07

Th4

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ NGƯỜI PHỤ THUỘC

Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), việc đăng ký người phụ thuộc đóng vai trò quan trọng giúp người nộp thuế giảm trừ thu nhập chịu thuế, từ đó giảm số thuế phải nộp. Tuy nhiên, để được hưởng khoản giảm trừ này, người nộp thuế cần đáp ứng các điều kiện đăng ký người phụ thuộc theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Người phụ thuộc là gì?

Người phụ thuộc là cá nhân mà người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có trách nhiệm nuôi dưỡng hoặc đang trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định pháp luật. Đây là các đối tượng không thể tự mình đảm bảo cuộc sống hoặc có thu nhập thấp dưới mức quy định của pháp luật, phụ thuộc tài chính vào người nộp thuế để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Mục đích của việc xác định người phụ thuộc là để tạo điều kiện giảm trừ thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người nộp thuế trong các trường hợp có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC và các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung, người phụ thuộc có thể chia thành các nhóm chính như sau:

– Nhóm 1: Con của người nộp thuế, bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng, nếu thuộc một trong các trường hợp: dưới 18 tuổi, hoặc từ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

– Nhóm 2: Vợ hoặc chồng của người nộp thuế nếu họ không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định để được giảm trừ.

– Nhóm 3: Cha mẹ của người nộp thuế, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha mẹ vợ hoặc chồng, trong trường hợp không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp dưới mức quy định.

– Nhóm 4: Các cá nhân khác, bao gồm anh, chị, em ruột, ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác, người trực tiếp nuôi dưỡng hợp pháp nếu không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định.

Ví dụ: Anh H là người nộp thuế thu nhập cá nhân, có một con trai là T, 16 tuổi, đang đi học trung học phổ thông và không có thu nhập. Con trai của anh H thuộc nhóm người phụ thuộc là “con dưới 18 tuổi” theo quy định. Anh H được quyền đăng ký giảm trừ gia cảnh đối với T khi tính thuế thu nhập cá nhân hàng năm.

2. Điều kiện đăng ký người phụ thuộc

Theo điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 79/2022/TT-BTC, từng đối tượng người phụ thuộc phải đáp ứng các điều kiện cụ thể để được đăng ký giảm trừ gia cảnh. Dưới đây là các điều kiện áp dụng cho từng nhóm người phụ thuộc:

(1) Người phụ thuộc là con của người nộp thuế

Con của người nộp thuế được tính là người phụ thuộc bao gồm: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể phải thuộc các trường hợp sau:

a) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

Ví dụ 10: Con ông H sinh ngày 25 tháng 7 năm 2014 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 7 năm 2014.

Hồ sơ chứng minh bao gồm:

– Bản chụp Giấy khai sinh

– Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (nếu có).

– Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

b) Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

Hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (nếu có).

– Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

– Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

c) Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Giấy khai sinh.

– Bản chụp Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.

– Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

(2) Người phụ thuộc là Vợ hoặc chồng của người nộp thuế

Vợ hoặc chồng của người nộp thuế được đăng ký Người phụ thuộc thì vợ hoặc chồng của người nộp thuế phải đáp ứng điều kiện:

a) Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

– Bị khuyết tật, không có khả năng lao động: Là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

– Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

b) Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

* Hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.

– Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản chụp Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác chứng minh người phụ thuộc không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

(3) Đối với người phụ thuộc là cha, mẹ của người nộp thuế

Cha mẹ của người nộp thuế được đăng ký người phụ thuộc bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế

Để cha, mẹ của người nộp thuế được đăng ký người phụ thuộc thì họ phải thuộc các trường hợp tương tự như vợ chồng tại mục (2) nêu trên.

Hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.

– Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

(4) Người phụ thuộc là các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng

Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp này là những cá nhân sau:

a) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

b) Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

c) Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

d) Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Các cá nhân này để được đăng ký người phụ thuộc thì phải đáp ứng điều kiện tương tự như đăng ký người phụ thuộc của vợ chồng tại mục (2) nêu trên.

* Hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Giấy khai sinh.

– Các giấy tờ hợp pháp để xác định trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật thuộc như:

– Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).

– Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp.

– Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng.

– Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng).

– Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

3. Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc

Theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định như sau:

“Điều 1. Mức giảm trừ gia cảnh

“Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:

1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.”

Như vậy, hiện nay mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, tương đương 52,8 triệu đồng/năm. Điều này có nghĩa là khi người nộp thuế đăng ký người phụ thuộc hợp lệ, họ sẽ được giảm trừ khoản tiền này từ thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ví dụ: Chị L là người nộp thuế thu nhập cá nhân, có đăng ký hai người phụ thuộc là con dưới 18 tuổi. Như vậy, tổng mức giảm trừ gia cảnh hàng tháng của chị L sẽ là:

– Bản thân chị L: 11 triệu đồng/tháng.

– Hai người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng x 2 = 8,8 triệu đồng/tháng.

Tổng cộng mức giảm trừ hàng tháng của chị L là: 11 triệu đồng + 8,8 triệu đồng = 19,8 triệu đồng. Khoản thu nhập chịu thuế sẽ được tính sau khi trừ mức giảm trừ này.

4. Mỗi người được đăng ký là người phụ thuộc của bao nhiêu người nộp thuế?

Theo khoản 2 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định như sau:

“Điều 19. Giảm trừ gia cảnh

Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

…”

Đồng thời, căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, có nội dung bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định như sau:

“Điều 9.Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

Giảm trừ gia cảnh

1. Theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân; khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau:

c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

…”

Như vậy, mỗi người chỉ được đăng ký là người phụ thuộc của một người nộp thuế duy nhất trong một năm tính thuế. Trường hợp có nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc, họ phải tự thỏa thuận để chỉ một người được đăng ký người phụ thuộc đó. Quy định này nhằm tránh tình trạng trùng lặp trong việc giảm trừ thu nhập chịu thuế.

Ví dụ: Vợ chồng anh T và chị H có một con trai là P, 15 tuổi. Cả anh T và chị H đều có thu nhập chịu thuế và muốn đăng ký con trai là người phụ thuộc. Theo quy định, chỉ một trong hai người (hoặc anh T hoặc chị H) được đăng ký con trai làm người phụ thuộc trong một năm tính thuế. Nếu cả hai đều đăng ký sẽ dẫn đến sai phạm trong việc tính giảm trừ gia cảnh.

5. Có thể đăng ký tối đa bao nhiêu người phụ thuộc

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định điều kiện để xác định một đối tượng là người phụ thuộc và chỉ giới hạn số lần tính giảm trừ gia cảnh trên một người phụ thuộc theo nguyên tắc: “Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế”, Không quy định giới hạn về số lượng tối đa người phụ thuộc mà một người nộp thuế có thể đăng ký.

Điều này có nghĩa là một người nộp thuế có thể đăng ký nhiều người phụ thuộc khác nhau, miễn là các đối tượng này đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định bởi pháp luật. Ví dụ, một người nộp thuế có thể cùng lúc đăng ký con nhỏ, cha mẹ già không có thu nhập, vợ hoặc chồng không có thu nhập và các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng nếu những người này đáp ứng theo các điều kiện nêu trên và có đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định.

Có thể thấy, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế trong các trường hợp có trách nhiệm nuôi dưỡng nhiều người phụ thuộc. Tuy nhiên, người nộp thuế cần đảm bảo việc kê khai chính xác và đầy đủ, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để gian lận hoặc trốn thuế.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan