09

Th4

ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ KHỞI TẠO TỪ MÁY TÍNH TIỀN TỪ 01/6/2025                                                      

Kể từ ngày 01/6/2025, theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 72/2023/NĐ-CP), việc áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trở thành bắt buộc đối với một số ngành nghề kinh doanh. Vậy đó là những trường hợp nào?

Hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền là gì?

Theo điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, Máy tính tiền là hệ thống tính tiền bao gồm một thiết bị điện tử đồng bộ hoặc một hệ thống gồm nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng giải pháp công nghệ thông tin có chức năng chung như: tính tiền, lưu trữ các giao dịch bán hàng, số liệu bán hàng.

Bên cạnh đó, theo Điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP quy định: Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (sau đây gọi là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền) là hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập từ hệ thống tính tiền, dữ liệu được chuyển đến cơ quan thuế theo định dạng được quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Như vậy, có thể hiểu: Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là loại hóa đơn có mã của cơ quan thuế, được lập thông qua thiết bị điện tử có chức năng thanh toán, tính tiền, lưu trữ các giao dịch bán hàng, số liệu bán hàng. Đây không phải là hóa đơn thông thường do doanh nghiệp tự lập trên phần mềm hóa đơn điện tử nội bộ mà là hóa đơn được tạo tức thì tại điểm bán hàng và được truyền ngay về cơ quan thuế.

Loại hóa đơn này đặc biệt này thường được áp dụng với các lĩnh vực như: như: ăn uống, bán lẻ, dịch vụ vận tải, khách sạn, spa,….

Nội dung hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ bao gồm các nội dung:

– Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán;

–  Tên, địa chỉ, mã số thuế/số định danh cá nhân/số điện thoại của người mua theo quy định (nếu người mua yêu cầu);

– Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phải ghi rõ nội dung giá bán chưa thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán có thuế giá trị gia tăng;

– Thời điểm lập hóa đơn;

– Mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Người bán gửi hoá đơn điện tử cho người mua bằng hình thức điện tử (tin nhắn, thư điện tử và các hình thức khác) hoặc cung cấp đường dẫn hoặc mã QR để người mua tra cứu, tải hoá đơn điện tử.

Đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ 01/6/2025

Theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Từ 01/6/2025, 05 trường hợp sau đây sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế:

(1) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (theo quy định tại khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên.

(2) Doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác);

(3) Nhà hàng, ăn uống, khách sạn.

(4) Dịch vụ vận tải hành khách và các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ.

(5) Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim và các dịch vụ phục vụ cá nhân khác.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan