08

Th10

 HƯỚNG DẪN KHIẾU NẠI CÁC QUYẾT ĐỊNH, HÀNH VI TỐ TỤNG HÌNH SỰ

“Khiếu nại trong tố tụng hình sự” là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là người khiếu nại), theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. [1]

Khiếu nại các quyết định và hành vi tố tụng hình sự được xem là quyền quan trọng của cá nhân nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp khi cho rằng mình bị xâm phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ quyền khiếu nại và quy trình thực hiện theo đúng quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn chi tiết và cụ thể để thực hiện quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự, mời các bạn cùng theo dõi.

I. CHỦ THỂ CÓ QUYỀN KHIẾU NẠI

Theo Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, người có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự là bất cứ cơ quan, tổ chức, các nhân chịu sự tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng và phải thoả mãn các điều kiện:

(i) Họ phải chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng và

(ii) Theo nhận thức chủ quan của người khiếu nại thì quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm trái pháp luật hoặc vì động cơ khác.

II. CÁC QUYẾT ĐỊNH, HÀNH VI TỐ TỤNG HÌNH SỰ CÓ THỂ BỊ KHIẾU NẠI

Theo Điều 470 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các quyết định và hành vi tố tụng dưới đây có thể bị khiếu nại bao gồm:

(i) Quyết định tố tụng[2] của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong các giai đoạn khác nhau của quá trình tiếp nhận, giải quyết từ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cho tới điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các quyết định có thể như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải, từ chối người bào chữa, tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, v.v…

(ii) Hành vi tố tụng[3] của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, như hành vi bắt giữ, lấy lời khai, hỏi cung, khám xét, kê biên, thu giữ vật chứng, tài sản, v.v…

Lưu ý rằng: Các Quyết định, hành vi tố tụng nêu trên có thể bị khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Việc xác định quyết định, hành vi là trái pháp luật, xâm phạm là do đánh giá chủ quan hoặc động cơ của người khiếu nại.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì không phải là đối tượng của khiếu nại [4], mà được giải quyết theo quy định tại các Chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật tố tụng hình sự.

III. THỜI HIỆU KHIẾU NẠI

Thời hiệu khiếu nại [5] là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Tức là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận, biết được quyết định, hành vi và cho rằng có vi phạm pháp luật nếu người đó không thực hiện quyền khiếu nại, thì không còn quyền khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của bản thân.

Việc quy định thời hiệu khiếu nại để đảm bảo cho việc kịp thời phát hiện những sai phạm trong tố tụng, ngăn chặn được hậu quả phát sinh từ những sai phạm đó gây ra, để kịp thời sửa chữa những sai phạm, bảo đảm hiệu quả của tố tụng hình sự, bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên trong thực tế, có những trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại [6]. Trường hợp này, thời hiệu khiếu nại được khấu trừ đi thời hạn có bất khả kháng, trở ngại khách quan, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Ví dụ: Trong quá trình điều tra, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, ra quyết định kê biên tài sản là căn nhà của bị can A để bảo đảm vấn đề tịch thu tài sản và bồi thường. Bị can A cho rằng quyết định kê biên này gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của bản thân. Như vậy trong trường hợp này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bị can A nhận hoặc biết được quyết định kê biên, bị can A có quyền làm đơn khiếu nại quyết định kê biên của Phó thủ trưởng gửi đến Thủ trưởng cơ quan điều tra đó để xem xét lại căn cứ, tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định kê biên. Nếu như không có lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan như thiên tai, bệnh tật nặng… thì sau thời hạn 15 ngày nói trên, bị can A sẽ không còn quyền khiếu nại quyết định kê biên, bị can A có làm đơn khiếu nại gửi tới, cơ quan điều tra sẽ trả lại đơn với lý do hết thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 471 Bộ luật tố tụng hình sự.

IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHIẾU NẠI

Việc khiếu nại các quyết định và hành vi tố tụng hình sự được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:

Bước 1: Chuẩn bị đơn khiếu nại

Theo quy định, Người khiếu nại có thể nộp đơn khiếu nại hoặc trực tiếp đến trình bày về nội dung khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại [7].Trong đó:

a) Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn về một nội dung thì trong đơn có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại. [8]

b) Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp, hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản. [9]

Lưu ý: Khi chuẩn bị hồ sơ khiếu nại, người khiếu nại cần thu thập và đính kèm các tài liệu chứng minh cho nội dung khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở giải quyết nội dung khiếu nại của người khiếu nại, bao gồm:

– Bản sao quyết định hoặc hành vi tố tụng bị khiếu nại.

– Các tài liệu chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm phạm (nếu có).

– Các tài liệu khác liên quan hỗ trợ cho nội dung khiếu nại (biên bản, hình ảnh, video, chứng cứ).

Bước 2: Nộp hồ sơ khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định như sau:

(i) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam [10]

– Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết:

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam.

– Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết khiếu nại lần hai đối với việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

– Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết đối với: Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam do nếu quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại là của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

– Tòa án có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử.

+ Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Chánh án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án xem xét, giải quyết.

+ Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp.

(ii) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra  [11]

-Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết.

– Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

– Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

– Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, giải quyết.

(iii) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát [12]

Bước 3: Giải quyết khiếu nại

Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự theo Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT như sau:

– Kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện thụ lý, trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (sau đây gọi chung là người giải quyết khiếu nại) phải thụ lý và thực hiện các thủ tục như sau:

+ Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày về nội dung khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến những nội dung bị khiếu nại.

+ Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, nếu thấy đủ căn cứ giải quyết và không cần phải xác minh nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

Trường hợp cần phải xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc ra quyết định phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Người được phân công xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại trình người có thẩm quyền phê duyệt.

+ Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.

+ Trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, nếu thấy cần thiết thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại.

+ Khi thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại.

+ Kết thúc việc xác minh, người được phân công xác minh phải có văn bản báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại và đề xuất hướng giải quyết.

+ Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại thì ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại.

– Việc giải quyết khiếu nại phải được lập hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:

+ Đơn khiếu nại hoặc biên bản ghi nội dung khiếu nại (nếu có);

+ Văn bản thông báo việc thụ lý khiếu nại;

+ Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;

+ Quyết định phân công xác minh, kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt (nếu có);

+ Biên bản làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;

+ Thông tin, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

+ Kết quả giám định (nếu có);

+ Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);

+ Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại (nếu có);

+ Các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số bút lục theo thứ tự tài liệu và lưu trữ theo quy định của pháp luật.

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT;

[2] Khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự;

[3] Khoản 2 Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự;

[4] Khoản 2 Điều 469 Bộ luật tố tụng hình sự;

[5] Khoản 1 Điều 471 Bộ luật tố tụng hình sự;

[6] Khoản 2 Điều 471 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

[7] Điều 472 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

[8] Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT;

[9] Điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT;

[10] Điều 474 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

[11] Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

[12] Điều 476 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan