CÔNG CHỨNG VIÊN CÓ CHỊU TRÁCH NHIỆM XÁC ĐỊNH TÍNH THẬT GIẢ CỦA GIẤY TỜ KHÔNG?
Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc làm giả mạo các loại giấy tờ tại các Văn phòng Công chứng, phổ biến nhất là giả mạo Bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, nhất là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất… để công chứng, chứng thực. Thủ đoạn làm giải giấy tờ ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ khiến người dân mà còn cả Văn phòng Công chứng hoang mang. Đã có nhiều trường hợp dùng giấy tờ giả qua mắt Văn phòng Công chứng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều cá nhân, tổ chức và kéo theo nhiều hệ lụy xấu trong xã hội. Vậy thì trách nhiệm của công chứng viên, văn phòng công chứng như thế nào trong trường hợp này? Công chứng viên có trách nhiệm phải xác định tính thật giả của giấy tờ không?
Thứ nhất, về trách nhiệm của Công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trong hoạt động công chứng
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định rõ: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 46 Luật Công chứng năm 2014 quy định về lời chứng của công chứng viên: “1. Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng….”
Bên cạnh đó, tại khoản 5, khoản 6 Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định về Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn như sau:
“Điều 40. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
…
5. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
6. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
…”
Như vậy, Luật Công chứng đã quy định trách nhiệm khá rõ ràng của Công chứng viên đối với văn bản công chứng. Cụ thể, Công chứng viên phải bảo đảm tính hợp pháp của văn bản công chứng về các nội dung như: chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự; mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch…Nếu có căn cứ hoặc nghi ngờ tính hợp pháp của văn bản yêu cầu công chứng thì công chứng viên có quyền đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Do đó, trong hoạt động công chứng của mình, Công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc hành nghề công chứng được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Công chứng 2014.
Đối với công chứng viên trong hoạt động công chứng nếu biết giấy tờ giả mà vẫn thực hiện công chứng, chứng thực hoặc không thực hiện đúng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Luật Công chứng trong hoạt động công chứng, chứng thực giấy tờ thì tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:
“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Ngoài ra, nếu trong hoạt động công cứng mà Công chứng viên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 38 Luật Công chứng 2014 quy định:
“Điều 38. Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Thứ hai về trách nhiệm của người yêu cầu công chứng đối với văn bản công chứng
Căn cứ theo Điều 47 Luật Công chứng 2014 quy định:
“Điều 47. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch
1. Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.
…..
Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
….”
Ngoài ra, theo điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 quy định nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;
Như vậy, trong hoạt động công chứng, không chỉ có công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bản công chứng mà người yêu cầu công chứng cũng phải có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và tính hợp pháp của các giấy tờ liên quan đến việc công chứng. Căn cứ theo Điều 75 Luật Công chứng 2014 quy định rõ, nếu trường hợp người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, việc xác nhận tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, giấy tờ khác là nghiệp vụ và cũng là trách nhiệm của Công chứng viên. Do đó, trong quá trình thực hiện công việc của mình, Công chứng viên cần phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo tính chuyên môn, nghiệp vụ khi công chứng, chứng thực giấy tờ. Nếu công chứng việc không đảm bảo đúng trình tự thủ tục của việc công chứng hoặc biết rõ tờ giả nhưng vì mục đích nào đó vẫn công chứng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy từng mức độ vi phạm. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng cũng phải có trách nhiệm đảm bảo về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ yêu cầu công chứng. Trường hợp người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng hoặc hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì cũng sẽ chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với hành vi vi phạm của mình.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …