DỊCH VỤ THẨM MỸ NÀO KHÔNG PHẢI XIN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mọi người, các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp không ngừng thành lập được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau như: Bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, Spa, thẩm mỹ viện….Tuy nhiên, lĩnh vực thẩm mỹ có rất nhiều hoạt động, được chia thành hoạt động chịu sự quản lý của ngành y tế hoặc chỉ chịu sự quản lý của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh. Vậy dịch vụ thẩm mỹ nào phải xin giấy phép hoạt động và chịu sử quản lý của ngành y tế?
1. Phân loại dịch vụ thẩm mỹ
Căn cứ theo các hoạt động cụ thể, dịch vụ thẩm mỹ có thể chia thành 3 hình thức:
Một là, bệnh viện và phòng khám thẩm mỹ: Đây được xem là hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tóm lại, các kỹ thuật do bệnh viện hoặc phòng khám thẩm mỹ cung cấp được thực hiện theo danh mục kỹ thuật do Sở hoặc Bộ y tế cấp phép hoạt động và được thực hiện bởi Bác sỹ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với phạm vi hoạt động đã được cấp phép của bệnh viện hoặc phòng khám. Ngoài ra, bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa cung cấp dịch vụ thẩm mỹ này đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu theo quy định và được Bộ Y tế, Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động.
Hai là, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Căn cứ theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Ba là, cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cũng như không cần phải thông báo hoạt động đến Sở y tế.
2. Xử phạt vi phạm về điều kiện hoạt động đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ
Căn cứ theo Khoản 6 và Khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Điểm a Khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định, cơ sở thẩm mỹ thuộc trường hợp phải có giấy phép hoạt động mà hoạt động không có giấy phép hoạt động thì thẩm mỹ viện sẽ bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.
Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …