05

Th7

Khi nào cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm

Cho vay nặng lãi là hình thức cho vay với lãi suất cao đang rất phổ biến trong xã hội vì thủ tục đơn giản và tiền được giải ngân trong ngày. Đây là hành vi ngày một nở rộ và phát triển cực kì nhanh do nhu cầu tài chính của người dân rất lớn. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, vậy khi nào thì đủ điều kiện bị bắt về tội cho vay nặng lãi, bài viết sau Luật 3S sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc

I.MỨC LÃI SUẤT CHO VAY THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Căn cứ Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2.Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo quy định trên, về lãi suất, mức lãi suất vay tiền cũng tự do theo thỏa thuận nhưng lưu ý rằng không được phép vượt quá 20%/năm. Trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác có liên quan đó.

II.TỘI CHO VAY NẶNG LÃI THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2.Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Từ quy định trên thì trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi mức lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự 2015, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng.

Điều kiện đủ để truy cứu trách nhiệm về tội cho vay nặng lãi:

Hành vi cho vay có lãi suất được xác định đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự khi thoả mãn đồng thời 2 yếu tố sau đây:

Thứ nhất, lãi suất cho vay phải cao gấp 05 lần so với mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là cao gấp 05 lần mức lãi suất 20%/năm, hay nói cách khác là cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên.

Thứ hai, phải thu lợi bất chính từ việc cho vay từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi:

Tuỳ theo số tiền thu lợi bất chính hoặc hành vi vi phạm, người phạm tội sẽ đối diện với mức hình phạt như sau:

Người phạm tội nếu thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

-Người phạm tội nếu thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý rằng, đối với trường hợp mức lãi suất vượt quá 20%/năm nhưng chưa gấp 05 lần lãi suất 20%/năm thì sẽ không đủ yếu tố cấu thành tội hình sự mà sẽ bị vi phạm Bộ luật dân sự 2015, cụ thể thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

Tin tức liên quan