ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP TRONG ĐẦU TƯ KINH DOANH THEO HÌNH THỨC GIẤY PHÉP
Giấy phép trong đầu tư kinh doanh kinh doanh là một trong những loại giấy tờ quan trọng đối với một số doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vậy giấy phép trong đầu tư kinh doanh là gì? Khi nào doanh nghiệp phải cần có giấy phép kinh doanh và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh là gì?
I. GIẤY PHÉP TRONG ĐẦU TƯ KINH DOANH LÀ GÌ?
Thực tế, khi nhắc đến giấy phép trong đầu tư kinh doanh hay gọi ngắn gọn là giấy phép kinh doanh thì nhiều người cho rằng đây chính là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này là chưa đúng. Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nghĩa vụ của doanh nghiệp là: Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh [1].
Mặc khác, theo quy định của Luật Đầu tư, giấy phép là một hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh [2] đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, doanh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020 [3]. Theo đó, Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại danh mục của Luật Đầu tư 2020 được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh [4].
Như vậy, có thể thấy, Giấy phép trong đầu tư kinh doanh khác với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy phép trong đầu tư kinh doanh hay gọi là giấy phép kinh doanh được hiểu là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, do doanh nghiệp thực hiện xin cấp phép tại cơ quan có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục mà Luật chuyên ngành quy định. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, doanh nghiệp đề nghị cấp phép sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và Doanh nghiệp có nghĩa vụ duy trì điều kiện kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động. Tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nhất định mà sẽ có các loại giấy phép khác nhau. Giấy phép này thông thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
II. MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP TRONG ĐẦU TƯ KINH DOANH THEO HÌNH THỨC GIẤY PHÉP
Như đã trình bày ở trên, giấy phép trong đầu tư kinh doanh có rất nhiều loại, phụ thuộc vào từng lĩnh vực, ngành, nghề, mỗi loại giấy phép lại có những đặc thù, yêu cầu riêng để được cấp phép. Tuy nhiên về cơ bản, điều kiện để được cấp giấy phép trong đầu tư kinh doanh sẽ được chia thành 4 nhóm điều kiện bao gồm: Điều kiện về tài chính, Điều kiện về phương án kinh doanh; Điều kiện về nhân sự và điều kiện về cơ sở vật chất. cụ thể:
(1) Điều kiện về tài chính
Điều kiện về tài chính được hiểu là điều kiện về vốn khi đầu tư kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Luật Doanh nghiệp không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc quyết định mức vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh có thể bị ảnh hưởng bởi vốn pháp định theo quy định của Luật chuyên ngành áp dụng đối với ngành nghề đó. Hoặc một hình thức khác thể hiện điều kiện về tài chính mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi kinh doanh là vốn ký quỹ.
Mục đích của việc áp dụng vốn pháp định, vốn ký quỹ đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ bồi hoàn khi xảy ra sự cố hoặc có hành vi vi phạm từ phía cung cấp dịch vụ. Thông thường, điều kiện về tài chính đặt ra đối với một số lĩnh vực, ngành nghề tiêu biểu như:
(i) Đối với vốn pháp định:
– Lĩnh vực ngân hàng: Ngoài các điều kiện cần phải đáp ứng khác, Luật tổ chức tính dụng 2010 quy định rõ: Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện trong đó có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định [5]. Mức vốn pháp định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng được quy định tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP: Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng…[6]
Ngoài ra, đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện về tài chính như sau: Có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) [7].
– Lĩnh vực bảo kiểm: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm [8]. Trong đó, Nghị định 76/2016/NĐ-CP quy định rõ vốn pháp định đối với từng loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm như: (i) Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam; b) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam; c) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam. (ii) Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: a) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam; b) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm sức khỏe : 800 tỷ đồng Việt Nam; c) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm sức khỏe: 1.000 tỷ đồng Việt Nam….[9]. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh môi giới bảo hiểm và hoạt động bảo hiểm của chi nhánh nước ngoài cũng phải đáp ứng điều kiện vôn pháp định riêng đối tướng từng hoạt động quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
– Lĩnh vực chứng khoán: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán trước theo quy định của Luật chứng khoán 2019 sau đó mới đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 [10]. Vốn điều lệ tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ, cụ thể: a) Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng; b) Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng; c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng; d) Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng; đ) Vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là 10 tỷ đồng; e) Vốn điều lệ tối thiểu của công ty quản lý quỹ, vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là 25 tỷ đồng [11].
(ii) Đối với vốn ký quỹ:
Một số ngành nghề yêu cầu có giấy phép phải đáp ứng điều kiện ký quỹ như:
– Doanh dịch vụ lữ hành: Doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Theo đó, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có điều kiện về ký quỹ tại ngân hàng là 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng[12]; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành có điều kiện ký quỹ là: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; 100.000.000 (một trăm triệu) đồng đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài; 100.000.000 (một trăm triệu) đồng đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.[13] Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.[14].
– Dịch vụ chữ ký số công cộng: Giấy phép kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được quy định chi tiết tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, chủ thể được coi là đáp ứng điều kiện tài chính nếu đáp ứng được hai điều kiện cụ thể như sau: Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 05 (năm) tỉ đồng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ do lỗi của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép; Nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số đầy đủ (trong trường hợp cấp lại giấy phép).
– Dịch vụ cho thuê lại lao động: Nhóm ngành, nghề này bao gồm kinh doanh dịch vụ: việc làm, cho thuê lại lao động, đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Theo đó, pháp luật quy định đối với Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính (sau đây viết tắt là ngân hàng) [15]. Đối với Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, pháp luật yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ [16]. Đối với Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, pháp luật bắt buộc doanh nghiệp thực hiện ký quỹ theo mức quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ). Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại[17] Mức tiền ký quỹ là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) [18]
(2) Điều kiện về phương án kinh doanh
Một số ngành nghề yêu cầu về điều kiện cấp phép phải có phương án kinh doanh nêu rõ hình thức cung ứng dịch vụ, sản xuất và tính khả thi của phương án kinh doanh, như:
– Dịch vụ vận tải: (i) Đối với vận tải hàng không: Phương án kinh doanh và chiến lược phát triển đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng được quy định tại Điều 9 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau: a) Đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường; b) Đánh giá thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường; c) Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không, chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển kinh doanh của 05 năm đầu kể từ ngày khai thác [19]. (ii) Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa nguy hiểm, pháp luật bắt buộc doanh nghiệp phải có phương án tổ chức vận chuyển, hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển, biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng hoá nguy hiểm và phương án ứng phó sự cố tràn dầu (áp dụng đối với trường hợp vận tải xăng dầu trên đường thủy nội địa)”[20]; Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận tải hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm; Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận tải theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.[21]
– Dịch vụ bưu chính: Phương án kinh doanh trong hồ sơ xin cấp phép hỏa động bao gồm các nội dung: a) Thông tin về doanh nghiệp gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ e-mail của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, website của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác; b) Địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ; c) Hệ thống và phương thức quản lý, điều hành dịch vụ; d) Quy trình cung ứng dịch vụ gồm quy trình chấp nhận, vận chuyển và phát; đ) Phương thức cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác (trường hợp tác với doanh nghiệp khác, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải trình bày chi tiết về phạm vi hợp tác, công tác phối hợp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ); e) Các biện pháp bảo đảm an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính [22]
– Dịch vụ viễn thông: Doanh nghiệp viễn thông là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông [23]. Giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông [24]. Theo định của Luật Viễn Thông 2009, Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện theo quy định trong đó có điều kiện về phương án kinh doanh, cụ thể: phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông [25]
(3) Điều kiện về nhân sự
Yêu cầu về nhân sự là những yêu cầu về số lượng nhân viên thực hiện dịch vụ hoặc yêu cầu về trình độ, bằng cấp, chứng chỉ phù hợp đối với người quản lý, nhân sự đảm nhiệm chức vụ, công việc thực hiện theo giấy phép kinh doanh. Theo đó, một số ngành nghề yêu cầu về điều kiện nhân sự như:
– Dịch vụ việc làm: Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp phải có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép [26]. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 [27]. Trong đó, đối với mỗi nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện, đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau: a) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý; b) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo tại điểm a khoản này và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng [28].
– Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có nhân sự chịu trách nhiệm: Quản trị hệ thống, vận hành hệ thống và cấp chứng thư số, bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống; Nhân sự quy định tại điểm a khoản này phải có bằng đại học trở lên, chuyên ngành an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông. Pháp luật bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về nhân sự nhằm đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cho khách hàng được an toàn và hiệu quả, từ đó bảo vệ được lợi ích của khách hàng. Theo quan điểm của tác giả điều kiện nhân sự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là hợp lý. Nhất là trong điều kiện kinh tế số như hiện nay, các hợp đồng, văn bản giao dịch không nhất thiết phải ký theo cách truyền thống mà có thể được ký số. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng bắt đầu sử dụng nhiều chữ ký số thay cho chữ ký truyền thống. Do đó, vai trò của chữ ký số và tổ chức dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ngày càng quan trọng.
– Dịch vụ thẩm định giá: Theo Luật giá 2012, Doanh nghiệp thẩm định giá được hoạt động khi Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật [29]. Trong đó điều kiện về nhân sự phải đáp ứng để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gồm: (i) Đối với công ty TNHH một thành viên: Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó phải có thành viên là chủ sở hữu; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; (ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên góp vốn; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. (iii) Công ty hợp danh Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên hợp danh; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. (iv) Doanh nghiệp tư nhân Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó có 01 thẩm định viên là chủ doanh nghiệp tư nhân; Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. (v) Công ty cổ phần có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 cổ đông sáng lập; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty cổ phần phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp [30.]
(4) Điều kiện về cơ sở vật chất
Điều kiện về cơ sở vật chất bao gồm: phương tiện, trang thiết bị, công nghệ (gọi chung là cơ sở vật chất). Pháp luật thường đưa ra điều kiện cấp phép yêu cầu chủ thể kinh doanh phải sở hữu hoặc có quyền sử dụng đối với cơ sở vật chất thông qua hợp đồng kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất nếu kinh doanh một số ngành nghề tiêu biểu sau đây:
– Dịch vụ việc làm: Đối với doanh nghiệp xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải đảm bảo có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng [31]. Trong đó, Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định: 1. Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu; b) Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập; c) Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh. 2. Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. 3. Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao tổ chức giáo dục định hướng phải có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, có phòng học và phòng nội trú đáp ứng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này và thời hạn thuê (nếu chi nhánh thuê cơ sở vật chất) phải tối thiểu là 02 năm [32]
– Kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu: Thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng đầu phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, điều kiện về cơ sở vật chất để được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bao gồm: Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên; Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên; Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm (05) năm trở lên; Có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên, trong đó có ít nhất năm (05) cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân [33].
– Kinh doanh dịch vụ chế biến nguyên liệu thuốc lá: “Chế biến nguyên liệu thuốc lá” là hoạt động chế biến được thực hiện trên dây chuyền máy móc, thiết bị để tạo ra nguyên liệu thuốc lá [34]. Theo đó, điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh chế biến nguyên liệu thuốc lá được cấp giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá gồm: Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành đồng bộ tách cọng thuốc lá hoặc chế biến ra thuốc lá sợi, thuốc lá tấm và các nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá; Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành đồng bộ tách cọng thuốc lá hoặc chế biến ra thuốc lá sợi, thuốc lá tấm và các nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá [35]
Ngoài các điều kiện tiêu biểu nói trên, mỗi ngành, nghề khác nhau pháp luật sẽ có quy định một số điều kiện đặc thù khác nhau. Việc pháp luật quy định điều kiện cấp giấy phép là cần thiết nhằm đảm bảo các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trong ngành, nghề đó có đủ năng lực để hoạt động bình thường, đảm bảo lợi ích khách hàng, nhất là các ngành, nghề có nhiều tác động đến môi trường, công cộng, anh ninh – quốc phòng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, đảm bảo tuân thủ và thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật về điều kiện kinh doanh cũng như duy trì điều kiện kinh doanh tương ứng với giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.
Cơ sở pháp lý áp dụng
[1] Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020.
[2] Khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020;
[3] Khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư 2020;
[4] Khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư 2020;
[5] Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010;
[6] Điều 3 Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
[7] Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP;
[8] Khoản 1 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
[9] Khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;
[10] Khoản 1 Điều 71 Luật Chứng khoán 2019;
[11] Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
[12] Khoản 1 Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP
[13] Khoản 2 Điều 14, Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP
[14] Khoản 3 Điều 14, Nghị định 168/2017/NĐ-CP
[15] Khoản 2 Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP Khoản 3 Điều 37 và Điều 39 Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm;
[16] Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP;
[17] Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
[18] Khoản 2 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
[19] Điều 9 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP;
[20] Điểm đ, khoản 1, Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP;
[21] Điểm đ, e khoản 1 Điều 4 Nghị định 65/2018/NĐ-CP;
[22] Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị định số 25/2022/NĐ-CP;
[23] Khoản 23 Điều 3 Luật Viễn thông 2009;
[24] Khoản 1 Điều 34 Luật Viễn thông 2009;
[25] Điều 36 Luật Viễn Thông 2009;
[26] Điểm c, khoản 1 Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
[27] Điểm d, khoản 1 Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
[28] Khoản 1 Điều 4 Điều 4 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP;
[29] Điều 38 Luật giá 2012;
[30] Điều 39 Luật giá 2012;
[31] Điểm đ khoản 1 Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
[32] Điều 5 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP;
[33] Điều 7 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP;
[34] Khoản 8 Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP;
[35] Điều 12 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Luật Đầu tư 2020;
3. Luật Các tổ chức tín dụng 2010;
4. Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
5. Luật Chứng khoán 2019;
6. Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm 2020;
7. Luật Viễn thông 2009;
8. Luật giá 2012;
9. Luật Du lịch
10. Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
11. Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
12. Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
13. Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
14. Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
15. Nghị định 94/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
16. Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm;
17. Nghị định 112/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
18. Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
19. Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng
20. Nghị định 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;
21. Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
22. Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
23. Nghị định 47/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật bưu chính;
24. Nghị định 25/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;
27. Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
26. Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương
27. Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
28. Nghị định 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
29. Thạc sĩ, Luật sư Mai Thị Ngân Hà, “Điều kiện cấp giấy phép trong đầu tư kinh doanh theo hình thức giấy phép”, https://lsvn.vn/dieu-kien-cap-giay-phep-trong-dau-tu-kinh-doanh-theo-hinh-thuc-giay-phep-1684078428.html.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …