 của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả
Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả. Các chứng cứ này có thể bao gồm các tài liệu, hình ảnh, video, hoặc chứng cứ số có thể chứng minh hành vi xâm phạm. Theo quy định tại các điều 76, 77, 78 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, khi chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả, cần phải thu thập đầy đủ và hợp pháp các chứng cứ sau đây:

(i) Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền tác giả:

a) Đối với quyền tác giả đã được đăng ký, chứng cứ chúng minh tư cách chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;

– Bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

b) Đối với quyền tác giả chưa được đăng ký, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền tác giả theo quy định tại các khoản 1 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.” và bao gồm tài liệu cụ thể như sau:

a) Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm có nêu tên chủ thể quyền theo quy định tại Điều 198a của Sở hữu trí tuệ và Điều 59 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP;

b) Các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt các đối tượng nêu trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

c) Trong trường hợp người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm là người được chuyến giao quyền tác giả, được thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật thì ngoài tài liệu quy định tại các điểm a, điểm b nêu trên, còn phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc văn bản xác định quyền thừa kế, quyền kế thừa.

(ii) Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:

a) Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan);

b) Tài liệu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi âm, ghi hình đối tượng bị xem xét;

c) Bản giải trình, so sánh giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Biên bản, lời khai, vi bằng, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

Lưu ý: Tài liệu, hiện vật quy định nêu trên phải lập thành danh mục, có chữ ký xác nhận của người yêu cầu xử lý xâm phạm.

(iii) Chứng cứ về thiệt hại (nếu có):

Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại cho chủ thể quyền, việc chứng minh thiệt hại đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình yêu cầu bồi thường. Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể là tổn thất về vật chất và tinh thần mà tác giả phải gánh chịu, trực tiếp gây ra bởi hành vi xâm phạm. Thiệt hại này phải được chứng minh rõ ràng và có căn cứ cụ thể:

Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:

– Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền tác giả và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.

– Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong điều kiện nhất định nếu không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra;

– Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó: Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần và sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm; giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả.

Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức độ thiệt hại. Do đó, nếu phát hiện hành vi vi phạm quyền tác giả và thực tế có gây thiệt hại cho tác giả thì để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ hành vi xâm phạm cần có các chứng cứ về thiệt hại chẳng hạn như báo cáo tài chính, chứng minh tổn thất kinh tế, hoặc các tài liệu liên quan đến thiệt hại uy tín.

Ví dụ: Một công ty quảng cáo sử dụng một tác phẩm nghệ thuật mà không xin phép tác giả. Chứng cứ có thể bao gồm bản sao quảng cáo, tài liệu chứng minh rằng tác giả không được thông báo hay đồng ý, và tài liệu chứng minh tổn thất tài chính từ việc không được phép thu lợi từ việc sử dụng tác phẩm (như báo cáo tài chính, chứng minh doanh thu bị giảm sút hoặc mất đi). Ngoài ra, có thể có các tài liệu về thiệt hại danh tiếng của tác giả, chẳng hạn như các thông báo, phản hồi từ công chúng hoặc các bài viết trên phương tiện truyền thông liên quan đến việc tác phẩm bị sử dụng mà không có sự cho phép.

Bằng việc thu thập đầy đủ chứng cứ về thiệt hại, các chủ thể quyền tác giả có thể yêu cầu bồi thường hợp lý từ bên vi phạm, đảm bảo sự công bằng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Kết luận

Bảo vệ quyền tác giả không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là quyền lợi và sự tôn trọng đối với sự sáng tạo của cá nhân. Việc hiểu rõ về quyền tác giả, những hành vi xâm phạm và cách thức chứng minh hành vi xâm phạm là rất quan trọng để bảo vệ các tác phẩm sáng tạo và ngăn chặn những hành vi vi phạm. Các tác giả, tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc sử dụng chứng cứ hợp pháp và hợp lý.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan