03

Th8

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ

Hiện nay trên thế giới hợp đồng điện tử đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại kinh tế số hiện nay. Việc sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng truyền thống không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong các giao dịch thương mại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào và thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử ra sao? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng điện tử là gì?

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 thì “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật giao dịch điện tử”. Theo đó, “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” và “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”

Như vậy, có thể hiểu Hợp đồng điện tử là giao dịch điện tử được các bên thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ và được gửi đi, được nhận lại và được lưu giữ các thông tin bằng phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Với tính đặc thù của mình, Hợp đồng điện tử có một số đặc điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống như sau:

Thứ nhất là về hình thức: thể hiện bằng thông điệp dữ liệu điện tử: Hợp đồng điện tử có điểm mới so với hợp đồng giấy truyền thống là thông tin được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu. Cụ thể, Hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Thứ hai là về chủ thể giao kết hợp đồng: Sẽ có ít nhất 3 chủ thể tham gia trong hợp đồng thay vì ít nhất 2 bên như hợp đồng truyền thống, cụ thể, ngoài các bên giao dịch, đàm phán trong hợp đồng thì hợp đồng điện tử còn có chủ thể thứ ba đó là các nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Các cơ quan này  không tham gia vào quá trình thương lượng mà chỉ đảm bảo tính hiệu quả, giá trị pháp lý của hợp đồng.

Thứ ba là về thời điểm thực hiện hợp đồng: Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng điện tử sẽ căn cứ vào thời điểm nào trong quá trình gửi và nhận thông điệp dữ liệu giữa người khởi tạo và người nhận thông điệp dữ liệu điện tử, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định:

Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo. Với quy định này thì có thể hiểu là thời điểm gửi thông điệp dữ liệu được xác định là thời điểm thông điệp dữ liệu ra khỏi hệ thống máy chủ của người gửi.

Thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định trong trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận.

Thứ tư là về địa điểm giao kết hợp đồng: Khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 19 Luật giao dịch điện tử 2005 không quy định địa điểm giao kết hợp đồng mà chỉ quy định địa điểm gửi và nhận các thông điệp dữ liệu điện tử. Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo, trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

2. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Theo quy định tại Điều 34, Luật giao dịch điện tử 2005 quy định về thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử như sau: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Đồng thời, tại Điều 14 Luật này cũng có quy định: “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Như vậy, mặc dù được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, tuy nhiên tính pháp lý của hợp đồng điện tử vẫn được thừa nhận theo quy định pháp luật Việt Nam; đồng thời được sử dụng làm chứng cứ khi một trong hai bên tham gia không thực hiện đúng, hoặc vi phạm những điều khoản quy định trên hợp đồng. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử trong lĩnh vực nhà nước cho phép để tối ưu về quy trình kinh doanh và chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian, giao kết nhanh chóng và tiện lợi.

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử

Mặc dù  pháp luật đã ghi nhận tính pháp lý của hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp, hợp đồng điện tử phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất là phải đáp ứng các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định của BLDS

Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được định nghĩa như sau: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Trong đó, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015)

Như vậy, hợp đồng điện tử về bản chất cũng là một giao dịch dân sự. Do đó, cũng phải tuân thủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực. Cụ thể, theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định (Ví dụ: hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực).

Thứ hai là phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực theo quy định của Luật Giao dịch điện tử

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định riêng đầy đủ về điều kiện có hiệu lực của giao dịch điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng mà chỉ quy định chung về khái niệm và nguyên tắc cơ bản trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử tại Chương 4 của Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng, cụ thể:

(i) Thông tin trong hợp đồng điện tử phải đảm bảo được tính toàn vẹn

Hợp đồng điện tử cần đảm bảo tính nguyên vẹn hoàn toàn, không có bất kỳ chỉnh sửa nào kể từ khi hai bên hoàn tất thủ tục ký số. Mọi tác động sửa đổi thông tin đều được hệ thống lưu lại lịch sử chỉnh sửa.

(ii) Có đầy đủ các chữ ký số của các bên có trong hợp đồng

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư quy định: “Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.”

Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Giá trị của chữ ký số trên thông điệp dữ liệu được thừa nhận tương đương với chữ ký trên văn bản giấy. Giá trị của chữ ký số của cơ quan/tổ chức trên thông điệp dữ liệu là tương đương với con dấu, cụ thể:

“Điều 8. Giá trị pháp lý của chữ ký số

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.”

Như vậy, một bản hợp đồng điện tử có tính pháp lý là khi hợp đồng đó được xác thực bởi chữ ký số của các bên liên quan được nhắc đến trong hợp đồng.

Nếu một bản hợp đồng thiếu sót một chữ ký số hợp lệ, hợp đồng đó sẽ không được chấp nhận. Chính vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra kỹ lưỡng bản hợp đồng trước khi quyết định hoàn thành quy trình ký kết hợp đồng điện tử.

(iii) Đại diện ký số được xác định theo quy định của pháp luật

Đại diện ký số là người có thẩm quyền hoặc được ủy quyền để ký số. Trong quá trình xác thực hợp đồng điện tử, chủ thể ký số và chữ ký số là điều quan trọng và cần được xác thực là ký đúng pháp nhân.

(iv) Chứng thư số còn hiệu lực và được cấp bởi tổ chức cấp phép có thẩm quyền

Để xác định được chủ thể, đại diện ký số trong hợp đồng cần có chứng thư số của đại diện ký số. Chứng thư số này cần đảm bảo là còn hiệu lực và được cấp phép bởi tổ chức có thẩm quyền. Theo Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

– Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

+Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

– Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Việc kiểm tra chứng thư số của đối phương kỹ càng trước khi hoàn thành thủ tục giao kết hợp đồng sẽ giúp các bên tránh trường hợp rủi ro không mong muốn có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng điện tử.

(v) Đảm bảo nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử chỉ được chấp nhận và đảm bảo tính pháp lý khi hợp đồng đó được thực hiện theo đúng nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử. Cụ thể:

– Đối với phương tiện giao kết: Phương tiện giao kết hợp đồng điện tử phải là phương tiện điện tử hoạt động dựa trên công nghệ, internet,…

– Chủ thể giao kết: Cần tuân thủ các quy tắc, hai bên có quyền trao đổi, thỏa thuận, điều chỉnh hợp đồng sao cho phù hợp với tình hình đôi bên.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan