CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ CỔ ĐÔNG LÀ TỔ CHỨC
Hiện nay, công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất bởi tính linh hoạt và những ưu điểm vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác. Cổ đông trong công ty cổ phần có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Vậy việc điều hành và quản lý công ty cổ phần có cổ đông là tổ chức khác gì so với cổ đông là cá nhân đơn thuần. Cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!
I. CÔNG TY CỔ PHẦN LÀ GÌ?
Căn cứ theo Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
– Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
II. MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN
Căn cứ theo Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020, Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
Mô hình 1 gồm:
– Đại hội đồng cổ đông,
– Hội đồng quản trị,
– Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
Mô hình 2 gồm:
– Đại hội đồng cổ đông,
– Hội đồng quản trị
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
Như vậy, sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai mô hình trên là việc có hay không có Ban kiểm soát. Đối với mô hình 2, không có Ban kiểm soát thì Thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị thực hiện chức năng nhiệm vụ như Ban kiểm soát trong mô hình 1. Tuy nhiên, mô hình 1 chỉ bắt buộc có Ban kiểm soát nếu có từ 11 cổ đông trở lên hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% tổng số cổ phần của công ty trở lên.
Mỗi cơ quan, và vị trí quan lý sẽ có chức năng, quyền hạn, và nhiệm vụ cụ thể trong việc điều hành và quản lý công ty như sau:
[1] Đại hội đồng cổ đông: Là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
k) Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;
l) Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;
m) Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết;
n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
[2] Hội đồng quản trị: là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên, nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
b) Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
c) Quyết định bán cổ phần chưa bán trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;
d) Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty;
đ) Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 133 của Luật Doanh nghiệp;
e) Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;
g) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 3 5% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 138, khoản 1 và khoản 3 Điều 167 của Luật Doanh nghiệp 2020;
i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;
k) Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;
l) Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;
m) Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết;
n) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;
o) Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;
p) Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể công ty; yêu cầu phá sản công ty;
q) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
[3] Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ các thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm việc. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm kỳ không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
[4] Ban kiểm soát: có chức năng giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao…
Ban kiểm soát có từ 3 đến 5 Kiểm soát viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 5 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa Kiểm soát viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát – phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
Ban kiểm soát thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau:
– Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
– Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của. công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
– Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
– Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
– Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020.
– Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật doanh nghiệp 2020, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
– Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều 165 của Luật này phải thông báo ngay bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
– Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
– Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao.
– Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.
– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp, Điều lệ công ty và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
[5] Ủy ban kiểm toán: là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.
Ủy ban kiểm toán có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Giám sát tính trung thực của báo cáo tài chính của công ty và công bố chính thức liên quan đến kết quả tài chính của công ty;
b) Rà soát hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro;
c) Rà soát giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về những giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông;
d) Giám sát bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty;
đ) Kiến nghị công ty kiểm toán độc lập, mức thù lao và điều khoản liên quan trong hợp đồng với công ty kiểm toán để Hội đồng quản trị thông qua trước khi trình lên Đại hội đồng cổ đông thường niên phê duyệt;
e) Theo dõi và đánh giá sự độc lập, khách quan của công ty kiểm toán và hiệu quả của quá trình kiểm toán, đặc biệt trong trường hợp công ty có sử dụng các dịch vụ phi kiểm toán của bên kiểm toán;
g) Giám sát nhằm bảo đảm công ty tuân thủ quy định của pháp luật, yêu cầu của cơ quan quản lý và quy định nội bộ khác của công ty.
III. MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ CỔ ĐÔNG LÀ TỔ CHỨC
Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần chỉ được chia thành hai mô hình bao gồm các cơ quan và người quản lý như trên, không phân biệt mô hình quản lý đặc biệt khi có cổ đông là tổ chức. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần có cổ đông là tổ chức thì vẫn cần phải lưu ý một số vấn đề trong quản lý công ty cổ phần như sau:
Thứ nhất, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức
Cổ đông là tổ chức phải cử ít nhất một cá nhân làm người đại diện theo ủy quyền để thực hiện các quyền của cổ đông trong công ty cổ phần. Trong đó, căn cứ theo Điều 14 Luật doanh nghiệp 2020, Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền. Trong trường hợp cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì tổ chức phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền. Nếu tổ chức không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.
Về thủ tục cử người đại diện theo ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Trong đó, văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được văn bản. Nội dung của văn bản ủy quyền phải có các nội dung cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật doanh nghiệp.
Về tiêu chuẩn của người đại diện theo ủy quyền thì có thể được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Về trách nhiệm thì người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức thực hiện theo Điều 15 Luật doanh nghiệp 2020 gồm:
– Nhân danh cổ đông công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp. Mọi hạn chế của cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông công ty tương ứng tại Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba.
– Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông cử đại diện.
– Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước cổ đông cử đại diện do vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều 15 Luật doanh nghiệp. Cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Thứ hai, Cổ đông là tổ chức được tham gia vào Hội đồng quản trị
Khoản 1 Điều 154 Luật doanh nghiệp chỉ quy định Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị. Như vậy, Luật doanh nghiệp không quy định thành viên Hội đồng quản trị phải là cá nhân, do đó cổ đông là tổ chức vẫn có quyền tham gia vào Hội đồng quản trị và thực hiện quyền hạn nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị là tổ chức thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty cổ phần.
Thứ ba, Cổ đông là tổ chức có thể được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị
Tương tự như thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị. Do đó, cổ đông là tổ chức đương nhiên có thể được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, người được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị trong trường hợp này là người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức.
Thứ tư, Cổ đông là tổ chức có thể giữ chức vụ giám đốc hoặc tổng giám đốc trong công ty cổ phần.
Khoản 1 Điều 162 Luật doanh nghiệp quy định, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Như vậy, trường hợp Hội đồng quản trị bổ nhiệm thành viên trong Hội đồng quản trị làm giám đốc hoặc Tổng giám đốc thì người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức vẫn có thể được bổ nhiệm vào vị trí này nếu cổ đông là tổ chức đang là một trong các thành viên của Hội đồng quản trị.
Thứ năm, cổ đông là tổ chức có thể tham gia vào ban kiểm soát và trở thành trưởng ban kiểm soát.
Người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức có thể trở thành kiểm soát viên trong công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp bao gồm:
a) Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020;
b) Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
d) Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
đ) Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên, Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.
Tóm lại, cổ đông là tổ chức được thực hiện các quyền tương tự như cổ đông là cá nhân nhưng được thực hiện thông qua một cá nhân là người đại diện theo ủy quyền. Do đó, đối với công ty cổ phần có cổ đông là tổ chức thì việc xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý cũng sẽ được thực hiện theo quy định của luật doanh nghiệp, không có mô hình đặc thù riêng cho cổ đông là tổ chức vì các quyền cơ bản của cổ đông đã được thực hiện thông qua cá nhân là người đại diện theo quỷ quyền.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …