Điều lệ Công ty cần sửa đổi những nội dung nào theo Luật doanh nghiệp 2020?
Từ ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều quy định thay đổi quan trọng. Một số thay đổi có thể kể đến như quy định quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH… Với việc thay đổi của quy định pháp luật thì liệu các doanh nghiệp có phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty hay không?
1.Những nội dung được thay đổi liên quan Điều lệ công ty
Điều lệ công ty là văn bản do doanh nghiệp ban hành, được xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật để ấn định các nguyên tắc trong việc vận hành, quản trị tại doanh nghiệp.
Điều lệ công ty bao gồm: Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Nội dung của Điều lệ công ty phải bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020.
So với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu nội dung Điều lệ công ty phải quy định chi tiết:
– Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
– Phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
Luật Doanh nghiệp 2020 đã ban hành thêm nhiều quy định mới, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định so với Luật Doanh nghiệp 2014. Có thể xem qua một số điểm được thay đổi có trong nội dung của Điều lệ công ty giữa hai văn bản quy phạm pháp luật dưới đây:
Nội dung sửa đổi | Luật Doanh nghiệp 2020 | Luật Doanh nghiệp 2014 |
Ban Kiểm soát trong Công ty TNHH | Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định. | Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. |
Thay đổi cách xác định nghị quyết được thông qua | Nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty TNHH một thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành. | Nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty TNHH một thành viên được thông qua khi có hơn một nửa số thành viên dự họp tán thành. |
Thay đổi quyền lợi cổ đông, nhóm cổ đông | Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý,… | Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý,… |
Quy định quyền và nghĩa vụ của từng NĐDPL trong trường hợp Điều lệ công ty chưa quy định rõ | Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật (NĐDPL) thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng NĐDPL. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng NĐDPL chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi NĐDPL của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả NĐDPL phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. | Không có quy định |
2.Vậy doanh nghiệp có cần phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực?
Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định những trường hợp doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty mà việc sửa đổi này sẽ do Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty đối với Công ty TNHH, Công ty hợp danh; Đại hội đồng cổ đông đối với Công ty cổ phần quyết định. Thể thức sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định chi tiết tại Điều lệ công ty.
Hiện nay, thông thường, khi có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến các nội dung như: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; vốn điều lệ hoặc cơ cấu tổ chức quản lý, quyền và nghĩa vụ của thành viên/cổ đông,… thì doanh nghiệp sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Theo nội dung đã phân tích thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã thay đổi một số nội dung nổi bật có trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền của cổ đông, nhóm cổ đông; người đại diện theo pháp luật; cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH,… Như vậy, để đảm bảo nội dung trong Điều lệ công ty phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như tránh xảy ra mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định khi quản trị, điều hành thì doanh nghiệp nên thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty theo quy định mới nhất.
3.Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty có phải đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh
Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, Điều lệ công ty là một trong những giấy tờ bắt buộc phải nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp thực hiện:
– Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Khi có sự thay đổi thay đổi một hoặc một số nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: Khi thay đổi một trong những nội dung về: ngành, nghề kinh doanh; cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết; nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký lại/thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty trong quá trình hoạt động. Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, tiến hành thực hiện mà không cần phải đăng ký lại/thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.