HƯỚNG DẪN GIÁM ĐỊNH BỆNH NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Giám định mức suy giảm khả năng lao động là yêu cầu bắt buộc của người lao động khi muốn hưởng chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để biết thêm các quy định về thành phần hồ sơ cũng như trình tự thủ tục khám giám định bệnh nghề nghiệp như thế nào nhé.
Cơ sở pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội 2014;
– Luật an toàn vệ sinh lao động 2015;
– Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
– Thông tư 52/2016/TT-BYT hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
I. BỆNH NGHỀ NGHIỆP LÀ GÌ?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Theo đó, để xác định đây là bệnh có hại phát sinh do quá trình lao động thì Bộ y tế đã ban hành Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT bao gồm 34 loại bệnh như sau:
TT | Loại bệnh nghề nghiệp | Quy định hướng dẫn chẩn đoán, giám định |
1 | Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp | Phụ lục 1 |
2 | Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp | Phụ lục 2 |
3 | Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp | Phụ lục 3 |
4 | Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp | Phụ lục 4 |
5 | Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp | Phụ lục 5 |
6 | Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp | Phụ lục 6 |
7 | Bệnh hen nghề nghiệp | Phụ lục 7 |
8 | Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp | Phụ lục 8 |
9 | Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp | Phụ lục 9 |
10 | Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp | Phụ lục 10 |
11 | Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp | Phụ lục 11 |
12 | Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp | Phụ lục 12 |
13 | Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp | Phụ lục 13 |
14 | Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật | Phụ lục 14 |
15 | Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp | Phụ lục 15 |
16 | Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp | Phụ lục 16 |
17 | Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp | Phụ lục 17 |
18 | Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn | Phụ lục 18 |
19 | Bệnh giảm áp nghề nghiệp | Phụ lục 19 |
20 | Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân | Phụ lục 20 |
21 | Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ | Phụ lục 21 |
22 | Bệnh phóng xạ nghề nghiệp | Phụ lục 22 |
23 | Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp | Phụ lục 23 |
24 | Bệnh nốt dầu nghề nghiệp | Phụ lục 24 |
25 | Bệnh sạm da nghề nghiệp | Phụ lục 25 |
26 | Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm | Phụ lục 26 |
27 | Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài | Phụ lục 27 |
28 | Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su | Phụ lục 28 |
29 | Bệnh Leptospira nghề nghiệp | Phụ lục 29 |
30 | Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp | Phụ lục 30 |
31 | Bệnh lao nghề nghiệp | Phụ lục 31 |
32 | Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp | Phụ lục 32 |
33 | Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp | Phụ lục 33 |
34 | Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp | Phụ lục 34 |
II. KHI NÀO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC KHÁM GIÁM ĐỊNH LẦN ĐẦU BỆNH NGHỀ NGHIỆP?
Căn cứ Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy về giám định mức suy giảm khả năng lao động. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Một là, sau khi bị bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
Hai là, sau khi bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
Trường hợp này, Người lao động được giám định lại bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ba là, đối với trường hợp bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Ngoài ra, Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp: Vừa bị bệnh nghề nghiệp; hoặc bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
III. THỦ TỤC KHÁM GIÁM ĐỊNH LẦN ĐẦU BỆNH NGHỀ NGHIỆP
(1) Thành phần hồ sơ
a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BLĐTBXH đối với trường hợp người được giám định lần đầu bệnh nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định của người lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BLĐTBXH đối với trường hợp người lao động không còn làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp mà phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm của bệnh, bao gồm cả người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng và người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng;
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
c) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp của người lao động có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).
Đối với trường hợp bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định.
d) Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
(Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BLĐTBXH)
(2) Trình tự thủ tục
Theo hướng dẫn tại Quyết định 2968/QĐ-BYT năm 2018, thủ tục giám định bệnh nghề nghiệp lần đầu được thực hiện như sau:
Bước 1: Người lao động gửi hồ sơ xin giám định cho Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh
Bước 2: Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật
Trường hợp không khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng
Bước 3: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.
(3) Trách nhiệm chi trả chi phí khám giám định bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
“Điều 42. Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật này; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.”
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động không phải trả chi phí khám giám định lần đầu bệnh nghề nghiệp. Chi phí khám giám định lần đầu bệnh nghề nghiệp sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm chi trả.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động, Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp như sau:
Phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp;
Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
Trả đủ tiền lương cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
Bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 % đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
Giới thiệu để người lao động bị bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động;
Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
Lập hồ sơ hưởng chế độ về bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật An toàn vệ sinh lao động.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …